Lớp phủ từ trứng bảo vệ quả tươi sau thu hoạch

03:23 CH @ Thứ Năm - 24 Tháng Chín, 2020

Mỗi năm nước Mỹ sản xuất hơn 7 tỉ quả trứng, trong số đó khoảng 3% bị các nhà sản xuất bánh kẹo từ chối vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vì vậy ước tính có hơn 200 triệu quả trứng bị thải bỏ và kết thúc ở các bãi rác. Nay các nhà khoa học Trường kỹ thuật Brown thuộc Đại học Rice (Mỹ) đã tìm ra cách sử dụng số trứng bị bỏ đi này để sản xuất lớp phủ bảo vệ hoa quả. Lớp phủ mỏng cỡ micro này có thể giải quyết các vấn đề về sản xuất và tiêu thụ thực phẩm cũng như giúp bảo vệ môi trường.

Khi lớp phủ mớ iđược phủ lên quả tươi bằng cách phun hoặc nhúng, nó có hiệu quả bảo vệ chống hư hỏng cho quả trong một thời gian dài, tương tự các lớp phủ đang được sử dụng phổ biến hiện nay như sáp.

Ngay cả trước khi có đại dịch COVID-19, hàng năm khoảng một phần ba sản lượng hoa quả trên thế giới đã bị bỏ phí do hư hỏng sau thu hoạch.

Sử dụng sáp để bảo quản trái cây chống hư hỏng là cách làm thông thường ngày nay, nhưng theo quy định đó phải là loại sáp động, thực vật được dùng cho thực phẩm, không gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá của loại sáp này khá đắt đỏ, trong khi sáp công nghiệp làm từ các sản phẩm dầu khí lại rẻ hơn nhiều. Nếu những loại hoa quả như táo được bảo quản bằng sáp công nghiệp và người dùng không gọt vỏ khi ăn thì khó tránh khỏi những nguy cơ tổn hại sức khỏe. Vì vậy, phòng chống hư hỏng thực phẩm nhưng không phải sử dụng những phương pháp như biến đổi gen, phủ sáp công nghiệp hoặc phụ gia hóa chất,…là yêu cầu quan trọng để bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Lớp phủ làm từ trứng của các nhà khoa học tại Đại học Rice không độc hại, có thể ăn được. Nó tạo ra lớp bảo vệ chống vi khuẩn đồng thời ngăn ngừa mất nước. Lớp phủ này hầu như không cho hơi nước và khí đi qua, vì vậy cũng có tác dụng chống hoa quả chín sớm. Đây là lớp phủ hoàn toàn tự nhiên và có thể được rửa sạch bằng nước.

Các nhà sáng chế cho biết, nếu ai đó quá mẫn cảm với các thành phần của lớp phủ hoặc bị dị ứng trứng thì có thể dễ dàng loại bỏ lớp phủ bằng cách rửa sạch.

Lòng trắng và lòng đỏ trứng chiếm gần 70% thành phần của lớp phủ mới. Các thành phần còn lại chủ yếu là xenluloza cỡ nano, chiết xuất từ gỗ, có tác dụng ngăn mất nước và giữ cho ra quả tươi không bị khô héo. Ngoài ra còn có một lượng nhỏ curcumin để tăng cường tác dụng chống khuẩn và glyxerol để tăng độ dẻo của lớp phủ.

Các thử nghiệm nhúng phủ đối với dâu, lê, chuối và các loại hoa quả khác cho thấy chúng giữ được độ tươi ngon lâu hơn nhiều so với khi không được phủ. Các thử nghiệm về nén ép cho thấy hoa quả đã phủ trở nên cứng chắc hơn đáng kể so với sản phẩm không phủ, đồng thời các thử nghiệm cũng biểu thị khả năng của lớp phủ trong việc giữ nước và làm chậm quá trình chín.

Kết quả phân tích lớp màng phủ độc lập bên ngoàihoa quả cho thấy nó đặc biệt mềm dẻo và khó nứt vỡ, vì vậy có thể bảo vệ sản phẩmtốt hơn. Thử nghiệm về độ căng của màng phủ này cho kết quả tương đương như các loại màng phủ khác, kể cả những màng tổng hợp vẫn được sử dụng để đóng gói hoa quả. Những thử nghiệm khác chứng minh lớp phủ mới không độc hại và có thể được rửa sạch hoàn toàn bằng nước sau vài phút.

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục cải tiến thành phần lớp phủ và xem xét sử dụng các nguyên liệu khác. Một nhà nghiên cứu trong nhóm cho biết, họ sử dụng trứng vì có rất nhiều trứng đang bị đổ bỏ lãng phí, tuy nhiên họ cho rằng cũng có thể sử dụng các nguyên liệu khác. Hiện tại họ đang thử nghiệm protein chiết xuất từ cây trồng thay cho protein động vật để sản xuất các loại lớp phủ tương tự.

LH, theo ScienceDaily 6-2020