Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh phân bón

02:24 CH @ Thứ Tư - 15 Tháng Tám, 2018

Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển cây trồng, được sử dụng với số lượng lớn, ước tính hàng năm sử dụng khoảng 11,5 triệu tấn trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Tuy vậy, việc triển khai quản lý hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến cuối năm 2017, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 14.318 sản phẩm, trong đó gồm 13.423 sản phẩm phân bón vô cơ, 713 sản phẩm phân bón hữu cơ, 182 sản phẩm phân bón sinh học.

Ước tính hiện có khoảng 20.000 sản phẩm phân bón đang sản xuất, lưu thông và sử dụng ở Việt Nam thuộc các trường hợp quy định chuyển tiếp tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP sẽ được thực hiện công nhận lưu hành trong thời hạn đến 20/9/2018.

Về sản xuất phân bón, hiện cả nước có 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động. Trong đó, gồm 565 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ với công suất hơn 26,7 triệu tấn/năm do Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) cấp phép; 180 cơ cở sản xuất phân bón hữu cơ với công suất hơn 2,5 triệu tấn/năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật) cấp phép hoạt động.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, so sánh với một số nước như Thái Lan (khoảng 100 nhà máy với hơn 1.000 sản phẩm) hay như Canada mặc dù có 228 nhà máy nhưng cũng chỉ có 1.043 sản phẩm thì số lượng sản phẩm phân bón ở nước ta hiện nay còn quá lớn, dư thừa rất khó kiểm soát, khó nhận diện cho cả cơ quan quản lý và người sử dụng.

Cân đối với nhu cầu sử dụng phân bón thì năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất trong nước hiện nay đã dư thừa gấp gần 3 lần nhu cầu sử dụng (khoảng 11,5 triệu tấn phân bón các loại, trong đó có khoảng 10,5 triệu tấn phân bón vô cơ chiếm 90,8%; phân bón hữu cơ, phân bón sinh học khoảng 1,0 triệu tấn chiếm 9,2%).

Bên cạnh đó, hiện nay, có 12 phòng thử nghiệm đã được chỉ định để thực hiện kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế trong phân bón. Số lượng chỉ tiêu kiểm tra được thay đổi tùy thuộc vào năng lực của từng phòng thử nghiệm. Về cơ bản, số lượng phòng thử nghiệm đã đáp ứng được yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với phân bón. Tuy nhiên, trong số các phòng thử nghiệm nói trên, số lượng phòng thử nghiệm có thể thực hiện kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh vật còn rất ít, chỉ có 4/12 phòng có thể thực hiện được nội dung này.

Một trong những vấn đề đang gặp phải hiện nay đối với hệ thống phòng thử nghiệm chất lượng phân bón là chưa có phòng thử nghiệm kiểm chứng, đối chứng đủ năng lực để làm trọng tài. Điều này cũng gây khó khăn nhất định cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, để quản lý hiệu quả phân bón trong thời gian tới, về cơ chế chính sách, đối với Dự thảo Luật Trồng trọt cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm một số quy định nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và hạn chế kẽ hở trong cơ chế, chính sách. Về cơ bản, các quy định tại chương phân bón trong Dự thảo Luật Trồng trọt duy trì các quan điểm quản lý của Nghị định 108/2017/NĐ-CP, trong đó đã làm rõ, bổ sung thêm một số thuật ngữ, định nghĩa cho phù hợp với thực tế phát triển hiện nay và bổ sung, cụ thể hóa các quy định về chính sách để khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ. Riêng về vấn đề này, bổ sung các cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ ở quy mô nông hộ, rộng khắp cả nước.

Cùng với đó, làm rõ hơn các cơ chế, chính sách ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến, đặc biệt là các công nghệ sạch, thân thiện môi trường, công nghệ có sử dụng nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam.

Về khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư cho các nghiên cứu khoa học về lĩnh vực phân bón. Phối hợp chặt chẽ với các viện, trường nghiên cứu các quy trình canh tác gắn với sử dụng phân bón. Định kỳ đánh giá hiệu quả sử dụng phân bón gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, khuyến khích tiếp cận, ứng dụng và triển khai các công nghệ, dây chuyền sản xuất phân bón theo hướng an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý, phối hợp với các cơ quan báo, đài, các bộ, ngành chức năng, hội, hiệp hội tổ chức thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; tuyên truyền giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm phân bón là thật, giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; những hậu quả, tác hại của việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón giả, kém chất lượng.

Song song với đó, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mẫu trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Giám sát chặt chẽ đối với việc quảng cáo phân bón.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phân bón, chủ động tham gia tích cực vào thị trường phân bón quốc tế. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế để chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất phân bón phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Mặt khác, tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành tổng kiểm tra về chất lượng phân bón đang sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phân bón không đáp ứng điều kiện theo quy định, các sản phẩm phân bón chưa được công nhận lưu hành, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hàm lượng, công dụng. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón./.

Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN