Tăng giá than: Ảnh hưởng tới sản xuất phân bón và lợi nhuận của doanh nghiệp như thế nào?

01:54 CH @ Thứ Hai - 24 Tháng Mười, 2011

Kết thúc quý 3/2011, Công ty TNHH MTV phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đưa ra số liệu thực hiện như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 519,7 tỷ đồng; doanh thu đạt trên 1400 tỷ đồng; nộp ngân sách 88,9 tỷ đồng. So với kế hoạch còn lại 3 tháng cuối năm 2011, Công ty phải “gồng hết mình” để hoàn thành chỉ tiêu quý 4/2011, như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp 154,6 tỷ đồng; doanh thu 289,8 tỷ đồng, nộp ngân sách 30,6 tỷ đồng; trong đó sản phẩm chủ lực là phân đạm urê phải đạt trên 45.000 tấn. Hoàn thành được các chỉ tiêu này thì kết hoạch SX- KD năm 2011 của Công ty mới về đích thắng lợi.

Dựa trên năng lực sản xuất, thiết bị công nghệ, nguồn nhân lực, khả năng tài chính, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ, trình độ quản trị doanh nghiệp... thì mục tiêu kế hoạch sản xuất xuất 200.000 tấn phân urê của Công ty là hiện thực, không còn gì phải bàn.

Song, cái khó đang đặt ra ở đây là: Giá than tăng và chu kỳ tăng nhanh, nhịp độ tăng liên tục, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất phân đạm urê. Công ty phải phát huy mọi nguồn lực, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý kỹ thuật, đầu tư cải tạo, điều hành phương thức sản xuất phù hợp... nhằm giảm định mức tiêu hao, hạ giá thành thành sản phẩm để duy trì sản xuất ổn định, thực hiện nhiệm vụ cung cấp đạm với sản lượng tối đa cho sản xuất nông nghiệp và tham gia vào chương trình bình ổn giá theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Qua tìm hiểu về ảnh hưởng của giá than tăng đối với sản xuất phân đạm, có 2 nội dung chính mà tổ phóng viên chúng tôi tổng hợp được trong buổi làm việc với Lãnh đạo Công ty, cùng một số cán bộ các phòng ban kỹ thuật nghiệp vụ liên quan như sau:

Thứ nhất, đối với sản xuất phân đạm thì hai nguồn nguyên nhiên liệu chính là “than” và “điện”. Điện thì không phải mua vì Công ty tự sản xuất được. Chỉ còn than nói chung: bao gồm than cục (làm nguyên liệu) để sản xuất phân đạm và than cám (làm nhiên liệu) để sản xuất hơi nước làm tác nhân khí hoá than và chạy máy phát điện là phải mua của Tập đoàn Than – Khoáng sản Vinacomin. Mỗi năm, bình quân Công ty tiêu thụ khoảng 290.000 tấn than cám (làm nhiên liệu) và 160.000 tấn than cục (làm nguyên liệu) để sản xuất gần 200.000 tấn phân đạm urê. Nếu cộng cả than cám và than cục thì mỗi năm Công ty tiêu thụ tới 450.000 tấn. Con số không nhỏ một tý nào?

Thứ hai, Giá than cục thời điểm tháng 9/2011, mua tại Quảng Ninh là 3.320đ/kg, than cám là 1.782đ/kg. (chưa bao gồm thuế cước vận chuyển). Từ năm 2006 đến nay, giá than cục tăng gấp 5 lần, than cám tăng gấp 6 lần. Từ tháng 1/2011 đến tháng 9/2011 đã có 2 lần điều chỉnh giá theo hướng tăng dần. Lần thứ nhất, ngày
1/4/2011, giá than cục tăng 28,7% từ 2.175đ/kg lên 2.800đ/kg. Than cám tăng 40,9% từ 1.100đ/kg lên 1.550đ/kg. Lần thứ hai, ngày 25/8/2011, than cục tăng từ 2.800đ/kg lên 3.320đ/kg. Than cám từ 1.100đ/kg lên 1.782đ/kg đã làm gia tăng chi phí trong 9 tháng đầu năm là 163,8 tỷ đồng, dự kiến cả năm sẽ là 211,4 tỷ đồng.

Kiến nghị từ câu chuyện về tăng giá than:

- Hiện nay giá than bán cho sản xuất đạm đã theo giá thị trường không còn được bao cấp. Tuy nhiên, đạm urê phải tham gia bình ổn thị trường phân bón theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày24/02/2011 của Chính phủ. Do vậy, Công ty rất cần sự minh bạch và công khai trong việc cập nhật về giá than xuất khẩu với sự kiểm chứng của Kiểm toán, Tài chính, Hải quan, Thuế, cùng một số tổ chức độc lập khác. Khi áp giá than cho sản xuất phân đạm rất cần có sự thương thảo, hiệp thương giữa Công ty với Vinacomin, tránh tình trạng chỉ có thông báo của Bộ Tài chính rồi Vinacomin áp giá tức thời, rất mất bình đẳng như hiện nay.

- Trong hai đợt tăng giá than năm 2011 vừa qua Vinacomin thực hiện không theo Pháp lệnh giá mà mang tính áp đặt giá, đã bỏ qua giai đoạn hiệp thương giá. Do vậy đề nghị Vinacomin cần thực hiện đúng theo Pháp lệnh giá.

- Tình hình sẽ thiếu than vào năm 2015, do vậy trước mắt đề nghị Nhà nước hạn chế và không cho xuất khẩu than để giành cho sản xuất trong nước.

Nguồn: