Vì sao lãi suất huy động VND tăng?

09:39 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Sáu, 2010
(LĐ) - Hai tuần qua, thị trường tiền tệ nóng lên với lãi suất huy động VND liên tục tăng. Vì sao lãi suất thị trường lại đang không thuận chiều với quyết tâm hạ mặt bằng lãi suất kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước?

Lãi suất (LS) huy động VND tại một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng sát 12%/năm. Đây mới là LS danh nghĩa, LS thực (có thêm khuyến mãi, thưởng tiền...) còn cao hơn. LS liên ngân hàng cũng tăng nhẹ so với trước đó. Mặt bằng LS cho vay VND hiện vẫn đang ở quanh mức 14-16%/năm. Mục tiêu hạ LS huy động xuống mặt bằng như năm 2007 (LS huy động khoảng 10% và LS cho vay khoảng 12%/năm) đang ngày càng trở nên xa vời.

Giống như mọi lần, bao giờ các NHTM CP quy mô nhỏ cũng là người đầu tiên công bố tăng LS, nhưng chắc họ cũng cực chẳng đã làm như vậy vì phải cạnh tranh với các “ông lớn” NHTM nhà nước. Những “ông lớn” này tuy công bố mức LS cao nhất 11,5%/năm, nhưng cũng cộng thêm mọi khuyến mãi đến 12%/năm từ lâu rồi.

Cung thấp, cầu cao luôn là nguyên nhân khiến giá vốn tăng. Nhưng đáng chú ý là mức tăng tín dụng 5 tháng đầu năm so cùng kỳ và so hạn mức tín dụng của năm 2010 đang ở mức thấp. Vì vậy, nguyên nhân tăng LS huy động VND hiện nay được cho là đối phó với quy định của NHNN, nhu cầu vốn đổ vào đầu tư bất động sản và nỗi lo thanh khoản cuối năm...

Đối phó với NHNN

Việc NHNN ấn định tỉ lệ khống chế số dư vốn huy động của các NHTM từ thị trường liên ngân hàng không vượt qua 20% huy động từ các tổ chức và dân cư đã khiến nhiều NH, nhất là các NHTMCP quy mô nhỏ (luôn là con nợ lớn của các NH khác) phải hạ tỉ lệ này xuống bằng cách tăng LS huy động hút thêm vốn của tổ chức và dân cư.

Cũng theo quy định của NHNN, tỉ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn của mỗi NHTM để cho vay trung, dài hạn không được vượt quá 40%. Điều này rất khó thực hiện với nhiều NHTM vì sự bất cân đối giữa huy động và sử dụng vốn trung, dài hạn đang rất lớn. Vì vậy, cũng để đảm bảo tỉ lệ khống chế trên, các NH đã tăng LS huy động để tăng số dư nguồn vốn ngắn hạn.

Vốn "nóng" đổ vào đầu cơ bất động sản


Từ giữa năm 2009 đến nay, nhiều khu vực tại TPHCM và Hà Nội lại bùng lên các cơn sốt đất, đặc biệt là ở Hà Nội. Sau khi diễn ra triển lãm đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tổ chức cuối tháng 4, đầu tháng 5.2010), trong đó có đề cập đến trục Thăng Long và trung tâm hành chính quốc gia mới sẽ chuyển lên Ba Vì, giá đất phía tây Hà Nội có biểu hiện sốt ảo và kéo theo giá đất của các khu vực theo dự kiến quy hoạch là đô thị vệ tinh.

Chưa có thống kê nào cho biết nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS vừa qua là bao nhiêu; chỉ biết rằng tốc độ tăng dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS ở Hà Nội 5 tháng đầu năm rất cao so tốc độ tăng dư nợ chung.

Hiện tượng tung tiền đặt cọc rồi thổi giá và mua đi bán lại kiếm lời diễn ra phổ biến. Chắc phải có một nguồn vốn lớn vay từ ngân hàng, rút từ tiền gửi ngân hàng và không loại trừ khả năng bản thân các NHTM (thông qua các công ty con, quỹ đầu tư) cũng tham gia những phi vụ này. Vì vậy, nhu cầu vốn tăng mạnh trong tháng 5 khiến LS huy động tăng.

"Phòng thân"

Các doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu; khoảng 20 NHTM phải tăng vốn điều lên 3.000 tỉ đồng theo quy định; nhiều công ty niêm yết thực hiện tăng vốn theo kế hoạch năm 2010; nhu cầu vốn tín dụng tăng cao trong quý III, IV; chuẩn bị thanh khoản cho dịp tết dương lịch... là những nhân tố báo trước cầu vốn từ nay đến hết năm 2010 rất lớn, cạnh tranh nguồn vốn sẽ hết sức căng thẳng. Vì vậy, hầu như NH nào cũng có chiến lược “phòng thân” hút vốn ngay từ bây giờ. Chẳng NH nào muốn mình là kẻ chậm chân.

Kẻ đi vay đã vậy, người có vốn (tổ chức và dân cư) khi thấy các NH cứ luôn “cựa quậy” tăng LS cũng kỳ vọng LS sẽ còn cao nữa nên không muốn gửi kỳ hạn dài, chỉ gửi 3 tháng trở xuống để chuyển kỳ hạn khi có mức LS mới hoặc mặc cả với các NH đòi LS cao hơn.

Xu hướng chính sách tiền tệ

LS huy động VND tăng đang khiến cho NHNN khó khăn hơn trong việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng LS thị trường những tháng cuối năm 2010. Chắc NHNN sẽ phải tăng lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông hàng tháng, tăng cho vay tái cấp vốn đối với các NHTM nhà nước để có điều kiện tiếp tục giảm LS cho vay đối với chi phí sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc điều hành nghiệp vụ thị trường mở sẽ linh hoạt với kỳ hạn dài hơn và đa dạng, khối lượng chào mua lớn hơn. Biện pháp giảm LS chào mua có thể cũng được tính đến để phát tín hiệu giảm LS. Trong nhận định của một tổ chức nói: “ Với những diễn biến đó, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới lượng cung tiền của NHNN ra thị trường mở sẽ tăng lên. Đây thực chất là một chính sách nới lỏng tiền tệ để hạ lãi suất thị trường xuống”.

Nguồn: