Loạn phân bón là do 'lỗ thủng' quản lí

09:55 SA @ Thứ Năm - 17 Tháng Mười Hai, 2015

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, song theo chia sẻ của một số nhà khoa học, Việt Nam là quốc gia có danh mục sản phẩm phân bón thuộc diện nhiều nhất thế giới, với khoảng 5.000-6.000 loại.

Việc phân bón trung vi lượng đội lốt phân lân mà báo NNVN đã phản ánh liên tiếp ở hai bài gần đây (Loạn phân lân và Vì sao loạn phân bón "trung vi lượng"?) đã chứng minh điều này.

Đó là, khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ chưa kịp có hiệu lực, ngoài thực tế đã xuất hiện bạt ngàn những loại phân bón thuộc nhóm “phân bón khác”. Vậy nên nguyên nhân chính khiến thị trường phân bón hỗn loạn như hiện nay hầu hết ai cũng đã thấy rõ do công tác quản lí.

Nhiều nhất thế giới

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, song theo chia sẻ của một số nhà khoa học, Việt Nam là quốc gia có danh mục sản phẩm phân bón thuộc diện nhiều nhất thế giới, với khoảng 5.000-6.000 loại.

Trong khi đó, các cường quốc nông nghiệp như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… chỉ có vài chục chủng loại.

Một lãnh đạo Công ty Đạm Hà Bắc từng chia sẻ với chúng tôi rằng, nhiều lần làm việc với đối tác Hàn Quốc, họ sửng sốt không hiểu tại sao Việt Nam lại nhiều sản phẩm phân bón đến vậy, đặc biệt là phân NPK và trung, vi lượng, trong khi xứ Hàn chỉ có vài chục sản phẩm phân bón đã thấy là nhiều.

Thiết nghĩ, nước ta nếu thống kê chi tiết cũng chỉ có khoảng 30 loại cây trồng chính và khoảng 10 vùng sinh thái nông nghiệp, nhiều lắm chừng 100 sản phẩm phân bón đã là quá đủ.

Không chỉ sản phẩm phân bón nhiều mà số lượng DN SX phân bón của Việt Nam có lẽ cũng khó quốc gia nào địch nổi. Theo thống kê của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nước ta có gần 800 DN sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó riêng TP.HCM xấp xỉ con số 500.

Vậy, bao nhiêu trong số trên là DN thật, đủ điều kiện kinh doanh? Bao nhiêu DN chưa đủ điều kiện, chỉ gia công các loại phân rởm, giả?

Không hiểu việc quản lí khoảng 10 triệu tấn phân bón mỗi năm của các bộ, ngành thế nào mà sau mỗi lần sửa nghị định, thông tư, tình hình có vẻ ngày càng tồi tệ hơn.

Bằng chứng là từ 2003 đến nay, Việt Nam phải ba lần sửa nghị định (Nghị định 113, 191 và 202) về quản lí phân bón và có khả năng phải tiếp tục sửa, bởi các DN và đơn vị quản lí đang... kêu như vạc do những lỗ hổng pháp lý tại Nghị định 202.

Vì vậy, việc quản lí phân bón bùng nhùng như hiện nay chung quy tất cả đều do quản lí thiếu chặt chẽ và kẽ hở pháp luật mà ra

Từ đó, dư luận có quyền đặt dấu hỏi có hay không lợi ích nhóm khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón?

Tại sao tình trạng phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác, kém chất lượng ngày càng xuất hiện với mức độ trầm trọng hơn và chủ yếu xảy ra với sản phẩm phân NPK và mới đây nhất là phân trung, vi lượng?

Tại sao có tình trạng kêu quản lí khó khăn, phức tạp mà bộ, ngành nào cũng muốn nhận việc quản lý phức tạp này về phần mình?

Muốn quản, luật phải chuẩn

Theo chia sẻ của một DN SX phân bón lớn tại Hà Nội, phân bón là sản phẩm hàng hóa, vì vậy để quản lý được tốt, đầu tiên phải có các văn bản pháp luật chuẩn, mà bắt đầu là định nghĩa chuẩn về phân bón, định nghĩa chuẩn về dinh dưỡng và kèm theo các tiêu chuẩn lấy mẫu, phương pháp phân tích để nhận ra các chất dinh dưỡng.

Thực tế, hiện đã có các tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp phân tích (thử nghiệm) cho các yếu tố dinh dưỡng đa lượng như đạm (N), lân (P2O5), kali (K2O), nhưng chưa hề có phương pháp thử nghiệm cho các chất dinh dưỡng trung lượng như: Lưu huỳnh (S), canxi (CaO), magie (MgO), silic (SiO2) và các chất dinh dưỡng vi lượng như sắt (Fe), đồng (Cu), bo (B), molipden (Mo), kẽm (Zn)… nên cần phải tập trung ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn phân tích các chất này.

Thứ hai, theo vị lãnh đạo này, phải định nghĩa chuẩn “thế nào là phân bón khác”, tình trạng mập mờ trong văn bản hiện nay về “phân bón khác” là khe hở khổng lồ trong văn bản pháp luật, nguyên nhân sinh ra hàng ngàn loại phân bón (phân hữu cơ khoáng; phân khoáng hữu cơ; phân bón rễ trung lượng, phân lân canxi magie nhưng thành phần P2O5 chỉ 0,1%; NNVN đã phản ánh ở hai bài trước) mà hầu hết là đội lốt, nhập nhèm với phân của các DN lớn uy tín.

Thứ ba, mỗi loại phân phải có quy chuẩn Quốc gia, trong đó quy định hàm lượng tối thiểu đối với dinh dưỡng đa lượng, tối đa với các độc tố. Ví dụ: Đã là lân phải có hàm lượng P2O5 ≥ 13,5% như quy định trong Thông tư 29; đã là NPK phải đảm bảo tổng N+P2O5+K2O ≥ 18%...

Thứ tư, các cơ quan hành pháp phải thực sự vào cuộc bởi tuy văn bản pháp luật hiện chưa đủ nhưng đã có và nhiều trường hợp đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan thực thi chấn chỉnh, nhưng đôi khi vì lí do nào đó họ làm lơ.

Không đâu xa như trường hợp các loại phân supe lân canxi, lân canxi magie, lân vôi caxi magie giả mà chính NNVN đã phản ánh ở hai số báo trước, hoàn toàn đủ cơ sở để lực lượng quản lí thị trường Bộ Công thương vào cuộc (dựa trên việc cấp phép xây dựng các nhà máy phân lân của Chính phủ và dựa trên phụ lục số 13 Thông tư 29 do chính Bộ này xây dựng đây là các loại phân giả hiệu). Tuy nhiên, không hiểu tại sao họ chưa làm?

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm Phân bón vùng Nam Bộ (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) Trần Quốc Tuấn cho rằng, muốn quản tốt lĩnh vực phân bón trước tiên luật phải chuẩn.

Theo ông Tuấn, việc cấp giấy phép SX phân bón Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đang gấp rút triển khai hiện nay, cần phân ra 3 loại hình DN cụ thể để dễ quản lí.

Thứ nhất là những DN có công nghệ gốc, tận dụng được tài nguyên, khoáng sản, năng lượng quốc gia (quặng, than, điện, khí) để SX ra phân bón, từ đó nâng cao giá trị, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đây là nhóm cần được hỗ trợ tối đa như: Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình; Lân Văn Điển, Ninh Bình, Lâm Thao, Long Thành; DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai… (tất nhiên trong số này phải ưu tiên những DN có công nghệ thân thiện môi trường).

Nhóm thứ 2, gồm các DN sản xuất NPK bằng nhiều công nghệ, phương pháp khác nhau thông qua việc mua lân, đạm, kali, DAP cùng các chất phụ gia khác về ép viên một hạt hoặc lò quay hơi nước tạo ra các công thức phân bón để bà con nông dân dễ sử dụng.

Song xét bản chất cuối cùng là làm cho giá phân bón tăng thêm. Thiết nghĩ, khi cấp giấy phép SX phân bón DN thuộc nhóm này nên liệt kê nhà máy chế biến và ưu tiên những DN có công nghệ hiện đại, hàm lượng cao để bà con nông dân dễ phân biệt.

Nhóm thứ 3 chính là những DN gia công, phối trộn phân bón. Đây là các đơn vị có nhà máy, công nghệ, quy trình song vừa SX vừa gia công hoặc chỉ nhận gia công, phối trộn cho các DN SX phân bón khác không có hoặc không đủ máy móc, con người, điều kiện pháp lý.

Tiêu cực, phân bón giả, nhái nhãn mác, kém chất lượng rất dễ phát sinh từ các DN gia công này nên cần phải quản lí chặt chẽ, thậm chí là đóng cửa và xử lí hình sự với những DN cấp khống hợp đồng gia công, tạo điều kiện cho DN cuốc xẻng, máy trộn bê tông lợi dụng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong số những vụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhái nhãn mác đã bị phát hiện, xử lí thì phân bón giả (tổng hàm lượng dinh dưỡng <70% so với đăng ký) chiếm 15%;phân bón kém chất lượng (tổng hàm lượng dinh dưỡng>70% nhưng <90% theo quy định) chiếm 35-40%;nhãn mác bao bì ghi trên bao bì phân bón sai so với Nghị định 89/CP về nhãn mác bao bì chiếm 50-60%;nhãn mác gian lận thương mại cũng như gây nhầm lẫn cho người sử dụng phân bón (ví dụ:Tên phân bón NPK20.20.15 nhưng thành phần chính chỉ là N:6;P2O5:6;K2O:6) chiếm 5-10%.

Việt Nam là quốc gia có số lượng DN SX kinh doanh và danh mục sản phẩm phân bón thuộc diện "nhất thế giới", nhưng theo thống kê của FAO, Việt Nam lại là quốc gia có hiệu suất sử dụng phân bón thuộc nhóm thấp nhất thế giới hiện nay, chỉ đạt 45-50%.

Nguồn: