Một số bài học từ ngành sản xuất phân bón Trung Quốc trong đại dịch COVID-19

02:22 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Chín, 2020

Sản xuất phân bón là quá trình công nghiệp phức tạp, thường đòi hỏi phải nhập khẩu nguyên liệu và sử dụng các thành phần dinh dưỡng cây trồng khác nhau. Do nhiều nước trên thế giới thiếu cơ sở sản xuất và không có những nguồn tài nguyên cần thiết (ví dụ quặng kali), một phần lớn trong sản lượng phân bón toàn cầu được xuất khẩu sang các nước như vậy.

Thương mại quốc tế vì vậy chiếm thị phần đáng kể trong sản lượng phân bón nói chung. Khoảng 78% KCl và 54% DAP sản xuất trên thế giới được giao dịch trên thị trường quốc tế. Sản lượng phân bón ở các quốc gia cũng thường phụ thuộc vào thương mại quốc tế đối với các nguyên liệu và sản phẩm trung gian, ví dụ khí thiên nhiên, amoniăc, axit phốtphoric và lưu huỳnh.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu rất phức tạp và đòi hỏi phải vận chuyển những lượng lớn phân bón cũng như nguyên liệu trên khắp địa cẩu. Với nhu cầu phân bón toàn cầu ước tính khoảng 190 triệu tấn (đạm, lân, kali), những câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung các chất dinh dưỡng cây trồng, nhu cầu phân bón có thể bị ảnh hưởng như thế nào do những dao động của kinh tế vĩ mô, những rối loạn trải rộng trên chuỗi cung ứng đang tác động ra sao đến các dòng vận chuyển, phân phối, thương mại quốc tế và nguồn hàng dự trữ.

Tác động của đại dịch đối với sản xuất phân bón tại Trung Quốc

Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá hết phạm vi tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng phân bón trên toàn cầu, chúng ta có thể xem xét sơ qua những gì đang diễn ra ở Trung Quốc - quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới. Trung Quốc là nơi đã trải qua những tác động trực tiếp của đại dịch sớm hơn khoảng 2-3 tháng so với phần còn lại của thế giới.

Những vấn đề chính mà ngành sản xuất phân bón của Trung Quốc đã gặp phải bao gồm: thiếu nhân lực (người lái xe, công nhân nhà máy, nhân công cảng và những nơi khác), tỷ lệ vận hành công suất tại các cơ sở sản xuất phân bón giảm mạnh, nhiều nhà máy tạm thời đóng cửa, nhiều điểm tắc nghẽn trong hoạt động hậu cần nội địa (chủ yếuảnh hưởng đến xe tải do đường liên tỉnh và các khu phố bị phong tỏa), hàng hóa ùn ứ trong nhà kho ở cảng, hàng tồn kho ở mức cao tại các địa điểm sản xuất, chậm trễ giao hàng ở các cảng, nguồn cung nguyên liệu bị thắt chặt, nguồn vốn bị thắt chặt.

Tuy tình hình hiện nay tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến các nước ở những mức độ khác nhau, nhiều vấn đề đã xảy ra ở Trung Quốc có khả năng cũng sẽ diễn ra ở những nơi khác. Mặt tích cực là nhiều vấn đề ở Trung Quốc đã được giải quyết nhờ những biện pháp hỗ trợ của chính phủ, sản xuất phân bón đã dần khôi phục trở lại với ưu tiên bảo đảm nguồn cung phân bón nội địa cho vụ mùa xuân, đồng thời hoạt động hậu cần cho xuất nhập khẩu cũng được khôi phục.

Các biện pháp hỗ trợ và những thách thức

Chúng ta hãy xem xét những biện pháp đã được áp dụng để hỗ trợ sản xuất, vận chuyển, phân phối và sử dụng phân bón tại Trung Quốc. Chính phủ ưu tiên cho việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cần thiết, tạm thời giảm giá khí thiên nhiên và giá điện đối với sản xuất phân bón, cấp các khoản vay ưu đãi cho các công ty sản xuất phân bón. Để lập lại hoạt động vận chuyển phân bón, lệ phí cầu đường đối với xe tải đã được hủy bỏ, tàu xe vận chuyển phân bón được ưu tiên nhường đường. Hơn nữa, với mục đích bảo đảm nhu cầu phân bón, chính phủ đã cấp hỗ trợ tín dụng cho nông dân để mua phân bón vụ xuân, hoạt động cung ứng phân bón nội địa được ưu tiên, nông dân được khuyến khích trồng hai vụ lúa.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức đang diễn ra ở Trung Quốc với tình hình thay đổi giữa các tỉnh khác nhau. Một số nhà sản xuất phân bón có định hướng xuất khẩu đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm do tác động của đại dịch COVID-19 ở những nước khác. Các biện pháp phong tỏa được áp dụng rộng rãi tại nhiều vùng cửa khẩu trên thế giới (trong một số trường hợp đã phải công bố sự cố bất khả kháng) có khả năng sẽ phá vỡ chu kỳ bình thường của chuỗi cung ứng phân bón.

Tuy chưa thể xác định đầy đủ tác độngcủa suy giảm kinh tế và các biện pháp phong tỏa đối với nhu cầu phân bón toàn cầu, các biện pháp hỗ trợ do các chính phủ và cơ quan địa phương cung cấp đang giúp giảm những tác động bất lợi đối với hoạt động của ngành nông nghiệp, hỗ trợ cung ứng và bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm, trong đó phân bón là thành phần đầu vào không thể thiếu.

Nguồn: