Sản lượng hóa chất thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 - liên hợp quốc kêu gọi hành động chống ô nhiễm quyết liệt hơn

02:42 CH @ Thứ Sáu - 25 Tháng Mười, 2019

Tại Hội nghị môi trường do Liên hợp quốc tổ chức ở Nairobi (Kenia) tháng 3/2019, tổ chức quốc tế này đã công bố Báo cáo về triển vọng hóa chất toàn cầu. Theo bản báo cáo, hiện nay công suất sản xuất hóa chất toàn cầu mỗi năm đã đạt 2,3 tỷ tấn với giá trị 5 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Từ dược phẩm cho đến các sản phẩm nông hóa, hóa chất đang đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại ngày nay và trong việc đạt được mục tiêu của Chương trình phát triển bền vững 2030.

Được thúc đẩy nhờ quá trình phát triển kinh tế, động lực về dân số cũng như các xu hướng lớn khác trên toàn cầu, thị trường hóa chất đang phát triển trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp. Ví dụ, thị trường hóa chất trong ngành xây dựng được dự báo sẽ tăng trưởng 6,2%/năm trong thời gian 2018-2023.

Trong khi đó, sản xuất và tiêu thụ hóa chất đã dịch chuyển về phía các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Khu vực Châu á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chiếm hơn hai phần ba doanh số hóa chất toàn cầu vào năm 2030. Thương mại điện tử xuyên biên giới trên thị trường hóa chất cũng đang tăng trưởng với tốc độ 25%/năm.

Tuy nhiên, theo Liên hợp quốc các quốc gia sẽ không đạt mục tiêu đã thỏa thuận là giảm xuống tối thiểu những tác động bất lợi của hóa chất và phế thải vào năm 2020. Vì vậy, chính phủ các nước cần phải có những hành động quyết liệt hơn nữa nhằm tiếp tục giảm thiểu những thiệt hại đối với sức khỏe con người và các nền kinh tế.

Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã cam kết tăng tối đa những ích lợi và giảm xuống tối thiểu các tác động của công nghiệp hóa chất, nhưng các hóa chất nguy hiểm vẫn tiếp tục được thải ra môi trường ở những lượng lớn. Chúng có mặt ở khắp nơi trong không khí, nước, đất, thực phẩm và bản thân cơ thể con người.

Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính, các bệnh do một số hóa chất gây ra đã cướp đi 1,6 triệu mạng người trong năm 2016. ô nhiễm do hóa chất cũng đe dọa nhiều hệ sinh thái. Một số loại thuốc trừ sâu đã được phát hiện là ảnh hưởng bất lợi đối với các loài côn trùng thụ phấn, hóa chất sử dụng trong kem chống nắng đang gây áp lực lên hệ sinh thái của các rạn san hô. Phát thải một số chất diệt khuẩn, kim loại nặng và thuốc khử trùng góp phần gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Mặt khác, báo cáo nói trên của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh những giải pháp đã được triển khai và kêu gọi các quốc gia tăng cường áp dụng các giải pháp này.

Theo Giám đốc điều hành của ủy ban Môi trường Liên hợp quốc, tăng trưởng của sản xuất hóa chất sẽ trở thành tích cực hay tiêu cực đối với con người là điều sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta quản lý các thách thức trong sản xuất hóa chất như thế nào. Nhưng một điều rõ ràng là chúng ta sẽ phải cùng nhau làm nhiều hơn thế nữa.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, các hiệp định quốc tế và các biện pháp tự nguyện đã giúp giảm những rủi ro của một số hóa chất và phế thải, tuy nhiên tiến bộ đạt được không đồng đều và vẫn còn khoảng cách lớn trong việc thực hiện. Ví dụ, năm 2018 hơn 120 quốc gia đã không thực hiện Hệ thống phân loại và dán nhãn hóa chất toàn cầu.

Ngược lại, các hành động giảm thiểu tác động bất lợi của ô nhiễm được ước tính đang mang lại ích lợi hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo của Liên hợp quốc về triển vọng hóa chất toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước đang phát triển. Báo cáo cho thấy tình trạng không đồng đều trong việc thực hiện các biện pháp quản lý hóa chất và phế thải, đồng thời chỉ ra các cơ hội tăng cường chia sẻ kiến thức, phát triển công suất và tài trợ cho các sáng kiến đổi mới.

HV

Theo UN-Environment, 3/2019