Virut corona gây áp lực lên công nghiệp dược phẩm thế giới

03:54 CH @ Thứ Sáu - 18 Tháng Chín, 2020

Trong những ngày đầu, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, các công ty dược phẩm lớn trên thế giới đã trấn an dư luận bằng cách tuyên bố họ có đủ hàng dự trữ để đối phó với những bất ổn trong chuỗi cung ứng. Các công ty cung ứng các thành phần hoạt tính dược phẩm (API) cũng đảm bảo với khách hàng rằng họ đã chuẩn bị trước cho trường hợp nguồn cung các thành phần quan trọng từ các công ty Trung Quốc bị ngắt quãng.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất API tại châu Âu và Mỹ cảnh báo các rối loạn về nguồn cung có thể sẽ xảy ra do sự trì hoãn khởi động lại sản xuất tại các nhà máyTrung Quốc đã bị đóng cửa hoặc những hạn chế đi lại trong bối cảnh tình trạng phong tỏa kéo dài.

Theo các chuyên gia trong ngành, các hạn chế về đi lại đã tạm thời làm ngắt quãng giao dịch với các nhà kinh doanh Trung Quốc. Trước tiên, không ai có thể đi đếnTrung Quốc, vì vậy tất cả các hoạt động kiểm tra hàng hóa đều bị hủy bỏ.

Hơn nữa, các hạn chế đi lại đã làm kéo dài việc đóng cửa các nhà máy từ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc mà trước đó đã dự kiến sẽ vận hành trở lại vào ngày 8.2.2020. Nhiều công nhân không thể quay trở lại nhà máy để làm việc sau khi về quê nghỉ Tết.

Quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán, thành phố bị ảnh hưởng đầu tiên vì dịch COVID-19, đã được mở rộng và bao gồm lệnh cấm đi lại giữa các thành phố lớn.

Các công ty sản xuất dược phẩm đã bắt đầu phải tìm kiếm nguồn cung thay thế cho nguyên liệu dược phẩm từ Trung Quốc. Tuy phần lớn các công ty giao dịch với Trung Quốc đều có hàng dự trữ, nhưng nếu tình trạng rối loạn tiếp tục kéo dài thì có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với nguồn cung nguyên liệu.

Theo Giám đốc điều hành Công ty sản xuất dược phẩm Hovione, trong số 200 công nhân ở nhà máy của Công ty tại Macao 50 người đã không quay trở lại làm việc vào đầu tháng 2, 25 người trong số đó sống bên trongTrung Quốc và bắt buộc phải ở lại nhà theo quy định cách ly của phía Trung Quốc.Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất không phải là nhà máy có hoạt động hay không mà là hàng hóa có thể được vận chuyển hay không. Khi đó nhà máy cũng không biết họ có thể nhận được nguyên liệu cung ứng từ phía Trung Quốc hay không.

Nhưng việc tìm kiếm nguồn cung thay thế có thể sẽ không thực tế, vì cần có thời gian để tạo lập các mối quan hệ mới và các nhà cung ứng mới, trong khi đó sự cố ngắt quãng nguồn cung có thể chỉ kéo dài vài tháng.

Công ty sản xuất dược phẩm Flamma tại Italia đã phải giải thích với khách hàng của mình rằng các cơ quan Trung Quốc yêu cầu nhà máy của Công ty ở thành phố Đại Liên (cách Vũ hán 1400 km) tiếp tục phải đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết thông thường. Công ty cảnh báo các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hậu cần sau thời gian nghỉ lễ. Giám đốc kinh doanh của Flamma cho biết, nếu tình hình tiếp tục Công ty sẽ phải cân nhắc việc dịch chuyển sản xuất sang nước khác.

Công ty sản xuất hóa dược Asymchem tại Thiên Tân (cách Vũ Hán khoảng 1160 km) cũng thông báo với khách hàng về những sự cố bất ngờ có thể xảy ra liên quan đến dịch COVID-19. Công ty đã dự trữ nguyên liệu từ trước, vì vậy không phải trì hoãn các kế hoạch sản xuất. Nhưng 45 người lao động của Công ty đã bị cách ly khi quay về nhà máy sau đợt nghỉ Tết.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, khó có thể xác định đầy đủ tác động của những biện pháp phòng chống kéo dài do dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Theo báo cáo mới đây của Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ, Trung Quốc là nơi hoạt động của khoảng 13% trong số 1.788 cơ sở sản xuất API dùng cho dược phẩm bán tại Mỹ.

Theo khẳng định của các công ty dược phẩm và các nhà sản xuất API, hiện chúng ta không có lý do để lo ngại những rối loạn lớn trong chuỗi cung ứng dược phẩm. Tuy nhiên, các nhà cung ứng API cần tận dụng cơ hội này để đánh giá lại những điểm yếu và dễ tổn thương trong chuỗi cung ứng cũng như hoạt động hậu cần. Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã câu nói nổi tiếng: ”Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trôi qua một cách lãng phí”.

Nguồn: