Giá phân bón leo thang bởi nhiều tầng đại lý

03:29 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Mười Một, 2018

Sự làm giá quá mức của đại lý đã đẩy giá phân bón tăng vô lý.

Truy tìm nguyên nhân tăng giá

Thời gian gần đây, giá các mặt hàng phân bón tại Việt Nam liên tục biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Tại một số địa phương đã diễn ra tình trạng khan hiếm, khiến nông dân phải mua phân bón giá cao hơn khoảng 10 -15%.

Theo lý giải của Bộ Công thương, do ảnh hưởng của giá thế giới và tỷ giá tăng thời gian vừa qua, nên giá phân bón trong nước đã tăng nhẹ ở một số mặt hàng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định) cho biết, trong vài tuần qua, phân bón tăng giá mạnh gây không ít khó khăn cho nhà nông.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP - Vinachem khẳng định, nguyên nhân chính khiến giá phân bón thế giới tăng là do thị trường thế giới tăng, bằng chứng là, đạm ure mặc dù không áp thuế tự vệ nhưng cũng tăng hơn 2.000 đồng/kg.

Giá phân DAP của Công ty cổ phần DAP - Vinachem sản xuất ra phải điều chỉnh tăng giá thời gian vừa qua cũng bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu do giá thành sản xuất bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 12,8% so với 2017. Trong đó, giá lưu huỳnh bình quân tăng 21,1%, amoniac tăng 9%, vì vậy, Công ty buộc phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm DAP Đình Vũ tương ứng theo diễn biến của thị trường.

Hiện, Công ty cổ phần DAP - Vinachem giao bán DAP tại cổng Nhà máy với mức giá bình quân 9.800 đồng/kg, nhưng giá đến tay nông dân tại một số nơi đã cán mức trên 11.500 đồng/kg.

Lý gải tình trạng giá bán tăng, song nguồn cung không hề khan hiếm, đại diện Bộ Công thương khẳng định, vì lượng hàng nhập khẩu cộng với sản xuất trong nước khá dồi dào, nên vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.

Dù vậy, ông Lê Văn Thông, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao thừa nhận, giá nguyên vật liệu tăng cao (urê, kali, DAP...) cũng làm khó cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ phân bón.

Giá phân bón “nhảy múa”

Dù Bộ Công thương đã khẳng định, nguồn cung trên thị trường phân bón từ đầu năm đến nay dồi dào, nhưng trình trạng thổi giá phân bón của nhiều đại lý đã khiến tại không ít địa bàn tiêu thụ lớn giá phân bón bị đẩy lên cao hơn nhiều so với mức biến động giá thực tế.

Theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chi phí phân bón hiện đang chiếm tới gần nửa giá vật tư đầu vào trong trồng trọt, canh tác, vì vậy, nếu thị trường phân bón không ổn định, giá phân bón còn bị điều chỉnh vô lối, hiệu quả sản xuất nông nghiệp sẽ bị kéo xuống.

“Quyền lực” trong tay các tầng đại lý đã đẩy giá phân bón tăng cao, thị trường ít nhiều bị rối loạn, thậm chí tạo nên khan hiếm giả tạo, nhằm làm giá khi nhu cầu phân bón tại các địa phương bắt đầu tăng do chuẩn bị bước vào vụ đông xuân.

Tại buổi làm việc diễn ra đầu tháng 11/2018, giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam, ông Phạm Minh Hùng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng, phân bón chất lượng mà doanh nghiệp sản xuất ra có giá 6.000 đồng/kg, nhưng sau khi trải qua các đại lý cấp 1, 2 và 3 đã bị đội lên đến 9.000 đồng/kg.

Ngoài ra, 1 bao phân bón được đưa về đến các đại lý cấp 2, 3 còn phải tăng thêm chi phí vận chuyển khoảng 30.000 đồng/bao cho mỗi cấp. Chưa kể, các đại lý phân bón thường bán chịu sản phẩm cho người nông dân, sau mùa vụ sẽ trả tiền, nhưng tất cả chi phí sẽ đội lên nhiều vì các đại lý đều tính toán cả, thậm chí chi phí chở phân bón ra tận ruộng cũng được tính hết vào giá.

Nghịch lý là chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp quá cao, trong đó, phân bón chỉ là một trong những yếu tố đầu vào, ngoài ra còn có bao bì, nhân công, giống…, mà giá bán của các sản phẩm nông nghiệp lại khó tăng tương ứng với giá thành sản xuất.

Một khi thị trường phân bón còn diễn cảnh nhiều tầng nấc đại lý, giá phân bón còn dễ bật tăng, nhiều khi nguyên nhân không đến từ các yếu tố cấu thành giá đầu vào.

Theo số liệu của Bộ Công thương, 10 tháng qua, sản lượng phân đạm urê ước đạt 1.850.600 tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ; phân NPK khoảng 2.423.700 tấn, tăng 2,6%; phân lân khoảng 1.145.800 tấn, tăng 4,6%; phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khoảng 360.000 tấn, tăng 20,2%.

Nguồn: Baodautu.vn