Quy hoạch ngành phân bón đến năm 2020: Quản chặt cả sản xuất và phân phối

09:43 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Chín, 2010

Hơn 56.000 tỷ đồng cho hệ thống sản xuất và phân phối

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010 - 2020, có xét đến năm 2025 do Cục Hóa chất chủ trì trình lãnh đạo Bộ Công Thương trong tháng 9/2010, tổng vốn đầu tư cho cả hai hệ thống trong giai đoạn này vào khoảng 56.872 tỷ đồng.

Theo đó, vốn cho hệ thống sản xuất giai đoạn 2010-2015 khoảng 19.617 tỷ đồng, xây dựng một số công trình chính như: nhà máy đạm tại Thanh Hóa công suất 560.000 tấn/năm, nhà máy phân lân nung chảy tại Lào Cai, 200.000 tấn/năm, nhà máy amôn sulfat tại Hải Phòng 300.000 tấn/năm, nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai 330.000 tấn/năm và một số nhà máy khác. Giai đoạn 2016-2020 khoảng 36.595 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho hệ thống sản xuất phân bón giai đoạn 2010-2020 là 56.212 tỷ đồng.

Với hệ thống phân phối, giai đoạn 2010-2015 sẽ thành lập 14 trung tâm vùng, vốn đầu tư cho mỗi trung tâm phân phối khoảng 30 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, thành lập 8 trung tâm phân phối, với tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho hệ thống phân phối cho cả giai đoạn khoảng 660 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn cho công tác quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010 - 2020, có xét đến năm 2025 vào khoảng 56.872 tỷ đồng.

Siết chặt các khâu

Tại hội thảo do Cục Hoá chất tổ chức xin ý kiến góp ý cho quy hoạch nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đầu tư một lượng vốn lớn cho cả hai hệ thống sản xuất và phân phối phân bón này, cần làm thật tốt công tác quản lý chất lượng phân bón và nhất là khâu cấp phép sản xuất cho các cơ sở nhỏ lẻ. Ông Lê Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam bày tỏ quan điểm, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng cho sản xuất phân bón.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát phân bón giả, kém chất lượng cần phải siết chặt, nhất là phân bón hỗn hợp NPK. Theo ông Khánh, cần phải có cơ sở đánh giá sự khác nhau giữa chất lượng phân bón NPK tạo hạt bằng đĩa quay so với công nghệ sản xuất NPK bằng hơi nước, dần dần có chính sách siết chặt việc sản xuất NPK bằng đĩa quay. Để hạn chế tình trạng phân bón NPK kém chất lượng, cần hạn chế cấp phép một số cơ sở sản xuất NPK quá nhỏ.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đồng tình với ý kiến này và nhận định: xu thế hiện nay trên thế giới thường dùng phân bón hữu cơ chất lượng cao, hạn chế phân bón hóa học. Tuy nhiên, vấn đề kiểm định phân bón cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ý kiến của nhiều đại biểu thì khâu kiểm soát chất lượng khó nhất là phân bón NPK và phân bón vi sinh hỗn hợp. Lực lượng quản lý thị trường dù có đến tận đơn vị các huyện cũng không làm xuể, vì hệ thống máy móc phân tích định giá chất lượng kém, không phát hiện được. Để đối phó với tình trạng phân bón kém chất lượng tràn lan hiện nay, nhiều đại biểu cũng thống nhất cần mạnh tay hơn nữa trong việc thu hồi giấy phép các cơ sở sản xuất nhỏ, không đảm bảo. Ông Ngô Mạnh Hoài, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam cho rằng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa quy hoạch sản xuất phân bón đặc biệt là phân bón vô cơ, tránh hiện tượng có nhiều cơ sở sản xuất phân bón nhưng đều không hoạt động hết công suất.

Với tinh thần trên, ông Phùng Hà - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý III/2010, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam xây dựng quy hoạch sản xuất phân bón các loại đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức hệ thống và quy chế quản lý đại lý, bán lẻ phân bón các loại nhằm quản lý tốt chất lượng và giá cả phân bón hợp lý đến nông dân.

Nguyễn Duyên
Nguồn: