Tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước

03:27 CH @ Thứ Năm - 25 Tháng Mười Một, 2021

Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, như bột ngọt, dầu ăn, phân bón DAP, nhôm, ván gỗ...

Trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa, Bộ Công thương đã tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Số liệu đến tháng 11/2021, Bộ Công thương đã khởi xướng 23 vụ việc phòng vệ thương mại, đối tượng là kính nổi, các sản phẩm thép, dầu ăn, bột ngọt, phân bón DAP, màng BOPP, ngôm, ván gỗ, sợi và gần đây là đường mía. Các biện pháp này đã góp phần lập lại môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, với 14 hiệp định thương mại tự do đã đi vào thực thi, đầu năm tới có thêm hiệp định RCEP, đồng nghĩa với nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam thuận lợi hơn, thuế nhập khẩu cũng theo lộ trình giảm dần tùy cam kết trong từng FTA.

"Mở cửa thị trường nhưng chúng ta phải biết sử dụng công cụ phòng vệ, là "phao cứu sinh" để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ", ông Dũng nhấn mạnh.

Với 23 vụ việc khởi kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa nước ngoài, Việt Nam đã sử dụng tất cả các biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ), trong đó chiếm hơn một nửa số vụ việc là khởi kiện chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 1 vụ việc chống trợ cấp và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Gần đây nhất, hồi tháng 6 năm nay, Bộ Công thương đã ra Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập từ Thái Lan. Mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65% đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong 5 năm, đã phần nào giúp ngành sản xuất trong nước "dễ thở" hơn.

Hiệu ứng tích cực từ biện pháp phòng vệ đã giúp giá đường sản xuất trong nước nhích lên, đồng thời, giá thu mua mía của nông dân đã tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn.

Mới hôm qua, 23/11, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-BCT về việc duy trì biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia từ 44,39% đến 68,50%, sau một thời gian áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các sản phẩm này.

Kết quả điều tra chính thức cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc gia tăng đột biến. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

"Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, phát triển nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu", đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.

Gia tăng sử dụng biện pháp phòng vệ, nhưng phải hết sức am hiểu luật chơi và tuân thủ đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Dũng lưu ý.

Đơn cử, đơn đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ phải là đại diện của ngành, chứ không phải doanh nghiệp riêng lẻ. Đơn đề nghị phải chứng minh được có hành vi bán phá giá/trợ cấp/sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa (có số liệu chứng minh cụ thể về số lượng nhập khẩu gia tăng đột biến, và các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận ra sao), và phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hàng hoá nhập khẩu bị điều tra và thiệt hại.