VINACHEM: Kiến nghị được áp thuế VAT 0% hoặc 5% với phân bón

08:50 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Tư, 2020

Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (gọi tắt là Luật 71), từ 01/01/2015, phân bón từ mặt hàng chịu thuế VAT 5% được chuyển thành đối tượng không chịu thuế VAT. Tưởng rằng việc làm nàykhuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần nhập khẩu thì nông dân sẽ được hưởng lợi, nhưng thực tế việc này không thực hiện được, còn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Khó chồng khó khi dịch Covid-19 hoành hành, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang phải ‘gồng mình” để đảm bảo về nguồn nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng chung với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sửa chữa máy móc thiết bị...

Trong thời gian qua, Tập đoàn và các đơn vị của Tập đoàn đã quyết liệt thưc hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh COVID- 19 đến sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2020 các đơn vị thuộc Vinachem giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với nhóm ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: Giá trị sản xuất giảm 15,7%, doanh thu giảm 2,9%.

Bên cạnh những khó khăn chung trong đại dịch mà các hầu hết các doanh nghiệp gặp phải, các doanh nghiệp phân bón còn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi một chính sách thuế mà 5 năm nay chưa xử lý được

Trụ sở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Chính sách thuế kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp

Luật thuế 71/2014/QH13 đưa mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã dẫn đến một số bất cập sau đây: Do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ, khiến chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên. Doanh nghiệp buộc phải tính vào chi phí giá thành sản phẩm nên không hạ được giá bán.

Chi phí giá thành tăng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, đặc biệt phân bón nhập từ Trung Quốc do phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Do vậy, phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu, khiến phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất. Sản lượng phân bón sản xuất trong nước không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng. Khi đó nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt, lúc đó thiệt hại thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất trong nước và người nông dân. Cụ thể, khi thực hiện Luật 71/2014/QH13 thì giá thành phân đạm tăng 7,2%- 7,6%; phân DAP tăng 7,3%- 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5%- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2%-6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tăng giá bán sản phẩm, do vậy người nông dân phải gánh chịu mà không được hưởng lợi từ quy định của Luật thuế 71/2014/QH13.

Ước tính trong 05 năm, kể từ khi Luật thuế 71/2014/QH 13 được áp dụng, thuế GTGT đầu vào đã làm tăng chi phí sản xuất phân bón của các đơn vị sản xuất trong nước, cụ thể đối với Vinachem thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí là 3.646 tỷ đồng; Thuế GTGT không được khấu trừ tính vào tổng mức đầu tư, tăng nguyên giá TSCĐ, trong 4 năm (2014-2018) là 118,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, phân bón nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga và Trung Đông có thuế nhập khẩu bằng 0%. Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững, kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp- nông nghiệp- nông dân và nông thôn.

Sản xuất phân bón tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc

Đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp

Để hỗ trợ nông dân, khuyến khích ngành nông nghiệp phát triển bền vững, và tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, một mặt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Vinachem, Vinachem đã nhiều lần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, và Hiệp hội đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính,….và một số cơ quan khác về việc sửa đổi Luật số 71, đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 0% hoặc 5%. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tại Văn bản số 7050/VPCP-KTTH ngày 08 tháng 9 năm 2015, trong đó “đối với phân bón, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện năm 2015 để đề xuất sửa đổi trong năm 2016”. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 03 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và để tạo điều kiện cho các đơn vị của Tập đoàn ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn, mới đây, Vinachem có văn bản số 538/HCVN- KHKD, ngày 09 tháng 4 năm 2020 gửi Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị Hiệp hội Phân bón có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%, thay vì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT như hiện tại.

Sản phẩm phân bón tại Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền

Bởi khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân.

Việc thay đổi đó không những giúp cho các doanh nghiệp phân bón có động lực đầu tư công nghệ, thúc đẩy sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón hữu cơ, giảm giá thành sản phẩm… mang lại sản phẩm phân bón chất lượng tốt, giá bán hợp lý cho người nông dân, đồng thời ngân sách Nhà nước còn thu thêm một khoản thuế GTGT không nhỏ từ doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào (không làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và không tăng giá bán phân bón cho nông dân).

Cả hai trường hợp trên thì phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước có môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng; tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích lâu dài của nông dân, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững./.