Hãy để nông dân và doanh nghiệp phân bón nội địa cùng ‘hưởng lợi’

03:19 CH @ Thứ Ba - 08 Tháng Tám, 2023

Giá lúa trên đồng lên cao giữa lúc giá phân giảm mạnh nên nông dân được hưởng lợi, không còn cảnh thua lỗ. Trong khi đó, các doanh nghiệp phân bón nội địa lại than khó khăn, trái ngược hình ảnh lãi đậm lúc giá phân lên cao. 

Trong chuyện này cũng cần để mắt đến rủi ro tiềm tàng từ phân bón nhập khẩu giá rẻ và bất cập về thuế VAT, rất cần cơ quan quản lý và khâu chính sách lưu tâm điều chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp (DN) phân bón nội địa cùng nhau “hưởng lợi”, cũng như giúp ngành lúa gạo phát triển bền vững hơn.

Tín hiệu đáng mừng cho nhà nông  

Ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá lúa trên đồng hiện đang được thương lái mua, giao cho doanh nghiệp xuất khẩu tăng từ 400 - 500 đồng/kg. Như ở tỉnh An Giang, giá lúa OM 5451 ngày 7/8 ở mức 7.000 - 7.300 đồng/kg; Nàng hoa 9 có giá 7.200 - 7.600 đồng/kg; giá lúa IR 50404 ở mức 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900 - 7.100 đồng/kg.

Khâu chính sách cần tránh hệ lụy làm tăng giá phân bón trong nước để nông dân và DN phân bón nội địa cùng “hưởng lợi” trước nhiều cửa sáng của ngành hàng lúa gạo.

Với giá lúa tăng như hiện tại khi mà giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh từ sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cộng với giá phân bón giảm mạnh trong thời gian qua (trong đó riêng giá phân bón nhập khẩu đã giảm hơn 27%) thì chắc chắn các nông dân trồng lúa sẽ hưởng lợi.

Điều này khác xa với các năm trước khi giá phân bón cao ngất ngưỡng khiến nông dân trồng lúa khóc ròng. Đơn cử như giai đoạn 2020 - 2021, giá phân Urê dao động từ 700.000 - 800.000 đồng/bao, rồi đến năm 2022 là hơn 900.000 đồng/bao, thì đến tháng 8/2023, giá bán ở các đại lý cấp 1 tại ĐBSCL chỉ còn 460.000 đồng/bao. Hoặc như giá phân DAP hiện đã giảm ít nhất 150.000 đồng so với trước đây, tương tự các loại phân trộn cũng có chiều hướng giảm mạnh.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho các nhà nông trồng lúa. Điều đó được kỳ vọng sẽ có tính lâu bền, khác với giai đoạn khó khăn, thua lỗ như thời gian trước khi giá phân bón quá cao còn giá lúa lại giậm chân.

Chẳng hạn như hồi tháng 3 năm nay, nông dân ở ĐBSCL khi xuống giống vụ hè thu (vụ 2) vẫn khá lo lắng trước viễn cảnh giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp còn ở mức cao nên họ chỉ hòa vốn hoặc thua lỗ.

Thời điểm trên, giá phân Urê ở các đại lý là gần 1 triệu đồng/bao, phân hỗn hợp là gần 1,3 triệu đồng/bao, 1 chai thuốc diệt sâu rầy cũng tăng trên 30 nghìn đồng so với giá năm 2022. Chi phí sơ tính vụ hè thu là khoảng 3 triệu đồng, trong khi năng suất chỉ 6 đến 6,5 tấn/1ha.

Cho nên, theo tính toán của người nông dân, nếu giá lúa dưới 6.000 đồng/kg là xem như hòa vốn. Còn giá lúa tươi rơi vào mức 6.500 đồng/kg thì nông dân cũng có lời được khoảng 1 triệu đồng/1 công lúa.

Điều đáng nói, do lo sợ không có lời hoặc thua lỗ nên nhiều bà con nông dân đã bỏ vụ lúa hè thu. Thời điểm đó, diện tích xuống giống vụ hè thu của nhiều tỉnh ở ĐBSCL cũng chỉ đạt trên 75%.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê hồi tháng 6/2023, diện tích gieo trồng lúa đông xuân 2023 đạt 1.884,8  nghìn ha, giảm 29,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích lớn nhất, đã kết thúc vụ thu hoạch, đạt 1.478,7 nghìn ha, giảm 28,2 nghìn ha. Diện tích giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trong khi đó, mới đây, trước cơ hội tăng tốc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh một số nước thông báo cấm xuất khẩu gạo, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, có cho biết nông dân có cơ hội nâng cao thu nhập nhờ giá lúa tăng thêm.

Tránh hệ lụy làm tăng giá phân bón trong nước

Theo ông Hoàng Trung, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật xem xét khả năng tăng diện tích vụ thu đông. Như dự tính, nếu tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông thì Việt Nam có thể thu thêm 100 triệu USD (từ xuất khẩu gạo), mang lại thu nhập cho nông dân.

Cần nhắc thêm, vào thời điểm giá phân bón tăng cao khiến cho các nông dân trồng lúa thua lỗ nặng dẫn đến giảm diện tích canh tác thì nhiều DN phân bón lại lãi đậm. Còn thời gian gần đây, khi giá phân bón đi xuống, giá lúa đi lên, người nông dân trút được một phần gánh nặng chi phí, trong khi các DN phân bón lại than khó khăn, đi lùi doanh thu và lợi nhuận.

Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý và khâu hoạch định chính sách cần lưu tâm để hài hòa lợi ích của nông dân và DN phân bón. Đơn cử như mới đây CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (chủ thương hiệu Đạm Cà Mau) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (chủ thương hiệu Đạm Phú Mỹ) đã cùng có những kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ về việc sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật số 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 0% hoặc 5%.

Kiến nghị này hoàn toàn là chính đáng, có lợi cho nông dân và cả DN nội địa. Bởi lẽ, việc hạch toán phần thuế VAT đầu vào vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng lên từ 5% - 8%.

Như ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trong nước trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế VAT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000-4.000 tỷ đồng/năm.

Thực tế này buộc Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ cũng như các DN sản xuất phân bón khác trong nước phải tăng giá bán thành phẩm để bù đắp phần chi phí phát sinh. Và từ chuyện đó dẫn đến hệ lụy là người nông dân phải mua phân bón sản xuất trong nước với giá cao hơn.

Không chỉ vậy, nếu vẫn chưa đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 0% hoặc 5% thì các DN phân bón nội địa có thể sẽ càng thêm khó khăn trước phân bón nhập khẩu giá rẻ.

Thực tế cho thấy rủi ro tiềm tàng từ phân bón nhập khẩu giá rẻ vẫn luôn là mối lo của các DN phân bón nội địa. Như hồi tháng 6/2023, cả nước nhập khẩu 415.200 tấn phân bón, tương đương 131 triệu USD, tăng mạnh 79,4% về sản lượng và tăng 21,9% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, Trung Quốc vẫn đứng đầu, chiếm 50,2% trong tổng lượng và chiếm 46,5% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 854.000 tấn, tương đương 274 triệu USD, tăng 1,9% về lượng, nhưng giảm 20,6% về trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu từ thị trường này cũng giảm 22%.

Số liệu thống kê cũng chỉ rõ nửa đầu năm nay giá phân bón nhập khẩu trung bình 346 USD/tấn, giảm mạnh 27,3% so với cùng kỳ. Giá phân bón nhập khẩu giảm thì nông dân hưởng lợi. Thế nhưng điều này khiến cho các DN phân bón nội địa gặp khó một phần vì nông dân ngoảnh mặt và một phần vì vướng chính sách thuế VAT.

Cho nên, giữa bối cảnh ngành hàng lúa gạo đang có nhiều “cửa sáng” như hiện nay, điều quan trọng là làm sao để ngành hàng này phát triển bền vững thì cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân và cho DN phân bón nội địa.