Ngành sản xuất amoniăc toàn cầu tiếp tục mở rộng công suất

09:26 CH @ Thứ Hai - 21 Tháng Mười Hai, 2020

Amoniăc là nguyên liệu cơ bản cho ngành sản xuất phân đạm, tiêu thụ amoniăc cho sản xuất phân đạm chiếm hơn 80% thị trường amoniăc toàn cầu. Ngoại trừ Trung Quốc là nơi sản xuất những lượng lớn amoniăc bằng quá trình khí hóa than, phần lớn sản lượng amoniăc trên thế giới hiện nay đều được sản xuất từ khí thiên nhiên.

Thị trường amoniăc trên thế giới

Trong những năm trước khi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 bắt đầu, thị trường amoniăc toàn cầu đã duy trì trong trạng thái tương đối ổn định, chỉ có một số trường hợp thiếu nguồn cung ở mức độ nhỏ do thiếu nguồn cung khí thiên nhiên tại một số vùng sản xuất lớn.
Trong thời kỳ 2016-2018, Trung Quốc đã trải qua tình trạng giá than tăng mạnh và phải chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt hơn trên thị trường xuất khẩu, vì vậy sản xuất amoniăc tại đây đã giảm mạnh. Tuy nhiên, sản xuất amoniăc tại Trung Đông và Mỹ đã tăng trong năm 2019, nhờ đó tổng sản lượng toàn cầu chỉ giảm nhẹ.

Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến nhu cầu phân bón suy yếu do triển vọng tăng trưởng kinh tế không cao, sản lượng thu hoạch cây trồng ở một số nơi thấp và giá thực phẩm giảm, cạnh tranh gia tăng, giá năng lượng dao động.

Giá phân bón giảm đã ảnh hưởng lớn đến triển vọng lợi nhuận của các nhà sản xuất. Nhưng nhờ cắt giảm công suất và thực hiện các biện pháp cải cách cơ cấu cũng như cắt giảm chi phí, sản lượng phân bón và khối lượng xuất nhập khẩu nhìn chung đã được giữ ở mức lành mạnh.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu amoniăc trong năm 2020 giảm mạnh do sự sụt giảm nhu cầu của các hộ tiêu thụ công nghiệp song song với sự suy giảm của hoạt động sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội cũng như các vấn đề về hậu cần, tài chính.

Trong sản xuất amoniăc, thị phần của những nguyên liệu như naphta và dầu nhiên liệu đang giảm, khí thiên nhiên trở thành nguyên liệu được lựa chọn ưu tiên cho những nhà máy amoniăc mới. Theo dự báo của các công ty phân tích thị trường, trong thời gian 2020-2025 thị phần của khí thiên nhiên sẽ tăng tiếp. Nhưng chi phí đầu tư cho nhà máy amoniăc sẽ rất cao, có thể vượt 1 tỉ USD, thời gian xây dựng có thể kéo dài đến 3 năm.

Các dự án mở rộng công suất vẫn tiếp tục

Theo dự báo của Công ty phân tích dữ liệu thị trường GlobalData, sự tăng trưởng nhu cầu amoniăc toàn cầu sẽ không cao trong thời gian 2020-2030 do dịch COVID-19 dẫn đến sự suy giảm hoạt động kinh tế cùng với tốc độ tăng trưởng dân số không cao.

Nhưng bất chấp những tác động nghiêm trọng của đại dịch, các nhà sản xuất amoniăc hàng đầu thế giới có khả năng sẽ tiếp tục triển khai các dự án amoniăc trong thời gian tới. 10 quốc gia sản xuất amoniăc lớn nhất thế giới dự định sẽ triển khai các dự án mới với công suất tổng cộng 46,5 triệu tấn/năm, trong đó 4 quốc gia đứng đầu chiếm hơn hai phần ba, tức là 33,2 triệu tấn/năm. Ấn Độ và Iran dẫn đầu với công suất amoniăc mới dự kiến sẽ đạt 9,2 triệu tấn/năm và 8,7 triệu tấn/năm tương ứng.

Tuy vậy, một số dự án amoniăc quy mô lớn hiện đang trong giai đoạn bắt đầu triển khai có thể sẽ phải đứng trước khả năng bị trì hoãn do những yếu tố không chắc chắn gia tăng, ảnh hưởng đến cả khung thời gian của các giai đoạn cũng như thời hạn hoàn thành chót. Những yếu tố đó phụ thuộc phần lớn vào thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 đã dẫn đến những phản ứng khác nhau của các nhà sản xuất amoniăc quy mô lớn, trong số đó chỉ có ít công ty tuyên bố sẽ cắt giảm chi tiêu vốn đầu tư trong năm nay như một biện pháp tình thế bắt buộc trước mắt. Mục tiêu của các công ty vẫn là tối ưu hóa sản xuất và lập kế hoạch đầu tư nhằm duy trì năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng dài hạn. Công ty Yara International vẫn giữ nguyên các cam kết đầu tư, tuy nhiên đã tuyên bố các biện pháp tối ưu hóa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể sẽ khiến cho một số khoản chi tiêu đầu tư phải trì hoãn. Nhìn chung, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục đánh giá cơ cấu vốn của mình để xác định các cơ hội đầu tư có hiệu quả khác.

Hiện nay, phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang phải tuân theo những biện pháp phòng chống dịch của các chính phủ, vì vậy nhu cầu phân bón trong năm 2020 trở nên đình trệ, đồng thời những gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm cũng ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón.

Nguồn: