Nghị định 202... chín ép!

09:27 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Sáu, 2016

Chính bởi sự thiếu đồng bộ ấy nên khi áp Nghị định 202 vào hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ hiện nay đã vô hình trung gây khó khăn, lúng túng cho DN, đơn vị phân tích, chứng nhận chất lượng phân bón.

Nghị định 202 quy định sản xuất, kinh doanh phân bón cần có điều kiện và công tác quản lí sản phẩm phân bón theo quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Vậy tại sao Nghị định được kỳ vọng như vậy lại bị dư luận ví như mẻ phân bón sản xuất vội, sống sượng?

Áp dụng thiếu đồng bộ

Lí do khiến Nghị định 202 bị ví như mẻ phân nấu sống bởi Việt Nam hiện chưa ban hành đầy đủ các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm phân bón. Do vậy, nhiều loại phân bón phải quản lý bằng phụ lục ban hành kèm theo các Thông tư hướng dẫn.

Chính bởi sự thiếu đồng bộ ấy nên khi áp Nghị định 202 vào hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ hiện nay đã vô hình trung gây khó khăn, lúng túng cho DN, đơn vị phân tích, chứng nhận chất lượng phân bón được chỉ định và đặc biệt là các cơ quan quản lý.

Thông tư số 29 của Bộ Công thương và Thông tư 41 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn Nghị định 202, phần hợp chuẩn, hợp quy có hướng dẫn: Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón chưa được ban hành hoặc chưa chỉ định có thể áp dụng quy chuẩn quốc tế, quy chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn cơ sở thông qua việc nộp các tài liệu chứng minh việc đáp ứng các quy định tại các phụ lục của 2 Thông tư hướng dẫn.

Việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn với các phân bón đơn hoặc phân bón phức hợp có công nghệ gốc để sản xuất như đạm, lân, DAP hay kali không quá khó bởi trên thế giới đã có sẵn và khá đầy đủ.

Ví dụ, đạm urê yêu cầu nguyên liệu đầu vào là axít, lưu huỳnh như thế nào, hàm lượng nitơ ra sao, các chất độc hại như biuret ngưỡng tối đa bao nhiêu, phương pháp thử áp dụng theo tiêu chuẩn nào… đều đã có đầy đủ. Hay với phân lân nung chảy, lân super, phân DAP hàm lượng P2O5 hữu hiệu phải từ bao nhiêu % trở lên?

Khó khăn, phức tạp chỉ thực sự đến khi áp dụng Quy chuẩn tiêu chuẩn với sản phẩm phân phối trộn NPK và phân trung, vi lượng. Lí do bởi hiện mỗi DN có công thức, phương pháp sản xuất, phối trộn phân NPK khác nhau.

Ví dụ, sản phẩm NPK ba màu (đạm, lân, kali đơn trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định); NPK ép viên một hạt (đạm, lân, kali được nghiền thành bột kết hợp phụ gia cho vào máy vê viên thành 1 hạt theo tỉ lệ nhất định); NPK lò quay hơi nước (nguyên liệu đạm được xử lí hóa lỏng kết hợp lân, kali tạo thành hạt trong lò cao nhằm cho ra các công thức phân bón NPK có hàm lượng cao).

Chưa kể, mỗi DN sử dụng nguyên liệu để sản xuất NPK khác nhau. Có đơn vị dùng lân nung chảy, có đơn vị dung lân super, có đơn vị dùng lân trong DAP.

Tương tự, đạm cũng vậy, có nơi dùng đạm urê, nơi dùng đạm SA… nên quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm NPK giữa các DN không đồng nhất. Phương pháp lấy, phá mẫu, chất thử, cách phân tích cũng hoàn toàn khác nhau.

Còn với phân bón trung, vi lượng, hiện TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam) mới chỉ xác định được hàm lượng chỉ tiêu tổng số, chưa có phương pháp, quy trình chuẩn để xác định được hàm lượng hữu hiệu cây trồng hút được.

Chính bởi lỗ hổng này nên hiện các DN công khai nghiền đá vôi, quặng dolomite, secpentin, cát, cao lanh, đất sét… ra thành bột rồi đóng bao đem bán dưới dạng phân trung, vi lượng mà các cơ quan quản lí không biết xử lí như thế nào?

Bởi có đem các sản phẩm đó đi phân tích các chất trung, vi lượng như canxi, magie, silic… không những đủ mà hàm lượng còn rất cao, song đây chỉ là hàm lượng tổng số tồn tại sẵn ngoài tự nhiên, cây trồng không thể hấp thụ được.

Vì vậy, nhiều nhà quản lí, DN và chuyên gia góp ý, hợp chuẩn, hợp quy chỉ nên áp dụng với các sản phẩm phân bón có công nghệ sản xuất gốc, tận dụng và gia tăng được tài nguyên, khoáng sản quốc gia như đạm, lân, kali, DAP, SA...

Với sản phẩm phân NPK nên để DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm, nhà nước chỉ nên quy định hàm lượng, chỉ tiêu tối thiểu, tối đa để tiến hành hậu kiểm.

Riêng với phân bón trung, vi lượng nếu chưa xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, phương pháp thử nên chọn giải pháp quản lí phần gốc bằng việc đặt ra các quy định, yêu cầu về nhà máy, công nghệ, quy trình chế biến, sản xuất. Không nên thả nổi quá, đơn giản là nghiền đá đóng bao đem bán như phần lớn DN đang làm hiện nay.

Bỏ trống 2 năm, ai nắm ngành phân bón?

Như đã đề cập ở bài trước, Nghị định 202 ban hành tháng 11/2013, nhưng phải mất 1 năm sau Bộ Công thương và Bộ NN- PTNT mới ban hành được Thông tư hướng dẫn. Trong suốt thời gian ngóng cổ chờ thông tư, việc chứng nhận, phân tích, sản xuất, kinh doanh phân bón gần như không có cơ quan nào kiểm soát.

Đây chính là thời điểm các sản phẩm phân bón “nửa dơi nửa chuột” xuất hiện tràn lan trên thị trường và cũng là lúc các tổ chức chứng nhận, phòng thử nghiệm phân bón “tranh thủ” cho ra đời hàng trăm kết quả phân tích, chứng nhận theo đơn đặt hàng của DN.

Theo quy định, các tổ chức chứng nhận phân bón chỉ được chứng nhận trong phạm vi được chỉ định và các kết quả phân tích, quá trình đánh giá phải phù hợp với trình tự, yều cầu cụ thể. Nếu tổ chức chứng nhận tiến hành chứng nhận các sản phẩm phân bón ngoài phạm vi được chỉ định, hoặc quá trình đánh giá, phân tích không đảm bảo yêu cầu theo quy định nhưng vẫn cố tình tiến hành chứng nhận hợp quy để sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường, tổ chức chứng nhận đó phải chịu trách nhiệm.

Nếu các tổ chức chứng nhận, phòng, trung tâm phân tích ký hợp đồng với các DN phân tích các chỉ tiêu chất lượng, các yếu tố hạn chế, đánh giá quá trình sản xuất của sản phẩm phân bón khi các tổ chức chứng nhận này chưa được các cơ quan có thẩm quyền chỉ định, các kết quả đó chỉ có tác dụng tham khảo, không được phép sử dụng để chứng nhận công bố hợp chuẩn, hợp quy.

Vì vậy, trong quá trình thanh kiểm tra kiểm tra phải xem xét kỹ hợp đồng giữa DN và các tổ chức phân tích, chứng nhận chất lượng phân bón để có được đánh giá khách quan nhất.

Đối chiếu với 11 đơn vị vừa bị Thanh tra Bộ NN-PTNT kết luận sai phạm vừa qua. Nếu trong trường hợp 11 đơn vị cố tình lừa DN rằng kết quả phân tích, chứng nhận của mình có thể đem đi công bố hợp quy khi chưa được chỉ định là đơn vị chứng nhận 11 đơn vị này làm chưa đúng theo quy định.

Trong trường hợp đơn vị chỉ phân tích theo đơn đặt hàng của DN để biết trong sản phẩm này có những chất gì và hàm lượng bao nhiêu, có đúng công thức DN đưa ra hay không, câu chuyện lại ở một chiều hướng khác.

Được biết, hiện Bộ Công thương đã chỉ định trên 30 tổ chức được tiến hành chứng nhận cho các loại phân vô cơ và gần 300 DN được cấp phép sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ.

Trong khi đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã chỉ định 13 tổ chức chứng nhận (hiện đình chỉ 8, 3 hết hạn, 2 đang hoạt động) và 12 phòng thử nghiệm (3 hết hạn, 9 đang hoạt động) để tiến hành thử nghiệm, chứng nhận cho các loại phân hữu cơ và phân bón khác. Hiện Cục đã chứng nhận cho gần 30 DN.

Nguồn: