Bình ổn thị trường phân bón: Từ ý tưởng đến hiện thực

10:48 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Tư, 2011

Mặc dù phân bón là một trong những mặt hàng thiết yếu nằm trong danh mục bình ổn giá nhưng giá phân bón liên tục tăng, cụ thể, urê tăng hơn 50% trong hơn 1 năm qua.

Tại hội thảo bình ổn thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối đạm Phú Mỹ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 23-4, nhiều đại biểu đã “hiến kế” cho Chính phủ nhằm giúp ngành phân bón ổn định, không có những đợt biến động lớn về giá.

Bình ổn bằng cân đối cung- cầu

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, để chủ động hơn trong việc kiểm soát biến động của giá cả bán lẻ phân bón trên thị trường và phù hợp hơn với cơ chế thị trường, giải pháp bình ổn thông qua việc điều tiết cân đối cung cầu hàng hóa sẽ trở nên tối ưu hơn những biện pháp khác.

Cụ thể, ngành nông nghiệp cần chủ động nguồn phân bón dự trữ để cung ứng cho thị trường mỗi khi có biến động lớn như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh làm chết cây trồng nhằm hạn chế những biến động về giá do ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu.

Hiện có 6 mặt hàng phân bón phục vụ cho ngành nông nghiệp thì chỉ có 2 mặt hàng Việt Nam sản xuất đủ nhu cầu trong nước là phân lân và phân phức hợp NPK, còn urê, SA, kali, DAP phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Do vậy, theo ông An tùy vào từng thời điểm cụ thể có thể điều tiết cung cầu phân bón thông qua chính sách thuế như tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu hoặc tạm thời ngưng xuất khẩu một số chủng loại phân bón quan trọng trong một thời gian nhất định.

Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, bình ổn giá phân bón nghĩa là mọi nông dân đều có khả năng tiếp cận và mua được đúng loại phân bón mình cần và có thể mua ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Vì thế, phải hệ thống phân phối phân phối đến tận làng, xã thì mới có thể bình ổn được giá phân bón.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, hiện mạng lưới cung ứng phân bón đến tay người nông dân còn chồng chéo, vòng vèo, chưa kiểm soát tốt nên đẩy chi phí lưu thông lên cao, thêm vào đó, cơ chế kinh doanh ngành hàng không minh bạch khiến thị trường cạnh tranh trở lên lũng đoạn đẩy giá phân bón tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.

“Để bình ổn được giá phân bón, nhà nước cần có những biện pháp tác động vào tổng cung, cầu hàng hoàng hóa nhưng không vi phạm chủ thể kinh doanh là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết không loại trừ biện pháp can thiệp trực tiếp khi giá thị trường có những biến động bất thường”, ông Tuấn cho hay.

Phải có đủ lượng phân bón dự trữ

Ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh cho rằng, muốn bình ổn giá phân bón thì phải có cái gì trong tay thì mới có thể bình ổn được.

“Không thể bắt tôi bình ổn giá phân bón nếu nhưng trong tay tôi không có đủ lượng phân bón dự trữ cần thiết nhằm đưa ra thị trường khi có biến động về giá phân bón. Do vậy, ngoài hệ thống phân phối đến từng người dân thì bắt buộc nhà nước, doanh nghiệp chịu trách nhiệm bình ổn giá phân bón có đủ lượng phân bón dự trữ cần thiết”, ông Hòa nói.

Theo ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, muốn bình ổn được giá phân bón thì phải có kho dự trữ tại các tỉnh thành. Ngoài ra, phải xem ngành sản xuất, kinh doanh phân bón là ngành có điều kiện, trong đó, những đại lý cấp 1, đại lý độc quyền cho các công ty sản xuất phân bón phải có kho dự trữ phân bón đủ lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu của từng khu vực kinh doanh, nhất là những lúc vào mùa vụ chính.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, khó có thể bình ổn được giá phân bón trong bối cảnh Việt Nam phải nhập khẩu 4/6 loại phân bón. Và khi phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu thì khả năng bình ổn thông qua cung cầu hay dự trữ cũng khó đạt được.

Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho rằng, đối với phân urê thì Việt Nam có thể bình ổn giá được vì đáp ứng được yếu tố cung, cầu cũng như lượng phân bón dự trữ là 70.000 tấn urê/năm đủ cung cấp cho thị trường khi có biến động lớn về giá urê.

“Sang năm 2012 nhà máy sản xuất phân urê tại Cà Mau, Ninh Bình do Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam là chủ đầu tư sẽ đi vào hoạt động và cùng với nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ cung cấp cho thị trường trên 1,6 triệu tấn urê, đáp ứng đủ nhu cầu của ngành nông nghiệp, khi đó, đã cân đối cung, cầu nên bình ổn thị trường trong nước”, ông Thăng khẳng định.

Còn hiện tại, ông Thăng cho biết, do mùa vụ giữa các vùng miền nước ta có sự chênh lệch về thời gian nên trên cơ sở đó, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí đã tính toán nhu cầu sử dụng phân urê của từng khu vực để điều phối và cung cấp đủ lượng urê cần thiết, tránh trường hợp khi vào vụ giá phân bón, trong đó, có urê bị đẩy lên cao.

Nguồn: