Kinh tế Việt Nam: 7 nghịch lý và những căn bệnh nghiêm trọng

01:29 CH @ Thứ Hai - 16 Tháng Tám, 2010
“Sau ba năm gia nhập WTO, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt nghịch lý phát triển rất khó giải thích. Đến lúc cần đánh giá lại một cách nghiêm túc năng lực hội nhập của Việt Nam”. Đó là phát biểu của PGS, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo "Kinh tế thế giới hồi phục và sự thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam trong kinh nghiệm quản trị và phát triển doanh nghiệp" diễn ra tại Hà Nội ngày 11/8.
Hàng loạt nghịch lý
Tại hội thảo, ông Thiên đã đưa ra hàng loạt nghịch lý của kinh tế Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO. Nghịch lý đầu tiên ông Thiên đưa ra đó là dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục trung bình khoảng 7% trong suốt 25 năm nhưng nền kinh tế vẫn không được coi là tăng trưởng bền vững. "Thế giới phải sửng sốt vì với họ tăng trưởng 5% trong 10 năm là bền vững lắm rồi. Chính chúng ta cũng thấy là không bền vững" - ông nói.
Nghịch lý tiếp theo là dù biết trước từ rất lâu là chúng ta sẽ hội nhập nhưng vào WTO 3 năm thì sức cạnh tranh của nền kinh tế lại giảm liên tục.
Nghịch lý thứ 3 được ông đưa ra đó là “dường như kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều nước trên thế giới nhưng tụt hậu hơn. Kể cả tụt hậu gắn với chỉ số GDP”. Đây là điều mà nhiều nhà lãnh đạo không hiểu được. Tại sao ta tăng trưởng 7% họ tăng 3% mà ta ngày càng tụt xa so với họ.
Thứ tư, sau 3 năm hội nhập WTO, cơ hội phát triển cho nền kinh tế thực sự lớn, vốn đầu tư vào rất nhiều, thương mại và xuất nhập khẩu đều tăng lên ghê gớm, nhưng nền kinh tế lại sinh ra rất nhiều chuyện. Đó là tăng trưởng giảm tốc, lạm phát tăng lên và bất ổn của nền kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn.
Với nghịch lý thứ 5 liên quan đến chiến lược FDI, ông Thiên đề nghị phải xem xét lại bởi Việt Nam được coi là địa chỉ tốt bậc nhất cho đầu tư FDI hay còn được gọi là “thiên đường đầu tư”. Nhưng ông cho biết theo ý kiến của một người công tác lâu năm trong Bộ KH&ĐT thì có khoảng 60-80% doanh nghiệp FDI kêu lỗ không phải 1, 2 năm mà lỗ triền miên.“Cũng có điều lạ là họ kêu lỗ nhiều nhưng không ai bỏ chạy” –ông Thiên nói.
Nghịch lý thứ 6 được ông Thiên viện dẫn là Việt Nam kích cầu bằng lượng vốn lớn nhưng lạm phát lại giảm. Các nhà kinh tế học dự báo lạm phát tăng lên ghê gớm thế nhưng đến nay lại thấp. Đây là điều trái quy luật. “Có phải chúng ta mới quan tâm đến CPI mà quên mất một loạt giá rất quan trọng của nền kinh tế là giá vốn, giá đầu vào?”. Sự quan tâm lệch lạc này gây ra ảo tưởng về sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Nghịch lý thứ 7 đó là:“Việt Nam cũng lạ lùng, sau 2 năm vất vả chống đỡ suy giảm, lạm phát cao, bất ổn nghiêm trọng, nên khi thế giới khủng hoảng ai cũng nghĩ Việt Nam sẽ xuống hố sâu nhưng Việt Nam chỉ rơi xuống hố một thời gian lại bò lên ngay”. Tuy nhiên, nghịch lý là mặc dù GDP đang đà đi lên, thậm chí kiềm chế được cả lạm phát nhưng không ai nói rằng kinh tế Việt Nam ổn định, tốt lên mà bất ổn gia tăng. Những chỉ số này rất đáng lo ngại.
Và những căn bệnh nghiêm trọng
Căn bệnh kinh niên được ông Thiên cho là nghiêm trọng nhất đó là 3 năm qua, Việt Nam triền miên thâm hụt ngân sách. “Đặc biệt khi gia nhập WTO, thâm hụt bùng lên dữ dội. Hiện 90% là thâm hụt với Trung Quốc. Thâm hụt nhưng ta vẫn điềm nhiên như không. Chứng tỏ chúng ta không chữa bệnh gì cả mà làm cho bệnh nặng hơn”-ông Thiên nói.
Bên cạnh đó là tình trạng bất ổn vĩ mô, điều hành chính sách lộn xộn. Nhưng trong toàn bộ bất ổn chính sách thì có một loại chính sách rất ổn định đó là chính sách tài khóa. Riêng hai loại chính sách: Tài khóa- phục vụ cho nhà nước và chính sách tiền tệ phục vụ cho doanh nghiệp và đời sống xã hội thì trong mấy năm vừa rồi vất vả nhất chỉ có mỗi chính sách tiện tệ. “Ngân sách nhà nước đang phải vật lộn với trách nhiệm ghê gớm. Họ phải sử dụng tất cả năng lực để quản trị đất nước, trong khi đó đáng lẽ phần trách nhiệm thuộc về chính sách tài khóa. Nghịch lý là trong điều kiện khó khăn nhất thì ngân sách nhà nước bội thu, chi tiêu đang hoàng. Tức là không có sự chia sẻ nào giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp mà đáng lẽ ra trong những điều kiện khó khăn như thế chính sách tài khóa phải gánh nhiều hơn”. Điều này liên quan đến bất ổn, tạo ra bất ổn và gắn với năng lực điều hành.
Phải thay đổi mô hình tăng trưởng
Để giải quyết những bất ổn trên, theo ông Thiên, Việt Nam dứt khoát phải tái cơ cấu thay đổi mô hình tăng trưởng – đây là vấn đề có tính chất sống còn. Bên cạnh đó còn nên coi trọng đầu tư hạ tầng xây dựng nền tảng để công nghiệp hóa. Trong đó đột phá mạnh vào hạ tầng giao thông, năng lượng.
Ông cũng cho rằng: "Chiến lược FDI cần xem xét lại, đặt nó trong chiến lược tổng thể về tái cấu trúc kinh tế. Hiện chúng ta chủ yếu hút vào để giải quyết thành tích tăng sản lượng. Mục tiêu của thu hút vốn đầu tư nước ngoài là phát triển quốc gia chứ không nên tăng trưởng về số lượng. Việc tập trung thu hút FDI không sai nhưng làm thế mãi không ổn".
"Tất nhiên, việc thay đổi là không dễ dàng vì kinh tế Việt Nam nằm trong các xung đột, đơn giản chẳng hạn là giữa nhóm xuất khẩu và nhập khẩu về tỷ giá... "- ông nói. Hơn nữa, chuyện lương bổng cũng là một cản trở 50 năm qua từ khi chính sách lương ra đời, cần thay đổi quan niệm về lương và hệ thống lương.
Ông Thiên cũng cho rằng phải cải cách toàn diện quan niệm về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu lại mô hình tập đoàn nhà nước.
Nguồn: