Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: lãnh đạo toàn diện để đổi mới, phát triển

09:18 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Mười, 2019

Những năm gần đây là giai đoạn hết sức khó khăn đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), song Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã lãnh đạo toàn diện, quyết liệt để hoàn thành những mục tiêu đề ra, định hướng cho sự phát triển chung của cả Tập đoàn.

Tình hình sản xuất kinh doanh tại các đơn vị sản xuất phân bón (nhóm ngành chủ lực của Tập đoàn) ngày càng gặp nhiều yếu tố bất lợi, trong đó 2 đơn vị sản xuất đạm urê (Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc) và 2 đơn vị sản xuất phân phức hợp DAP (Công ty cổ phần DAP - Vinachem và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem) là những đơn vị hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, khi xuất khẩu các nhóm ngành hàng của Tập đoàn đều không thuận do nhiều quốc gia xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ bằng việc lập các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó các đơn vị gặp phải cạnh tranh quyết liệt về giá với các nhà xuất khẩu khác trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, thực hiện Quyết định số 69, Đảng ủy Tập đoàn đã thực hiện đúng vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác lãnh đạo chỉ đạo phải vừa đi thẳng vào những điểm “nóng”, giải quyết những vấn đề trực diện khó khăn trước mắt, vừa đề ra những giải pháp căn cơ, có tính chiến lược lâu dài để phát triển ổn định.

Đối với những điểm “nóng”, vấn đề “nóng”, Đảng ủy Tập đoàn đã họp bàn và ra các nghị quyết: Nghị quyết số 13-NQ/ĐU ngày 05/4/2016 về điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; Nghị quyết số 20-NQ/ĐU ngày 31/8/2016 về lãnh đạo, chỉ đạo đối với các đơn vị khó khăn trong sản xuất kinh doanh phân đạm urê và DAP; Nghị quyết số 33-NQ/ĐU ngày 10/02/2017 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh phân đạm urê và DAP…

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn chủ động triển khai việc đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng đối với 4 đơn vị sản xuất phân bón để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho đến khi cắt được lỗ phát sinh. Lãnh đạo Tập đoàn cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên thực hiện tốt Quy chế mua bán sản phẩm của nhau trong nội bộ Tập đoàn để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho 4 đơn vị đang đặc biệt khó khăn.

Đối với 4 đơn vị trên, Tập đoàn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại 4 đơn vị trên cũng phải chủ động nắm bắt tình hình, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về tình hình sản xuất kinh doanh và tâm tư nguyện vọng của người lao động trong đơn vị để Đảng ủy và Ban lãnh đạo đơn vị và Lãnh đạo Tập đoàn có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khắc phục kịp thời; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện nội dung kết luận các cuộc họp về rà soát tình hình sản xuất kinh doanh của Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn đối với đơn vị; cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho 4 đơn vị, bao gồm: Điều hành công tác chạy máy và dừng máy đồng bộ với kết quả bán hàng để phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con nông dân; xây dựng phương án bảo dưỡng, bảo quản máy móc thiết bị trong khi dừng máy theo kế hoạch đề ra; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên vật liệu, đặc biệt là than, tiếp tục tìm kiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, giá hợp lý để giảm giá thành, góp phần giảm lỗ cho công ty; bám sát thị trường trong và ngoài nước để kịp thời điều chỉnh cơ chế bán hàng, đảm bảo mục tiêu tiêu thụ tối đa nhưng vẫn hiệu quả về kinh tế; theo dõi, quản lý chặt chẽ công nợ, tìm kiếm các nguồn tài chính để kịp thời trả nợ vốn, lãi vay đầu tư, vay lưu động, không để xảy ra nợ quá hạn; tăng cường quản lý tài sản, vật tư, tiền vốn, thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán, kế toán theo quy định, tính toán giá thành kịp thời, sát thực để phân tích chi phí, kịp thời điều chỉnh sai…

Một nhiệm vụ quan trọng khác mà Tập đoàn yêu cầu các đơn vị cần chú trọng là làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ công nhân viên khi phải tạm nghỉ việc, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động, ưu tiên những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác và có tay nghề, trình độ cao tại đơn vị. Hội đồng thành viên Tập đoàn đã và đang thực hiện chương trình giám sát theo kế hoạch và tổ chức làm việc theo chuyên đề của các thành viên chuyên trách với các đơn vị để giải quyết những vấn đề cụ thể. Hàng tháng, Lãnh đạo Tập đoàn tổ chức các đoàn công tác rà soát thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với các đơn vị trên và một số đơn vị gặp khó khăn khác.

Chủ tịch Ủy ban QLV Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh

đến thăm và làm việc tại Công ty CP DAP - VINACHEM

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhiều lần đến thăm và làm việc với các đơn vị sản xuất phân bón. Qua đó, nắm rõ tình hình thực tế của doanh nghiệp, chỉ đạo xử lý kịp thời những tồn đọng, thúc đẩy sản xuất. Cho đến nay, 2 đơn vị đã có những chuyển biến tích cực. Công ty cổ phần DAP - Vinachem đã bứt phá, ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả; Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình trong 7 tháng đầu năm 2019 bước đầu đã cho kết quả tốt. 4 mục tiêu ban đầu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch đó là đã “Chạy được máy, đảm bảo ổn định, an toàn và giảm được lỗ".

Đối với những vấn đề có tính nền tảng, liên quan đến chiến lược phát triển bền vững, Đảng ủy Tập đoàn đã họp bàn và ra các nghị quyết: Nghị quyết số 19-NQ/ĐU ngày 31/8/2016 về thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 45-NQ/ĐU ngày 10/11/2017 về “Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tổ chức, cán bộ”; Chỉ thị số 885-CT/ĐU ngày 10/11/2017 của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn thực hiện một số nhiệm vụ về công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay; Nghị quyết số 59-NQ/ĐU ngày 20/3/2018 về thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020…

Cùng với đó, Đảng ủy Tập đoàn đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bộ Công Thương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp.

Thực hiện Chương trình hành động, Tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp; thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, xây dựng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiêp có phẩm chất, năng lực đáp ứng nhiệm vụ mới; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của Tập đoàn đối với người đại diện vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác.

Đến nay, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã lập và báo cáo lên các cấp thẩm quyền Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167/NĐ-CP của Chính phủ của 3 đơn vị: Công ty mẹ - Tập đoàn hóa chất; Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. Tập đoàn đang chờ phê duyệt để triển khai tiếp.

Đối với công tác thoái vốn, từ tháng 7 năm 2018, Tập đoàn đã lựa chọn và ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế phần vốn của Tập đoàn đầu tư tại doanh nghiệp và giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn của Tập đoàn tại 15 đơn vị thoái vốn.

Đối với nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, một công tác thường xuyên có tính chiến lược nhằm phát triển bền vững của Tập đoàn, nhiều công nghệ tiên tiến đã được đầu tư và khai thác có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

- Trong lĩnh vực sản xuất săm lốp, công nghệ sản xuất lốp ô tô radial đã được đầu tư áp dụng tại các nhà máy sản xuất cao su của Tập đoàn (Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Cao su Miền Nam) với dây chuyền thiết bị hiện đại, cho phép tạo ra sản phẩm lốp radial bán thép và toàn thép đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
- Trong lĩnh vực khai thác quặng apatit, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ lọc quặng tinh tuyển đồng thời sử dụng thiết bị công nghệ mới trong công tác khai thác quặng 1, quặng 2 giúp tăng sản lượng khai thác, tăng hệ số thu hồi tài nguyên và đảm bảo chất lượng quặng khai thác. Trong 5 năm trở lại đây, hệ số thu hồi tài nguyên trong khai thác quặng 1, quặng 2 tăng khoảng 7-8%, tương ứng với tăng sản lượng quặng khai thác được từ 80.000 đến 100.000 tấn/năm trên cùng trữ lượng địa chất.
- Trong lĩnh vực sản xuất phân bón, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã đầu tư, ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón NPK một hạt trên nền tảng urea hóa lỏng giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng; tăng độ tan của phân bón, cho phép đa dạng hóa công thức phối liệu, giảm chi phí sản xuất và giá thành. Nhờ các sản phẩm NPK được tạo ra từ công nghệ sản xuất mới, người nông dân có thể sử dụng phù hợp với từng điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

- Trong lĩnh vực sản xuất xút - clo, các công ty của Tập đoàn (Công ty cổ phần:Hóa chất Việt Trì, Hóa chất cơ bản Miền Nam) đã áp dụng công nghệ, thiết bị điện phân hiện đại, được điều khiển tự động (công nghệ Màng trao đổi ion – Membrane) cho phép tạo sản phẩm có chất lượng cao, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, đảm bảo môi trường và đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Công nghệ mới cho phép tiết kiệm khoảng hơn 14% lượng điện năng tiêu thụ (vốn chiếm tỷ trọng cao 40% trong cơ cấu chi phí sản xuất của sản phẩm).

Căn cứ kết quả đã đạt đượctrong những năm qua và dự báo về tình hình kinh tế trong nước, thế giới trong những năm tới, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn sẽ tiếp tục bàn bạc, phân tích, đánh giá và ban hành Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, có những nhiệm vụ trọng tâm đáng chú ý:

- Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 05/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tìm các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho 03 đơn vị sản xuất kinh doanh phân đạm ure và DAP (Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem).

- Tăng cường ban hành các Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng và các vấn đề mới có tác động tích cực đến đời sống, đem lại hiệu quả xã hội tích cực, góp phần xây dựng tổ chức bộ máy của Tập đoàn và các đơn vị thành viên tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhât là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy toàn Tập đoàn phát triển bền vững./.