Yêu nghề sẽ có sáng kiến hay

08:28 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Tám, 2016

Đó là tâm niệm của kỹ sư Nguyễn Văn Vân (ảnh) - Phó Trưởng ban Kỹ thuật cơ điện Xí nghiệp Pin Ắc quy Đồng Nai 2 (Cty Pin Ắc quy miền Nam).

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa (TP.Hồ Chí Minh), anh Vân về làm ở Xí nghiệp Pin Ắc quy Đồng Nai 2 - một trong những xí nghiệp tiêu biểu trong phong trào thi đua LĐ sáng tạo. Năm 2015, xí nghiệp có 51 sáng kiến, làm lợi trên 2,6 tỉ đồng. Trong thành tích chung ấy, có đóng góp không nhỏ của cá nhân kỹ sư Nguyễn Văn Vân.

Một trong những sáng kiến nổi bật của anh không những làm lợi cho xí nghiệp 917 triệu đồng, mà còn giúp NLĐ đỡ vất vả hơn rất nhiều trong quá trình lao động, góp phần tăng sản lượng sản xuất. Đó là sáng kiến “Hệ thống thử kín thông hộc cho bình xe tải của dây chuyền Leko”. Xuất phát từ chỗ hoạt động của hệ thống này (được nhập khẩu từ Mỹ) không đồng bộ với dây chuyền sản xuất (chậm hơn), khiến cho sản phẩm thường bị ứ đọng, gây tình trạng “thắt cổ chai” trên dây chuyền. Những lúc như vậy, NLĐ luôn phải “giải phóng” các bình ắc quy ứ đọng bằng phương pháp thủ công: Bê bằng tay, để ra một chỗ, cuối giờ lại bê lên dây chuyền để hoàn thiện quy trình thử kín.

Là người luôn đi sâu, đi sát với công việc lại được “bổ sung” niềm đam mê sáng tạo, anh Nguyễn Văn Vân luôn phát hiện được những chỗ chưa ổn của hệ thống dây chuyền sản xuất. Từ đó, trăn trở, tìm tòi phương án để khắc phục một cách sớm nhất, tốt nhất, góp phần thúc đẩy sản xuất.
Một ví dụ cụ thể nữa: Nhận thấy bộ phận ống dẫn chì đúc sườn trong phân xưởng sản xuất ắc quy của đơn vị có nhiều nhược điểm do dùng điện trở để đốt nóng nên khi gia nhiệt kéo dài thời gian, điện trở thường xuyên bị hư hỏng và nhiệt độ không đạt yêu cầu, thời gian ngừng máy dài, làm ảnh hưởng đến sản lượng; anh Vân đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ gia nhiệt bằng nguyên lý điện cao tần và thay thế ống dẫn chì dùng điện trở. Sáng kiến “Thiết kế và chế tạo bộ gia nhiệt điện cao tần cho ống dẫn chì đúc sườn” này của anh đã giúp cho hệ thống khởi động, vận hành dây chuyền nhanh, rút ngắn thời gian ngừng máy, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, sáng kiến này đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều xí nghiệp thuộc Cty Pin Ắc quy miền Nam. Còn sáng kiến “Thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra lộn cell trên máy thử chạm dây chuyền bình ôtô Moonjin và dây chuyền bình xe tải Leko”, được áp dụng từ năm 2013 không những làm lợi 662 triệu đồng cho xí nghiệp, mà còn góp phần giữ được uy tín của sản phẩm, bởi với thiết bị kiểm tra cũ, những sản phẩm lỗi chỉ được phát hiện khi đã đưa vào sử dụng.

Bên cạnh vai trò là Phó Trưởng ban Kỹ thuật cơ điện, anh Nguyễn Văn Vân còn là ủy viên BCH CĐ xí nghiệp phụ trách công tác sáng kiến. Vì thế, anh luôn động viên, khuyến khích đồng nghiệp đóng góp ý tưởng, sáng kiến; hỗ trợ để họ biến các ý tưởng đó thành hiện thực, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, tăng năng suất LĐ, tiết kiệm chi phí cho xí nghiệp.

Với những thành tích nêu trên, những năm gần đây, anh Nguyễn Văn Vân liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở; được nhận bằng khen của Tổng LĐLĐVN, của Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất VN.

Nguồn: