Tiền lương sẽ tính theo cơ chế thị trường

08:49 SA @ Thứ Năm - 06 Tháng Mười, 2011

“Theo quan điểm của tôi chúng ta phải xác định vấn đề tiền lương trong dự án Luật - vấn đề tiền lương tiền công phải là giá trị sức lao động, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Không để doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu

Theo Ban soạn thảo, những sửa đổi, bổ sung về tiền lương trong dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) dựa trên các nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động.

Thảo luận về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại Thường vụ Quốc hội hôm nay (5/10) đối với vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh, tiền lương và tiền công là vấn đề lớn nhất trong quan hệ lao động, đây là gốc của nhiều vấn đề. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có việc đình công.

Theo ông Khoa, nếu chỉ có tiền lương tiền công xác định theo vùng thì chưa đáp ứng được, nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng lao động giá rẻ để họ đầu tư lợi nhuận của họ, nếu thế họ cứ lấy cái lương cuối cùng nhất để trả sẽ gây khó khăn cho người lao động – đây là sơ hở cho các DN lợi dụng.

“Quy định này trong dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu, theo quan điểm của tôi chúng ta phải xác định, tiền lương trong dự án luật này phải là giá trị sức lao động, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” – ông Khoa nhận định.

Đồng tình với ý kiến của ông Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng quy định về lương tối thiểu thì đúng nhưng phải viết thế nào cho rõ.

“Vừa rồi chúng tôi đi giám sát tối cao các DN thì thấy các DN nước ngoài lợi dụng quy định này hạ mức lương của công nhân. Bên họ (DN nước ngoài) 2-3 triệu/tháng thì công nhân bên mình (DN nhà nước) 3-4 triệu/tháng. Luật này phải làm thế nào để giải quyết được tình trạng đó, chứ khi được hỏi thì họ chỉ nói trong luật quy định như thế, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao hơn” - ông Dũng nêu.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, lương và lương tối thiểu là vấn đề cơ bản nhất trong quan hệ lao động, là cái quan tâm nhất, theo đó trong dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ quy định lương tối thiểu theo cơ chế thị trường phù hợp với sức lao động.

Làm thêm 200 giờ/năm hay 360 giờ/năm?

Dự thảo dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định về vấn đề làm thêm giờ, thay đổi cách tính thời giờ làm thêm từ theo năm sang theo tháng. Theo đó, thời giờ làm thêm tối đa trong một năm theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là 200 giờ (một số nhóm ngành là 300 giờ) được tăng lên 360 giờ (30 giờ/ tháng x 12 tháng) trong một năm.

Quy định này có 2 luồng ý kiến, trong đó đề nghị tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động để phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của nước ta.

Luồng ý kiến thứ 2 đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời gian làm thêm, tối đa là 200 giờ trong một năm trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Vì điều này phù hợp với điều kiện về thể chất của người lao động Việt Nam, và để tránh được việc người sử dụng lao động liên tục huy động làm thêm giờ để không tuyển thêm lao động.

Chính phủ đề nghị theo ý kiến thứ nhất. Theo đó, dự án luật quy định người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Được sự đồng ý của người lao động; Đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng; Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích, giờ làm thêm tăng 365 giờ tức là 45 ngày, nếu làm thêm gần như không có ngày chủ nhật, nếu khuyến khích làm thêm trong thời điểm lương thấp thì cũng là khuyến khích lao động giá rẻ, lao động không an toàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, trong thực tế nhu cầu làm thêm giờ là có thực, là nhu cầu từ 2 phía, tuy nhiên theo đánh giá các báo cáo của Chính phủ thì nên nghiên cứu thận trọng một số quy định cho người sử dụng lao động và người lao động.

Làm rõ quy định này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Truyền cho biết: “Tôi đồng ý với Ủy ban các vấn đề XH nên quy định từng loại làm thêm có từng quy định khác nhau, làm thêm ngày phải khác làm thêm ban đêm, ngày thường khác ngày lễ và ngày chủ nhật”.

Điều 100. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Nguồn: