Công nghiệp Hóa chất Trung Quốc phục hồi khó khăn

10:34 SA @ Thứ Ba - 07 Tháng Bảy, 2020

Sau nhiều tháng phong tỏa toàn quốc để chống lại đại dịch COVID-19, ngành sản xuất hóa chất Trung Quốc khát khao được quay trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên suy giảm kinh tế toàn cầu do sự lây lan của virut corona đang gây ra những trở ngại không nhỏ cho kế hoạch phục hồi của ngành.

Quay trở lại hoạt động

Đến cuối tháng 3/2020, số trường hợp lây nhiễm virut corona tại Mỹ và Italia đã vượt qua số trường hợp ở Trung Quốc. Trung Quốc có vẻ như đã kiểm soát được tình trạng lây nhiễm trong nước, chỉ còn một số ít trường hợp lây nhiễm mới mỗi tuần.

Nhưng vài tháng trước đó nhiều nhà máy trên toàn đất nước Trung Quốc đã phải đóng cửa, hoạt động kinh tế của tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm ban đầu của dịch COVID-19 - gần như đình trệ hoàn toàn, ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp hóa chất trong nước.

Theo dữ liệu công bố ngày 27/3/2020 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, sản lượng của các công ty công nghiệp tại đây đã giảm 14% trong 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận giảm 39%. Sản xuất hóa chất nằm trong số những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất, sản lượng giảm 21% và lợi nhuận giảm 66%.

Trong năm trước, các sản lượng của ngành luyện kim và sản xuất xe ôtô đã bắt đầu giảm, một phần do kết quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng ngành hóa chất Trung Quốc đã tiếp tục phát triển, thậm chí ngay trong thời gian phong tỏa giữa đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 2 nhiều nhà máy hóa chất vẫn duy trì vận hành.

Từ giữa tháng 2, Trung Quốc đã thúc giục các ngành công nghiệp khôi phục lại hoạt động, tuy một số địa phương vẫn còn nằm trong tình trạng phong tỏa và giãn cách xã hội.

Theo Liên hiệp dầu mỏ và công nghiệp hóa dầu Trung Quốc, trong tháng 3 đã có 86% các nhà máy hóa chất mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà máy không hoạt động hết công suất, ở một số nhà máy chỉ có một hoặc hai phân xưởng được đưa vào vận hành.

Một người đại diện của Công ty Dow Chemical cho biết, nhà máy lớn nhất của Dow Chemical ở Trung Quốc là nhà máy tại Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô, vẫn duy trì hoạt động trong suốt thời gian đại dịch. Tất cả các địa điểm khác của Dow Chemical tại Trung Quốc đã quay trở lại hoạt động từ ngày 8/2 và đang hoạt động tốt. Hoạt động hậu cần của Công ty đã trở về bình thường trước khi hết tháng 2/2020.

Nhưng những công ty nhỏ không có lợi thế như các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước. Những công ty hóa chất quy mô nhỏ thường gặp phải các vấn đề về hậu cần, tình trạng thiếu nhân công, thiếu mặt nạ và các trang thiết bị phòng hộ khác. Tại thị xã Chung Tường, tỉnh Hồ Bắc - trung tâm của ngành sản xuất các sản phẩm phốtphat của Trung Quốc - các nhà sản xuất đã gặp phải những trở ngại về nguồn cung nguyên liệu và vận chuyển, bên cạnh những khó khăn do phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Văn phòng kinh tế Hồ Bắc cho biết, nhu cầu phân lân theo mùa vụ tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng, nhưng nhiều chuyên viên kỹ thuật vẫn chưa muốn quay trở lại tỉnh này làm việc để hỗ trợ các nhà sản xuất phân bón địa phương đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Ảnh hưởng của đại dịch trên toàn cầu

Mặt khác, tuy nhiều đoạn đường bị cấm đã được dỡ phong tỏa và số lượng công nhân quay lại các nhà máy ngày càng tăng, nhưng nhiều nhà máy sản xuất hóa chất của Trung Quốc vẫn đang vận hành dưới công suất thiết kế do thiếu đơn đặt hàng. Trong thời gian qua, nhiều đơn đặt hàng quốc tế đã bị hủy bỏ, khiến cho tình hình càng xấu đi.

Hiện nay, nhiều nhà máy hóa chất đang đứng trước lượng hàng tồn kho lớn, những sản phẩm sản xuất từ đầu năm nay chỉ có thể bán được với giá thấp hơn. Nhiều nhà máy đã tích trữ nguyên liệu với giá cao từ tháng 1, nhưng dịch bệnh cùng với tình trạng phong tỏa kinh tế và giá dầu mỏ lao dốc đã dẫn đến xu hướng cắt giảm mạnh giá bán của phần lớn các sản phẩm hóa chất.

Tuy Trung Quốc đang phục hồi từ đại dịch COVID-19, nhưng các khách hàng quốc tế của nước này lại đang tụt hậu ở phía sau. Một chuyên gia trong ngành vận tải ở đây cho biết, vào tháng 3 và tháng 4/2020 tất cả các kho hàng ở các cảng lớn đều chất đầy sản phẩm đã được lập lịch xuất khẩu mà nay không thể được vận chuyển đi.

Tình trạng phong tỏa và các biện pháp cách ly tại các nước phương Tây đã làm giảm mạnh nhu cầu của người tiêu dùng đối với một loạt hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc như điện thoại thông minh, đồ chơi, quần áo,… Cùng với việc bị ngừng vận hành trước đó do dịch COVID-19, nhu cầu giảm sút hiện nay đang gây ra những trường hợp phá sản và đóng cửa các nhà máy định hướng xuất khẩu ở các tỉnh ven biển Trung Quốc.

Tuy hoạt động của Dow Chemical tại Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng lớn do sản phẩm của Công ty chủ yếu dành cho thị trường Trung Quốc và Châu á-Thái Bình Dương, nhưng các chuyên gia thị trường cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với xuất khẩu hàng tiêu dùng sẽ sớm thể hiện trên thị trường hóa chất, vì vậy 2020 sẽ là năm khó khăn đối với các công ty hóa chất.

Đầu tháng 3/2020, Liên hiệp dầu mỏ và công nghiệp hóa dầu Trung Quốc dự báo đến cuối năm ngành sản xuất dầu mỏ và hóa chất tại đây sẽ đạt 5% tăng trưởng doanh số và 8% tăng trưởng lợi nhuận. Nhưng tình hình hiện nay cho thấy, những mục tiêu trên khó có thể đạt được.

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã công bố các chương trình xây dựng hạ tầng quy mô lớn nhằm cứu trợ nền kinh tế, bù đắp cho suy giảm kinh tế vì đại dịch COVOD-19. Trong số các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng giá trị 3,5 nghìn tỷ USD có 16 dự án lọc dầu và sản xuất hóa dầu tại các tỉnh Hồ Bắc, Phúc Kiến, Quảng Tây, Quảng Đông, mỗi dự án trị giá hàng tỷ USD. Những dự án này sẽ bổ sung cho những dự án lớn đang được các công ty trong nước và các công ty quốc tế như BASF, ExxonMobil, Sabic thực hiện, vì vậy chúng gây ra lo ngại về tình trạng cung vượt cầu trong tương lai.

Nguồn: