Lợi nhuận của ngành Hóa chất Mỹ và châu Âu sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn

08:37 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Hai, 2024

Công nghiệp hóa chất Mỹ  Quý III/2023, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Dow Chemical - nhà sản xuất hóa chất lớn nhất Mỹ.

Doanh số quý III của Dow Chemical giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, thu nhập ròng giảm 57%. Khối lượng hàng bán của Công ty giảm 6%, nhưng yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến kết quả hoạt động là giá sản phẩm đã giảm 18% so với năm trước, chủ yếu do chi phí năng lượng thấp hơn. Tại bộ phận Bao bì và chất dẻo chuyên dụng, doanh số đã giảm 26%. Tuy nhu cầu đối với sản phẩm polyetylen vẫn mạnh, nhưng doanh số các sản phẩm khác khá thấp.

Những tác nhân chính dẫn đến hiệu quả hoạt động kém khả quan của Dow Chemical vẫn là châu âu với tăng trưởng yếu và Trung Quốc đang trải qua quá trình hồi phục chậm sau khi phong tỏa vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, không phải tất cả các kết quả đều tiêu cực. Giám đốc điều hành của Dow Chemical cho biết, ngành sản xuất xe ôtô là điểm sáng trên toàn cầu. Ngay cả châu âu cũng đã chứng kiến hoạt động chế tạo xe ôtô khá mạnh trong năm nay.

đối với thời gian còn lại của năm, Chủ tịch Dow Chemical cho biết: “Chúng tôi dự kiến các động lực kinh tế vĩ mô đầy thách thức sẽ tiếp tục trong quý IV, kể cả hoạt động công nghiệp yếu ớt”.
Công nghiệp hóa chất châu Âu.

Tại châu âu, nhiều nhà sản xuất hóa chất lớn tại Đức như BASF, Covestro, Evonik Industries và Lanxess đã báo cáo doanh số giảm và lỗ ròng trong quý III/2023. Ngành hóa chất châu âu hiện đang nỗ lực cắt giảm chi phí, một số công ty đã phải đóng cửa nhà máy do nhu cầu sản phẩm yếu.

BASF - công ty sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới - ghi nhận mức lỗ 264 triệu $ trong quý III/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 962 triệu $, doanh thu đạt 16,2 triệu $, giảm 28%. Công ty cho biết giá bán sản phẩm của các bộ phận Vật liệu, Hóa chất và Công nghệ bề mặt đã giảm đáng kể, khối lượng bán hàng ở tất cả các bộ phận đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

BASF công bố sẽ cắt giảm chi phí khoảng 215 triệu $/năm, bổ sung cho kế hoạch cắt giảm hơn 750 triệu $/năm vào năm 2027. BASF dự định giảm khoảng 4,3 tỉ $ đầu tư vốn trong 5 năm tới.
Công ty Lanxess cũng bị thua lỗ trong quý III và chưa thấy dấu hiệu hồi phục. Công ty đã lập kế hoạch tiết kiệm chi phí mỗi năm 160 triệu $ kể từ năm 2025.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (IFO), công nghiệp hóa chất Đức đang hoạt động trong môi trường đặc biệt khó khăn. Tháng 10/2023, 48% các công ty hóa chất tại đây báo cáo tình hình đơn đặt hàng của họ vẫn rất căng thẳng. Một vấn đề lớn là giá điện tại Đức cao hơn nhiều nước khác.

Ngành hóa chất ở các nước châu âu khác cũng đang vất vả chống chọi với khó khăn. Doanh số quý III của Công ty Solvay (Bỉ) giảm 24% xuống chỉ còn 2,9 tỉ $, thu nhập giảm 33% xuống 360 triệu $. Bộ phận hóa chất thơm của Solvay, chủ yếu phục vụ thị trường nước hoa và thực phẩm, đạt kết quả kém nhất với doanh số giảm 41%.

Nhu cầu hóa chất suy yếu buộc nhiều công ty trên khắp châu âu phải đóng cửa nhà máy. Công ty Trinseo sẽ đóng cửa nhà máy etylbenzen và styren tại Hà Lan. Công ty Celanese có kế hoạch đóng cửa nhà máy nylon 6,6 tại Đức. Công ty Kem One đã dừng hoạt động nhà máy xút-clo tại Pháp, còn Công ty Sabic sẽ đóng cửa dây chuyền sản xuất polycacbonat ở Tây Ban Nha.

Về mặt tài chính, trong 2 năm trước đây ngành sản xuất hóa chất Mỹ đạt kết quả cao hơn ngành hóa chất châu âu. Tuy nhiên, hiện nay các công ty Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng nặng vì nhu cầu sản phẩm suy yếu.  

Nguồn: