Nỗ lực bình ổn thị trường phân bón

09:09 SA @ Thứ Hai - 05 Tháng Chín, 2011

Chuẩn bị cho vụ thu đông và đông xuân 2011-2012, theo Hiệp hội Phân bón VN (FAV), dù dự báo giá phân đạm thị trường thế giới có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng do các doanh nghiệp có sự chủ động về nguồn hàng nên nguồn cung trong nước vẫn đảm bảo.

Đặc biệt, với nhu cầu phân đạm, do cuối năm sẽ có thêm một số nhà máy lớn đi vào hoạt động nên nguồn cung thiếu hụt có thể sẽ được lấp đầy.

Không thiếu phân bón!

TCty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo - DPM) sau thời gian nghỉ bảo dưỡng đã lấy lại được phong độ sản xuất. Ông Cao Hoài Dương - TGĐ DPM cho biết: Sản lượng dự kiến của DPM cả năm sẽ đạt khoảng 770.000 tấn đạm urê. Riêng từ nay đến hết năm, DPM sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 400.000 tấn phân bón cả sản xuất và nhập khẩu. Ông Dương cho biết: Giá bán đạm Phú Mỹ hiện ở mức 10.300đ/kg đến các đại lý tiêu thụ - được xem là mức giá bám sát giá thị trường, tạo điều kiện cho các DN NK phân bón đưa hàng về cung ứng 50% nguồn cung còn lại. Tùy từng thời điểm, DPM có những điều chỉnh giá bán linh hoạt để vừa đảm bảo có lợi cho bà con nông dân, vừa không hạn chế lượng NK. Vì vậy đến thời điểm này, tiêu thụ phân đạm khá thuận lợi.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Với năng lực sản xuất gần 1 triệu tấn phân đạm (trong đó DPM 800.000 tấn, Cty phân đạm Hà Bắc 180.000 tấn), tổng nguồn cung phân đạm trong nước mới đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường. Cuối năm nay, dự kiến VN sẽ có thêm 2 nhà máy sản xuất phân đạm nữa ra đời, là Nhà máy đạm Cà Mau 800.000 tấn/năm của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và nhà máy phân đạm sản xuất từ than cám tại Ninh Bình 560.000 tấn/năm của Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem). Tổng nguồn cung theo thiết kế khi các nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đạt cỡ 2,34 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 2 triệu tấn. Tính đến thời điểm này, tổng lượng phân bón hóa học sản xuất trong nước đạt khoảng 6,2 triệu tấn, đáp ứng được 68% nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hằng năm, cả nước vẫn còn phải NK khoảng 2,6 triệu tấn. Cụ thể, trong năm nay, phân đạm urê phải NK khoảng 810.000 tấn; các loại phân trong nước chưa sản xuất được, phải NK là SA 600.000 tấn; kali 700.000 tấn; SAP 400.000 tấn.

Yêu cầu doanh nghiệp dự trữ lưu thông

Để hạn chế tình trạng thiếu cục bộ phân bón khi vào mùa vụ giá thường bị tăng mạnh, hoặc có những thời điểm lượng hàng hóa ách tắc ở khâu lưu thông khiến giá bị đẩy lên, Bộ Công Thương yêu cầu các DN chủ động dự trữ phân bón để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi có biến động giá và mất cân đối cung - cầu. Hiện DPM cho biết luôn đảm bảo lượng tồn kho dự trữ tối thiểu khoảng 70.000 tấn sẵn sàng đáp ứng khi vào vụ đông xuân. Bên cạnh sản xuất, từ năm 2008, TCty tham gia NK mỗi năm từ 130.000-200.000 tấn phân bón các loại với giá hợp lý để tăng cung ra thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết, một trong những khâu yếu nhất trong quy trình kinh doanh, nhập khẩu phân bón hiện nay là hệ thống điều hòa cung - cầu còn yếu, không thống nhất, thiếu thông tin để biết chính xác việc sử dụng phân bón, từ đó xác định cần nhập bao nhiêu, nhập vào thời điểm nào. Thêm vào đó, cơ chế kinh doanh không minh bạch khiến cho thị trường cạnh tranh bị lũng đoạn. Trong bối cảnh cơ chế thị trường, Nhà nước bao cấp giá nguyên liệu cho DN sản xuất phân bón, nhưng không kiểm soát giá đầu ra, cung - cầu thị trường chưa cân bằng và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi DN nhập khẩu bằng các con đường không chính thức, NK tiểu ngạch vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng cả về lượng và giá, thì thị trường phân bón sẽ chưa thể bình ổn.

Giải pháp được cho là khả thi được ông Anh Tuấn nêu ra là Hiệp hội Phân bón cần nâng cao vai trò dự báo cung cầu, giá cả để tham mưu cho các cơ quan điều hành định hướng thị trường. Cần sử dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ cần thiết để tăng lượng NK đáp ứng nhu cầu của thị trường khi giá tăng cao đột biến; hoặc ngược lại khi giá xuống thấp. Cơ quan quản lý cần quy định mức giá tối đa trong thời hạn nhất định khi thị trường biến động bất thường.

Nguồn: