Sửa Luật thuế 71 về phân bón: Phải đề xuất ráo riết, cấp bách hơn nữa!

11:23 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Sáu, 2020

Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, đáng tiếc chương trình họp của Quốc hội kỳ này lại không có nội dung về sửa Luật thuế 71. Cần phải đề xuất điều chỉnh ráo riết, cấp bách hơn những điểm hạn chế của luật để sớm tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp phân bón nội địa.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã nhiều lần đồng loạt kiến nghị sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71), đưa phân bón về diện chịu thuế VAT như trước đây.

Nguyên nhân là vì, kể từ năm 2015 đến nay, việc áp dụng Luật thuế 71 (ban hành ngày 26/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) đang gây ra những hệ lụy bất lợi cho sản xuất trong nước.

Cụ thể, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế, đã dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ, khiến doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và làm cho giá thành phân bón tăng từ 5-8%.

Mặt khác, Luật thuế 71 là rào cản lớn với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, nhất là với doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại... Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, công nghệ lạc hậu đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không đủ sức cạnh tranh chất lượng sản phẩm với hàng ngoại nhập. Trong khi đó, máy móc nhập về với mục đích đổi mới công nghệ lại bị đánh thuế khiến nhiều doanh nghiệp chần chừ. Đây là cái vòng luẩn quẩn, nếu không giải quyết thì doanh nghiệp sẽ mãi không thoát ra được.

Bên cạnh đó, không chỉ tác động đến nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong nước, Luật thuế 71 còn đang tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam đột biến. Thêm vào đó, trong bối cảnh các nước trong khu vực đều có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón, còn Việt Nam lại phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của nhiều hiệp định thương mại tự do thì Luật thuế 71 sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phân bón nước ngoài về lâu về dài “thâu tóm” thị trường phân bón trong nước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu như lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật thuế 71 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017, nhập khẩu hơn 5,6 triệu tấn và con số này gần như không giảm qua các năm. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu gần 100.000 tấn phân bón các loại, trị giá gần 245 triệu USD. Trong số thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam thì Trung Quốc chiếm 40,1% trong tổng kim ngạch của cả nước.

Cũng theo số liệu rà soát, tính toán, việc quy định phân bón là mặt hàng không nằm trong diện chịu thuế VAT đã khiến hai doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ từ 300-370 tỷ đồng, nếu tính từ 2015 đến nay đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phân bón trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng tương tự, số liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) năm 2019, thống kê, số thuế VAT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã trên 3.000 tỷ đồng, riêng năm 2018 trên 583 tỷ đồng, năm 2019 cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trước thực trạng nhiều bất cập đối với doanh nghiệp phân bón, mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5%.

Sau khi nhận được kiến nghị, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tính toán phương án chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% vào nội dung sửa đổi Luật thuế 71. Nội dung dự án Luật thuế 71 sửa đổi hiện đã được Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung sửa đổi Luật thuế 71 để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bình luận về những trở ngại của ngành phân bón nội địa, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, mặc dù, điều này đã được kiến nghị từ lâu, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước điêu đứng mấy năm nay, nông dân chịu thiệt nhưng vẫn chưa được các cấp ngành liên quan quan tâm xem xét để xây dựng chương trình, dự án luật trình Quốc hội. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, muốn sửa đổi luật phải được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, nhưng rất tiếc dự án Luật thuế GTGT sửa đổi vẫn “vắng bóng” trong chương trình họp Quốc hội kỳ này.

Ông Phú nêu rõ: “Luật thuế VAT có những mặt không hợp lý thì Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Doanh nghiệp phân bón cần phải đề xuất ráo riết, cấp bách hơn nữa. Phải phân tích rất cụ thể để các nhà làm luật hiểu thấu được điều này. Sự trì trệ, chậm chạp trong việc triển khai sửa đổi luật do không phù hợp với tình hình thực tế cho thấy những góc khuất về tổ chức hành chính”.

“Rõ ràng muốn tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, muốn đưa nền nông nghiệp Việt Nam lên top đầu của thế giới thì những trở ngại liên quan đến nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… của ngành cần phải được rốt ráo xử lý. Doanh nghiệp tổn thất lớn nhưng người nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất nếu giá phân bón vẫn ở mức cao” - ông Phú nói thêm.

Nguồn: Petrotimes.vn