Công nghiệp Hóa chất thế giới hy vọng vào sự phục hồi sau đại dịch

08:55 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Bảy, 2020

Các nhà sản xuất hóa chất ở cả Trung Quốc và các nước phương Tây đã đạt được một số tiến bộ nhất định khi nỗ lực duy trì hoạt động trong thời gian đại dịch COVID-19. Đến nay, các công ty hóa chất nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đã bắt đầu đưa nhà máy vận hành trở lại, những công ty ở châu âu phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc cũng hy vọng tình hình sẽ tốt đẹp hơn, cho dù đang phải điều chỉnh lại các chuỗi cung ứng.

Nhu cầu hóa chất chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương tháng 2/2020 ở Arập Xê-út, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 5,6%, thấp hơn so với dự báo của tháng trước đó. IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,3%, thấp hơn dự báo trước.

Trung Quốc tìm cách hồi phục

Khi số ca nhiễm virut corona mới bên ngoài tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc giảm xuống dưới 10 ca mỗi ngày, ngành công nghiệp hóa chất tại Trung Quốc đã cố gắng tìm cách quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân lực, nguồn cung nguyên liệu không ổn định và nhu cầu thị trường suy yếu đã cản trở những nỗ lực đưa các nhà máy trở lại sản xuất với công suất tối đa.

Phần lớn các nhà máy hóa dầu quan trọng của Trung Quốc nằm ở tỉnh Chiết Giang - trung tâm sản xuất hóa chất quy mô lớn - đã hoạt động trở lại từ cuối tháng 2. Nhưng do chuỗi cung ứng bị phá vỡ, những nhà máy này đều chỉ đạt tỷ lệ vận hành công suất 40-70%.

Nhìn chung, các quan sát viên cho biết, các nhà máy lọc dầu lớn và các công ty sản xuất hóa chất cơ bản, phần lớn liên kết với các tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước như Sinopec hoặc PetroChina, đã quay trở lại hoạt động dễ dàng hơn, một phần do công nhân của họ sống ở các khu vực gần nhà máy. Trái lại, các công ty sản xuất hóa chất tinh khiết và hóa chất chuyên dụng, phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, chỉ đạt tỷ lệ vận hành công suất thấp hơn nhiều do phụ thuộc vào công nhân di cư - nhiều người trong số này vẫn đang sống ở quê nhà hoặc bị cách ly khi quay trở về nhà máy sau kỳ nghỉ Tết tháng 1.

Kết quả khảo sát thực tế mới đây của 2 hiệp hội công nghiệp là Liên hiệp dầu mỏ - công nghiệp hóa chất Trung Quốc và Liên hiệp hậu cần Trung Quốc cho thấy, tình trạng thiếu nhân công, nhu cầu giảm và các tuyến đường vận chuyển bị phong tỏa là những vấn đề chính ảnh hưởng đến các nhà sản xuất cũng như các công ty hậu cần trên khắp đất nước.

Theo Công ty tư vấn Wood Mackenzie, tuy các công ty sẽ vượt qua các trở ngại về hậu cần, nhưng sự thiếu hụt nhu cầu do tác động của virut corona sẽ ảnh hưởng đến ngành hóa dầu Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với trong thời kỳ dịch SARS năm 2003. Nhu cầu nguyên liệu dùng để phòng ngừa dịch bệnh sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu hóa chất nói chung. Để sản xuất một chiếc mặt nạ phẫu thuật, người ta chỉ cần sử dụng 4 gam sợi polypropylen có điểm nóng chảy cao.

Tình hình tại phương Tây

Các công ty sản xuất hóa chất Mỹ và châu âu đã lo ngại theo dõi sự lan rộng của các ca nhiễm COVID-19 trên khắp thế giới. Điểm nóng của dịch ở vùng Bắc Italia đã trở thành tâm điểm lo ngại đặc biệt đối với ngành dược phẩm, vì khu vực này là nơi cung ứng quan trọng các sản phẩm hóa chất cho sản xuất dược phẩm.

Đầu tháng 4/2020, những kết quả sản xuất kinh doanh ban đầu trong đại dịch COVID-19 đã bắt đầu được các công ty sản xuất hóa chất tại Mỹ và châu âu công bố, và đây là những kết quả không tốt đẹp. Nhiều dấu hiệu cho thấy năm 2020 sẽ là năm suy giảm mạnh của sản xuất hóa chất toàn cầu.

Công ty hóa chất đa quốc gia LyondellBasell Industries với trụ sở tại Mỹ cho biết, thu nhập ròng quý I của Công ty đạt 144 triệu USD. Trong quý IV/2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thu nhập ròng của Công ty đạt 612 triệu USD. Mặc dù các cơ sở chính của Công ty vẫn đang vận hành và thị trường bao bì cũng như dược phẩm vẫn ổn định, Công ty đã phải tạm dừng sản xuất các thành phần chất dẻo sử dụng trong sản xuất xe ôtô.

Công ty LyondellBasell đã thực hiện một số biện pháp tiết kiệm chi phí như giảm hàng tồn kho và giảm tốc độ chi tiêu vốn đầu tư, kể cả đối với hoạt động xây dựng nhà máy t-butyl alcohol quy mô lớn ở Texax, Mỹ. Công ty dự báo chi tiêu vốn đầu tư năm 2020 sẽ giảm 20% từ mức ước tính ban đầu là 2,4 tỷ USD.

Những dữ liệu sơ bộ về tình hình sản xuất kinh doanh của nhà sản xuất polyuretan Covestro tại Đức cho thấy doanh số quý I đã giảm 4,1%. Công ty dự báo, lợi nhuận trước thuế sẽ giảm xuống 277 triệu USD từ mức 303 triệu USD của quý trước. Tuy Công ty đã có khả năng duy trì hoạt động ở các nhà máy của mình tại Trung Quốc, nhưng với tỷ lệ vận hành công suất thấp hơn. Đối với Covestro, tình hình hậu cần thực sự là một thách thức lớn, các công ty rất khó tìm đủ người lái xe tải để vận chuyển nguyên liệu.

Covestro dự kiến sẽ đạt lợi nhuận cả năm 2020 trong khoảng 1,1 - 1,6 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với 1,7 tỷ trong năm 2019. Tương tự như Công ty Lyondell, Covestro cũng sẽ phải cắt giảm khoảng 20% chi tiêu vốn đầu tư.

Trong báo cáo tháng 5/2020, Công ty dịch vụ tư vấn đầu tư Moody dự báo lợi nhuận của ngành công nghiệp hóa chất năm 2020 sẽ giảm trung bình 20% so với năm 2019, thấp hơn 10% so với trong báo cáo tháng 4/2020. Trong khi đó, một số lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các lĩnh vực khác. Ví dụ, lĩnh vực sản xuất sơn có thể được hỗ trợ nhờ giá nguyên liệu thấp, nhưng các công ty sản xuất hóa dầu Mỹ sẽ phải chịu gánh nặng thiệt hại do giá dầu mỏ giảm mạnh. Moody cảnh báo triển vọng có thể xấu hơn nếu các nền kinh tế phục hồi chậm. Đối với một số công ty, nhu cầu tại châu Mỹ và châu Âu, Trung Đông, châu Á đã duy trì khá tốt, nhưng tình trạng suy giảm nặng có khả năng sẽ xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt là đối với hóa chất hàng hóa và chất dẻo cho các ứng dụng công nghiệp.

Trong thập niên qua, một số công ty hóa chất đã duy trì lợi thế cạnh tranh nhờ giá khí thiên nhiên thấp hơn giá dầu mỏ trên thế giới. Nhưng gần đây giá dầu mỏ đã sụt giảm mạnh từ khoảng 55 USD vào đầu năm xuống chỉ còn 20 USD.

Để hỗ trợ giá dầu mỏ, ngày 12/4 OPEC và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác như Nga đã thỏa thuận sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức gần 10 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng toàn cầu.

Mặt khác, dịch COVID-19 đã đưa ra ánh sáng tính dễ tổn thương của ngành sản xuất hóa chất phương Tây do phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu cung ứng từ châu á, đặc biệt là Trung Quốc. Cách đây 2 năm, một ủy ban hóa chất tinh khiết của châu âu cũng đã bắt đầu xem xét những lo ngại về chuỗi cung ứng sau khi xảy ra những tai nạn về môi trường tại Trung Quốc. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà sản xuất châu Âu báo cáo đã bị cắt đứt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Tác động dây chuyền của tình trạng thiếu hụt nguyên liệu này sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới.

Nguồn: