Áp thuế tự vệ phân bón- Cần hài hòa lợi ích giữa hai bên

09:46 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Hai, 2018

Trước áp lực nhập khẩu phân bón ngày càng tăng, ngày 19/8/2017, Bộ Công Thương chính thức ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Việc áp thuế tự vệ được coi là biện pháp hỗ trợ mang tính cấp bách, giúp ngành sản xuất phân bón DAP trong nước giữ ổn định sản xuất, cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu.

Tuy nhiên, phải làm như thế nào để hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp lẫn người dân là bài toán được đặt ra.

Lợi thế của sản xuất DAP trong nước

Có thể khẳng định, việc đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất phân bón DAP trong nước (DAP Đình Vũ và DAP 2 Lào Cai) là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của nhà nước. Lợi thế của việc sản xuất phân DAP trong nước có thể thấy luôn đó là giúp khai thác sâu giá trị của nguồn tài nguyên quốc gia. Do DAP được làm từ quặng apatit, mà Việt Nam có duy nhất một mỏ quặng apatít ở Lào Cai. Trước đây chúng ta vẫn xuất khẩu quặng thô sang Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây đã cấm và dừng xuất khẩu để tập trung cho sản xuất phân bón và hóa chất trong nước. Trong khi công nghệ sản xuất lân chỉ giúp tạo ra sản phẩm phân bón có hàm lượng dinh dưỡng 13 -16% lân (P2O5) hữu hiệu, còn công nghệ sản xuất DAP tạo ra sản phẩm phân bón có hàm lượng trên 61% dinh dưỡng, bao gồm: 45% lân (P2O5) và 16% đạm (ni tơ) N2O. Như vậy, việc sản xuất DAP trong nước không chỉ giúp chúng ta chủ động được nguồn phân bón trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, mà còn làm tăng giá trị của nguồn quặng apatit này, đúng với chủ trương khai thác và chế biến sâu nguồn quặng, vốn là tài nguyên hữu hạn của chính phủ.

Bên cạnh đó, trước đây, khi chưa có hai nhà máy sản xuất DAP trong nước này, nên nông nghiệp nước ta phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Việc phân DAP nhập khẩu, trong đó có nhập qua đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát chất lượng. Cụ thể, báo cáo mới đây của đội quản lý thị trường (QLTT) số 2 (xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) cho biết: khi cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu phân bón DAP 18-46 của Trung Quốc gửi đi phân tích qua 2 lần tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ (quận 10, TPHCM) và Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (quận 1, TPHCM) đều phát hiện kém chất lượng. Một giám đốc DN nhập khẩu phân bón còn tiết lộ: “Phân DAP Trung Quốc có hai loại là 18-46 và 16-44, trong đó loại DAP 18-46 sau khi chúng tôi test mẫu để tính công thức trước khi đưa nguyên liệu này vào sản xuất phân bón NPK thì thấy thường hụt từ 0,1%-0,5% của cả hai chỉ tiêu đạm và lân”.

Hơn nữa, thực tế hai nhà máy sản xuất DAP trong nước đang gặp khó, nếu trong trường hợp mà 2 nhà máy ngừng hoạt động, 100% phân DAP lại phụ thuộc nhập khẩu như trước kia, lúc đó chưa biết giá phân DAP sẽ như thế nào. Bởi thực tế trong quá khứ đã cho thấy, giá DAP nhập khẩu đã có lúc cao lên đỉnh điểm 15-16 nghìn đồng/kg, khi hai nhà máy DAP trong nước còn chưa hoạt động. Ngoài ra, chúng ta còn đối diện một nguy cơ khác nữa, nếu hai nhà máy DAP trong nước ngừng hoạt động, thì việc giá DAP Trung Quốc có thể sẽ quay lại thời kỳ lũng đoạn trước đây. Bởi hiện tại Trung Quốc cũng chỉ có 1-2 nhà máy có khả năng xuất khẩu sang Việt Nam. Chính vì thế, việc chúng ta bằng mọi cách duy trì hoạt động ổn định hai nhà máy DAP trong nước còn nhằm mục đích ổn định mặt bằng giá cả và chủ động được nguồn phân bón trong nước, cả về giá cũng như số lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Cần hài hòa lợi ích giữa hai bên

Nhưng, phải khẳng định rằng phân bón là mặt hàng liên quan trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp và người nông dân. Vậy khi áp thuế tự vệ có ảnh hưởng tới nông dân hay không? Chắc chắn là có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng không thực sự quá lớn. Bởi phân DAP chủ yếu được sử dụng để làm nguyên liệu cho sản xuất NPK, nên nếu giá DAP thấp thì doanh nghiệp sản xuất NPK là đối tượng hưởng lợi lớn nhất, thực tế giá NPK hiện nay trên thị trường đang cao một cách hết sức phi lí.

Các loại phân bón NPK hàm lượng dinh dưỡng cao đều trên 10 nghìn đồng/kg, thậm chí 12 nghìn – 16 nghìn đồng/kg, trong khi tổng hàm lượng dinh dưỡng cộng lại còn thấp hơn cả phân DAP. (Ví dụ phân DAP 61 - 64% dinh dưỡng giá bán hiện nay 11 - 12k/kg, nhưng phân NPK 16-16-8; 20-20-10, dinh dưỡng 40% - 50% giá bán tới 13 - 16/kg). Hơn nữa, trên thị trường hiện nay rất đa dạng phân bón, nông dân có vô vàn sự lựa chọn nên không dùng DAP có thể dùng nhiều loại phân bón khác. Do đó, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi giá DAP tăng là doanh nghiệp sản xuất phân NPK bởi chi phí giá thành tăng lên, song việc tăng giá bán phân NPK lại không hề dễ dàng bởi vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều doanh nghiệp NPK khác.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, chúng ta là nước nông nghiệp, trong những năm qua từ chỗ là nước phải nhập khẩu, giờ gần như chủ động được hầu hết các loại phân bón trong nước, đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Đã sản xuất được trong nước là một yếu tố rất tốt, không chỉ xử lý được nhanh, kịp thời cho sản xuất nông nghiệp mà còn là đối trọng về giá thị trường. Trong lúc khó khăn, được áp dụng thuế phòng vệ thương mại một cách đúng quy định pháp luật, đúng quy định quốc tế, đó là một thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước.

Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng không thể dựa vào việc này được, chỉ dựa vào nó thì các doanh nghiệp vẫn thua lỗ. Do vậy, công tác quản trị doanh nghiệp cần được thiết chặt hơn nữa. Cụ thể là phải tiết giảm các chi phí sản xuất ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được để giảm giá thành sản phẩm tới tay người nông dân, không để người nông dân phải chịu thiệt. Còn trách nhiệm của cơ quan quản lý là theo dõi chặt chẽ để tránh tình trạng các DN thông qua cơ hội này để sản xuất độc quyền, tăng giá bán. Bên cạnh đó, sẽ giám sát chặt chẽ để yêu cầu các DN kinh doanh trong nước phải có giải trình cụ thể nếu như điều chỉnh giá bán phân bón DAP nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân.

Nguồn: Báo Công Thương