Lãi suất “dùng dằng” ở mức cao - Khó doanh nghiệp, khó cả ngân hàng

02:55 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Sáu, 2010

Để giải quyết thanh khoản cũng như đón đầu nhu cầu vốn trong thời gian tới, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ đã đẩy lãi suất huy động lên cao. Hệ lụy là thị trường tiền tệ bị xáo trộn và doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD) gặp nhiều khó khăn trong quá trình vay vốn.

Ngân hàng hút tiền, doanh nghiệp khát vốn

Trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khuyến cáo sẽ thanh tra các NHTM có lãi suất huy động từ 12%/năm trở lên, các NHTM đã tung ra nhiều chiêu thu hút khách gởi tiền như thưởng tiền và lãi suất, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng… Do vậy, ở nhiều kỳ hạn, lãi suất huy động thực của các NHTM đều vượt ngưỡng 12%/năm; có nơi lãi suất tiền gởi thực lên tới 13%-14%/năm.

Bên cạnh đó, để lách quy định của NHNN về nguồn vốn trung - dài hạn và “chiêu dụ” người gởi tiền, có NHTM còn cho phép linh động rút tiền trước hạn mà vẫn được mức lãi suất cao của kỳ hạn gởi trên 12 tháng.

Cũng nhằm mục đích trên, các NHTM còn đưa ra sản phẩm tiết kiệm với lãi suất thả nổi rất hấp dẫn, lại được lãnh lãi định kỳ hàng tháng và rút gốc linh hoạt. Sau khi có “cảnh cáo” của NHNN, các NHTM bắt đầu giảm nhẹ lãi suất tiền gởi nhưng vẫn âm thầm cạnh tranh nhau trong việc lôi kéo khách gởi tiền dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.

Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Phượng Anh Quân Hứa Tuấn Kiệt than thở: “Công ty tôi định vay khoảng 1 tỷ đồng để triển khai một số hợp đồng nhưng lãi suất 1%/tháng hiện nay là cao so với sức chúng tôi”.

Theo Phó chủ tịch Hội DN Lương thực - Thực phẩm TPHCM Nguyễn Chí Nguyện, hiện nay tình hình kinh tế ngày càng khả quan nên nhu cầu vốn cũng tăng lên. Tuy nhiên, ngoài lý do khách quan là mức lãi suất còn cao, phần lớn đơn vị là DN vừa và nhỏ, năng lực quản trị hạn chế cùng phương án SXKD ít khả thi nên không ít DN đang lao đao. Do vậy, theo ông Nguyện, Quỹ Bảo lãnh DN vừa và nhỏ cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ và gần gũi DN hơn nữa.

Tìm cách gỡ nút thắt

Với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, cả DN SXKD lẫn NHTM đều lao đao. NHTM muốn “tiêu” vốn phải nhắm vào những mảng có độ rủi ro cao như cho vay tiêu dùng, kinh doanh bất động sản và chứng khoán…

Theo NHNN, tín dụng của nền kinh tế của tháng 5 vừa qua chỉ tăng 1,86% so với tháng trước, trong đó tín dụng VND chỉ tăng 1,53%; còn so với cuối năm 2009, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 7,46%. Nguồn vốn của các NHTM vẫn chưa hết căng thẳng.

Trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 này, lãi suất liên ngân hàng chỉ giảm nhẹ ở những kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần và 1 tháng) nhưng lại có xu hướng tăng ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, mức tăng 0,02% - 0,84%. Do vậy, lãi suất đầu ra của các NHTM trong những ngày gần đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Phó Tổng giám đốc Bảo Việt Bank Trương Văn Huỳnh, các NHTM vừa và nhỏ thường yếu thanh khoản nên phải tìm đến thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, do NHNN gởi “thông điệp” sẽ thanh tra các NHTM vay vốn liên ngân hàng vượt quá 20% tổng vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1) nên để xoay xở nguồn vốn giá rẻ (từ thị trường liên ngân hàng), các NHTM vừa và nhỏ buộc phải đẩy lãi suất huy động lên cao để lôi kéo người gởi tiền và giữ chân khách hàng cũ nhằm tăng tỷ trọng nguồn vốn từ thị trường 1, từ đó mới có thể tiếp tục đi vay liên ngân hàng! Vì vậy, lãi suất cho vay cũng tăng theo.

Do sự mất cân đối trong cơ cấu nguồn vốn và sự điều hòa dòng vốn giữa thị trường 1 và thị trường liên ngân hàng bị trục trặc nên lãi suất cho vay lẫn huy động khó giảm nhanh.

Nguồn: