Giá amoniăc trong xu hướng giảm do hoạt động mở rộng công suất trên thế giới

08:42 SA @ Thứ Tư - 20 Tháng Giêng, 2021

Năm 2019, nhu cầu amoniăc toàn cầu đạt 181,6 triệu tấn. Gần 75% trong số đó được sử dụng để sản xuất các loại phân bón, 25 % được sử dụng để sản xuất các sản phẩm hóa chất khác như urê và nitrat bậc công nghiệp, caprolactam, acrylonitril, hydro xianua (HCN), axit nitric. Mỗi năm, ngành sản xuất caprolactam tiêu thụ 5 triệu tấn, sản xuất acrylonitril tiêu thụ 3 triệu tấn, sản xuất HCN tiêu thụ 500 nghìn tấn amoniăc.

Công ty phân tích thị trường IHS Markit cho rằng, giá amoniăc hiện đang ở đáy của chu kỳ sau những đợt bổ sung công suất quy mô lớn trong thời kỳ 2016-2019, đặc biệt là 3 dự án amoniăc thương mại công suất lớn tại Freeport (Texas, Mỹ), Kingisepp (Nga) và Luwuk (Inđônêxia).

Theo Công ty Yara International, nhà sản xuất và kinh doanh amoniăc hàng đầu thế giới với trụ sở tại Oslo (Na Uy), giá amoniăc thương mại trong quý I-2020 đạt trung bình khoảng 222 USD/tấn FOB tại Biển Đen, giảm so với quý IV-2019 (226 USD/tấn) và quý I-2019 (272 USD/tấn). Nguyên nhân trực tiếp của xu hướng giảm giá này là ảnh hưởng của những lượng xuất khẩu lớn đến từ Nga và Đông Nam Á cũng như sự sụt giảm của giá năng lượng toàn cầu thời gian qua.

Nhìn chung, giá amoniăc và các loại phân bón liên quan đã giảm từ năm 2014, tuy phạm vi dao động giá đã hẹp lại. Nguyên nhân của xu hướng giảm giá dài hạn là sự sụt giảm đáng kể của giá khí thiên nhiên cũng như xu hướng gia tăng công suất amoniăc trên thế giới. Trong khi đó, đợt sụt giảm của giá dầu mỏ vào tháng 3-2020 đã tạo áp lực lớn lên giá khí thiên nhiên trên thị trường quốc tế, khiến cho thị trường khí thiên nhiên phải đứng trước những thách thức mới.

Tháng 6/2019, Công ty EuroChem (Thụy Sĩ) đã đưa vào vận hành nhà máy amoniăc với vốn đầu tư 1 tỉ USD, công suất 1 triệu tấn/năm, tại Kingisepp (Nga), gần biên giới giữa Nga và Estonia. Nhà máy mới sẽ cung ứng khoảng 250.000 tấn amoniăc/năm cho tổ hợp phân bón của EuroChem tại Antwerp (Bỉ). Đây là lượng amoniăc mà trước đây vẫn được cung ứng từ một công ty bên ngoài. Một phần lượng amoniăc sản xuất tại Kingisepp cũng sẽ được vận chuyển đến nhà máy của EuroChem tại Lithuania, một phần khác được cung ứng cho nhà máy phân lân tại Kingisepp. Sau khi nhà máy amoniăc mới nói trên được đưa vào vận hành, EuroChem đã trao hợp đồng thầu kỹ thuật cho Công ty Maire Tecnimont để thực hiện các công việc sơ bộ cho dự án xây dựng một nhà máy amoniăc khác, cũng đặt tại Kingisepp.

Công ty Yara International, nhà sản xuất hóa chất hàng đầu tại Na Uy, đã sản xuất 7,7 triệu tấn amoniăc trong năm 2019. Giám đốc Công ty cho rằng, thị trường amoniăc đang nằm trong tình trạng cung vượt cầu và cần phải thực hiện một số giải pháp cắt giảm công suất.

iên lợi nhuận của các nhà sản xuất với chi phí cao hiện đang rất thấp, đồng thời giá khí thiên nhiên thấp tại châu âu và những nơi khác đã làm thay đổi tình hình cạnh tranh giữa các nhà sản xuất amoniăc trên toàn thế giới. Trong bối cảnh giá khí thiên nhiên rất thấp và thiếu nguồn cung amoniăc tại châu âu, các nhà sản xuất Tây Âu hiện đang có chi phí sản xuất thấp nhất.

Trong thời gian qua, một số nhà sản xuất đã đóng cửa các nhà máy amoniăc. Tháng 11-2019, Công ty Yara tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn nhà máy amoniăc 270.000 tấn/năm tại Point Lisas, Trinidad. Đây là một trong số 3 nhà máy liên doanh của Yara với Công ty National Enterprises (Tây Ban Nha). Hai nhà máy còn lại vẫn đang tiếp tục vận hành. Cũng tại Trinidad, công ty sản xuất phân bón quan trọng ở đây là Nutrien đã cho tạm ngừng hoạt động một trong 4 nhà máy amoniăc của mình. Công ty Nutrien cho biết, nhà máy với công suất 600.000 tấn/năm này sẽ tạm ngừng hoạt động trong ít nhất 3 tháng.

Theo IHS Markit, trong những năm 2020-2023 số nhà máy amoniăc được xây dựng mới sẽ giảm đi, trong đó chỉ có một nhà máy sẽ cung ứng sản phẩm ra thị trường. Đó là nhà máy công suất 330.000 tấn/năm tại Salalah, Oman. Nhưng cùng với làn sóng xây dựng các nhà máy amoniăc tiếp theo trong thời kỳ cho đến năm 2024, nhà máy Gulf Coast Ammonia (GCA) tại Texas (Mỹ) với công suất 1,3 triệu tấn/năm và nhà máy amoniăc Ma’aden 3 tại Arập Xê-út sẽ được đưa vào vận hành. Theo kế hoạch, nhà máy Ma’aden 3 sẽ đi vào vận hành năm 2022. Nhà máy GCA được khởi công xây dựng tháng 1/2020 và dự kiến sẽ đi vào vận hành trong nửa đầu năm 2023.

Về lý thuyết, nhu cầu tăng trưởng, cho dù chậm, cũng có thể bắt đầu hấp thụ công suất dư thừa, dẫn đến việc lập lại cân bằng cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang và sẽ có những tác động lớn đến tăng trưởng nhu cầu amoniăc, trong đó ngành sản xuất hóa dầu bị ảnh hưởng đặc biệt nặng vì các biện pháp phong toả trong thời gian dịch cũng như do suy thoái kinh tế sẽ diễn ra sau khi hết dịch.

Trên thực tế, động lực cho các đợt mở rộng công suất vừa qua không phải là nhu cầu amoniăc mà là áp lực phải gia tăng giá trị cho khí thiên nhiên bằng cách chuyển hóa khí này thành những sản phẩm dễ bán và dễ vận chuyển như amoniăc và metanol, cũng như chuyển hóa thành nhiên liệu lỏng thông qua quy trình khí hóa lỏng.

Thương mại quốc tế chiếm khoảng 11% tổng tiêu thụ amoniăc. Phần còn lại được tiêu thụ nội bộ tại các cơ sở sản xuất đã tích hợp cuối dòng. Amoniăc cũng có thể được sử dụng làm nhiên liệu, dự kiến trong tương lai gần sẽ có sự tăng trưởng của nhu cầu sử dụng amoniăc làm nhiên liệu, ví dụ cho tàu thuyền.

Ấn Độ và Mỹ là những quốc gia nhập khẩu amoniăc nhiều nhất trên thế giới. Nhưng nhập khẩu của Mỹ hiện nay đã giảm do sự phát triển của công suất trong nước. Năm 2018, Mỹ đứng đầu về nhập khẩu amoniăc với 3,1 triệu tấn, tuy nhiên sang năm 2019 khối lượng nhập khẩu đã giảm xuống 2,5 triệu tấn.

Nguồn: