Các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa những tháng cuối năm 2010

02:18 CH @ Thứ Năm - 09 Tháng Mười Hai, 2010

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa được đầy đủ vào những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cân đối cung cầu và đã có sự chuẩn bị chủ động cho việc bình ổn thị trường. Bộ Công Thương khẳng định, từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Tân Mão, nguồn cung hàng hóa chắc chắn được đảm bảo đầy đủ. Các doanh nghiệp phân phối đã có sự chuẩn bị dự trữ hàng hóa cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm ngay từ tháng 10. Bên cạnh đó, Bộ đã yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty rà soát lại cân đối cung cầu những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thép xây dựng và các hàng hóa phục vụ Tết. Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất và cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá từ nay đến hết năm 2010 và quý I năm 2011, đặc biệt chú trọng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.

Ngoài ra, hệ thống bán lẻ được mở rộng qua việc đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều chợ đầu mối, chợ nông thôn được củng cố hạ tầng. Một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh đã có Chương trình bình ổn thị trường năm 2010 và Tết Tân Mão năm 2011, cấp vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình bình ổn là 380,6 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội cũng đã có Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn với tổng số vốn 500 tỷ đồng (trong đó 100 tỷ đồng cho việc dự trữ hàng phục vụ cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, ứng ngập; 400 tỷ dành cho việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá), v.v...

Bộ Công Thương cũng sẽ thường xuyên hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát hành vi đầu cơ tăng giá, kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Các giải pháp của Bộ Công Thương về bảo đảm cấn đối cung cầu và bình ổn thị trường trong thời gian tới:

Một là, khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biên pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để đưa và sản xuất, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.

Ba là, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường; tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.

Bốn là, tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm..., đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, không niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Năm là, phối hợp với các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về chủ trương, chính sách, quy định về kinh doanh của nhà nước, thị trường, cung cầu hàng hóa, giá cả, các địa điểm bán hàng bình ổn thị trường để người dân được biết, tránh tình trạng phao tin đồn thất thiệt thiếu hàng hóa gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Thông báo thường xuyên tình hình phát triển của ngành, các giải pháp điều hành của Chính phủ nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp sức ổn định thị trường.

Sáu là, làm việc và cân đối cung cầu với một số nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ về công tác dự trữ hàng hóa bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ nhân dân từ nay đến Tết Tân Mão.

(Theo Bộ Công Thương)