Cứu trợ doanh nghiệp: Chịu “đau” để bắt đầu cuộc sống mới

10:06 SA @ Thứ Sáu - 19 Tháng Mười, 2012

Giúp doanh nghiệp thoát khó có thể bằng cách “tiếp nhân sâm” qua đòn bẩy vốn vay, tăng chi tiêu công nhưng cái giá phải trả sau đó các doanh nghiệp hiểu rất rõ. Do đó, bắt bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp mới giúp doanh nghiệp bước vào giai đoạn phát triển mới.

Sức chịu đựng có hạn

Tại Diễn đàn doanh nhân Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây ở Hà Nội, bà Phạm Thị Thu Hằng- Tổng Thư ký VCCI - cho biết, quý III/2012 vừa qua, các chỉ số về sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là lợi nhuận, doanh số và tồn kho. Cứu trợ DN là vấn đề đang được quan tâm.

Trong đó, chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, lãi suất được các DN quan tâm nhất. Hiện 82,6% DN cho biết đang vay vốn ở mức lãi suất 15% trở xuống, số còn lại vay với mức lãi suất 16% trở lên. Trong đó, chỉ 0,6% DN cho rằng, mức lãi suất 15% là hợp lý trong thời điểm hiện tại, 31,1% DN đề nghị mức lãi suất hợp lý là 10-11%, 31,7% ủng hộ mức lãi suất 8-9%.

Nếu buộc phải chấp nhận lãi suất 15%, chỉ có 44,1% số DN có thể chịu đựng được trong thời gian tới, số còn lại sẽ thực sự khó khăn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 9/2012, hơn 93.000 DN giải thể. Dự báo con số này có thể sẽ còn tăng.

Về vấn đề tồn kho, 63,1% DN cho rằng, tồn kho thực sự là mối lo trong giai đoạn này. Hiện các DN đang tìm cách giảm bớt hàng tồn kho, như tìm kiếm thị trường xuất khẩu, giảm giá bán và đưa hàng về nông thôn. Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tình thế.

Bà Hằng cho biết, VCCI đã đề xuất Chính phủ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để giải quyết tồn kho; thực hiện giải pháp hỗ trợ các phương án mua - bán và hợp nhất các ngân hàng yếu, kém để giải quyết nợ xấu; quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ về thị trường…

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh - cho rằng: “Băng giá không hình thành sau một đêm. Khó khăn không phải mới phát sinh vài năm trở lại đây mà đã tích tụ từ rất lâu. Nguyên nhân từ sự mất cân đối về đầu tư, cơ cấu kinh tế, tín hiệu thị trường chưa đúng đắn, kết hợp với yếu tố suy thoái bên ngoài...”.

Bắt bệnh để có phác đồ điều trị

Theo Thứ trưởng Khánh, có hai hướng xử lý được tính đến, thứ nhất, chịu đau một lần để thoát khỏi khó khăn theo tư thế và hành trang mới. Thứ hai, “tiếp thêm nhân sâm cho DN” bằng hạ lãi suất, tăng chi tiêu công…

Điều này đã thực hiện nhiều năm qua và sau những lần như thế cái giá phải trả các DN hiểu rõ nhất. Hiện nay, Chính phủ đang cố gắng chọn cách làm vừa kiên trì mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng, vừa giúp DN vượt khó như: giãn thuế, chậm nộp thuế thu nhập…

“Không nên quá bi quan. Các khó khăn đã giảm dần, GDP tăng dần lên. Các giải pháp đã phát huy tác dụng. Đây là thời điểm DN phải kiên trì giữ vững niềm tin để vượt qua khó khăn, đồng thời cần chung sức chung tay với Chính phủ để có tầm nhìn dài hạn hướng đến đổi mới”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cũng cho rằng, những khó khăn này được tích tụ từ khi khủng hoảng châu Á đến giờ. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn không thể một sớm một chiều. Có thể giảm tăng trưởng nhưng không nên sa vào thành tích ngắn hạn.

Ông Trần Đình Thiên nói: “Nếu cứ bơm tiền ra sẽ không giải quyết được vấn đề vì DN có thể hồi sinh nhưng rồi lại chết. Muốn cứu DN phải giải quyết tận gốc vấn đề căn nguyên chứ không chỉ là tồn kho”.

Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ là phải bắt “đúng bệnh” để có phác đồ điều trị. Trước mắt cần tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách không đề nghị hạ chuẩn cho vay, nhưng tạm thời có chính sách khoanh nợ, giãn nợ ở cả ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách đặc thù khi DN “ngắc ngoải”.

Ông Mai Xuân Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho biết, Ủy ban kiến nghị những tháng còn lại năm 2012, cần thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11, Nghị quyết 13; tận dụng tốt các nguồn lực để ổn định kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc; đồngthời cần thêm kích thích hợp lý trong ngắn hạn; tạo công bằng cho mọi DN về giảm thuế thu nhập, khoanh và giãn nợ, khuyến khích dùng sản phẩm của nhau.

Nguồn: