Tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón

08:45 SA @ Thứ Ba - 16 Tháng Giêng, 2018

Thời gian qua, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực phân bón đang gây thiệt hại lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân. Các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.

Vậy tư nông nghiệp, trong đó có phân bón đóng vai trò quan trọng nhằm bảo đảm sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện cả nước có 706 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động. Trong đó, có 545 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ với tổng công suất hơn 26 triệu tấn/năm và 161 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác với tổng công suất hơn 2,5 triệu tấn/năm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam ước khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính trên đơn vị diện tích, lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý phân bón vẫn còn nhiều bất cập do việc thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thực tế, sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt; việc đăng ký và công bố chất lượng chưa phù hợp mục đích sử dụng của phân bón. Hơn nữa khó kiểm soát được chất lượng phân bón (phân bón giả, kém chất lượng) do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế quản lý chú trọng về hậu kiểm. Trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng và các công thức phân bón mới được phép lưu thông tràn lan mà không được cơ quan nào thẩm định tính khoa học, xác thực và hiệu quả.

Hơn nữa, điều kiện về cấp giấy phép chưa chặt chẽ dẫn đến số lượng cơ sở sản xuất phân bón nhiều, sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất chưa bảo đảm chất lượng. Khá nhiều tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc mua bán phân bón trong nước để san chiết, đóng gói đang hoạt động lén lút, trốn tránh. Việc quản lý kinh doanh bị buông lỏng dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng khó kiểm soát được trên thị trường trong thời gian qua.

Hiện nay, có hơn 40 phòng thử nghiệm được chỉ định hoạt động trong lĩnh vực phân bón. Nhưng một số phòng thử nghiệm có trang, thiết bị lạc hậu, không cập nhật các phương pháp thử mới. Một số khác có đội ngũ kỹ thuật viên chưa ổn định tay nghề, thay thế nhân sự thường xuyên dẫn tới chất lượng thử nghiệm không bảo đảm.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, cần tăng cường năng lực, chất lượng thử nghiệm của các phòng thử nghiệm được chỉ định. Ðồng thời, cần rà soát lại năng lực thử nghiệm của các phòng thử nghiệm này, trên cơ sở đó tập trung chấn chỉnh lại hoạt động của các phòng thử nghiệm, kiên quyết rút chỉ định đối với các phòng thử nghiệm không đạt yêu cầu, không duy trì được hệ thống kiểm soát chất lượng theo quy định. Mặt khác, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Ðổi mới công tác thanh tra, kiểm tra về công nhận lưu hành, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân bón. Xử lý triệt để và công khai kết quả các cơ sở có vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra…

Nguồn: nhandan.com.vn