Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng xây dựng văn hóa địa phương tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

10:06 SA @ Thứ Tư - 28 Tháng Tám, 2024

Tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, bởi văn hóa chính là hồn cốt tinh thần của dân tộc. Có vai trò soi “Soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa đúng nghĩa là những giá trị tinh túy được trưng cất trở thành những giá trị cao đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn và tiến bộ nhất.(1)

Văn hóa là “cái nôi” nuôi dưỡng nhận thức và niềm tin

Nhận diện giá trị, vai trò của văn hoá chính là tìm ra những nét riêng, giá trị riêng của văn hoá ở mỗi vùng, mỗi tộc người, mỗi tỉnh thành… Từ đó, phát huy được vai trò của văn hoá đối với sự phát triển của từng địa phương, từng vùng trong sự phát triển chung của quốc gia.

Vai trò và giá trị của văn hóa cần được hiểu là sức mạnh nội sinh và là một yếu tố - nội dung mang tính bản chất của phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái của mỗi địa phương. Khi nhận thức “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển” ở mỗi địa phương thì cần nhận diện: văn hóa nằm ở đâu, trong các chủ thể nào trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái của địa phương. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, vì vậy có những giá trị văn hóa riêng; không có một mô hình chung, toàn diện cho tất cả.

Vai trò của văn hóa nằm trong tất cả các chủ thể, tổ chức và các đối tượng trong một quốc gia, khu vực, địa phương. Văn hóa tác động vào các chủ thể thông qua con người và hoạt động của con người ở mỗi địa phương. Các chủ thể xã hội ở mỗi địa phương chịu tác động của văn hóa địa phương. Văn hóa có ảnh hưởng to lớn, sâu sắc và lâu dài đối với sự phát triển của địa phương đó, thông qua các hệ giá trị văn hoá là nền tảng và nguồn lực. Trong đó nguồn lực vật chất của văn hoá là thứ dễ nhận diện, khai thác, phát huy và có thể trở thành nguồn lực sinh kế cho cộng đồng cư dân địa phương, thông qua khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch và công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế... Tuy nhiên, bên cạnh giá trị vật chất của văn hóa, hệ giá trị tinh thần của văn hóa vùng miền, địa phương mới là nguồn lực nội sinh quan trọng. Đây là nguồn lực không dễ nhận biết để khai thác, phát huy vì nó ẩn chứa trong đời sống thường ngày của cộng đồng, của mỗi cá nhân. Những giá trị tinh thần của văn hóa được biểu hiện qua lối sống, tập quán, tri thức, bản tính địa phương, các mối quan hệ tộc người, dòng họ đan xen bởi cả các yếu tố truyền thống và đương đại… Những giá trị này ở mỗi địa phương, mỗi tộc người lại có những sắc thái, giá trị khác nhau, tạo nên bản sắc riêng, giá trị riêng mang tính tộc người, vùng miền mà chúng ta cần nhận diện để xây dựng thành hệ giá trị văn hoá mang tính đặc thù trong bối cảnh chung của nền văn hoá quốc gia, từ đó phát huy vai trò giá trị của văn hoá trong xây dựng chiến lược phát triển của từng địa phương.

Dấu ấn văn hóa địa phương với nhiều giá trị tốt đẹp có vai trò tạo nên tình yêu thương, sự gắn kết, lòng bao dung và tinh thần dám hy sinh. Khắp nơi trên mảnh đất xinh đẹp Việt Nam này đều có thể thấy rõ điều đó. Điển hình là ở Làng Sen – quê Bác. Vùng đất còn nghèo khó nhưng xuất hiện nhiều anh hùng trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước, thường xuyên đối đầu với giặc giã, thiên tai nhưng trong đau khổ vẫn gan góc, trong mất mát vẫn kiên cường. Người Làng sen vẫn tin những điều tốt đẹp ở tương lai, trong đó có Bác Hồ, vị Chủ tịch đáng kính của chúng ta. Và Bác tin rằng sẽ có con đường giải phóng quê hương, dân tộc mình thoát khỏi tình cảnh bị ngoại xâm giày xéo. Với niềm tin như thế, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác về quê hương, lập những nền móng đầu tiên, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tư tưởng của Bác và Chủ nghĩa Mac – Lê nin đã trở thành nền tảng tư tưởng vững chắc cho Đảng. Nền tảng tư tưởng ấy đã giúp Đảng ta lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Thời bình, nền tảng tư tưởng tiếp tục là kim chỉ nam cho mọi hành động, từng bước đưa nước ta thoát khỏi tình trạng đói nghèo, trở thành nước đang phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Mối quan hệ giữa việc xây dựng văn hóa địa phương và công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Văn hóa địa phương là một trong những mặt trận giúp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội mà Đảng là một bộ phận tiên tiến của xã hội. Chính vì thế, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng chính là xây dựng Đảng. Công cuộc xây dựng Đảng bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bởi bất kì một chính đảng nào muốn tồn tại và phát triển đều phải có nền tảng tư tưởng vững chắc. Nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam là Chủ nghĩa Mac – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng đó là sự kết tinh của chủ nghĩa xã hội khoa học, của những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc. Vậy nên, văn hóa cũng chính là một trong những mặt trận giúp bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng. Đặc biệt là văn hóa địa phương. Như đã nói, văn hóa địa phương là cái nôi nuôi dưỡng niềm tin và phẩm chất của một con người. Điều quan trọng là sự nuôi dưỡng đó thuận theo tự nhiên, phù hợp với bối cảnh quê hương xứ sở và phù hợp với niềm tin cũng như những giá trị tốt đẹp mà con người ở địa phương đó hướng đến. 
Khi tổ quốc bị lâm nguy mà văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa địa phương nói riêng vẫn còn giữ được những giá trị hồn cốt của mình thì đất nước sẽ khó mà mất đi. Mất văn hóa là mất Tổ quốc. Ngược dòng thời gian lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy rằng, chính quyền đô hộ lúc bấy giờ đã thi hành rất nhiều chính sách khác nhau để đồng hóa dân ta. Chúng ép dân ta phải làm theo những nghi lệ, phong tục Hán. Tuy nhiên, người Việt vẫn nghe – nói, truyền lại cho con cháu tiếng mẹ đẻ; vẫn duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, các vị thần... Ẩn mình sau lũy tre làng, dân ta vẫn kiên quyết giữ cái gốc của người Việt bằng cách bảo tồn phong tục nhuộm răng, ăn trầu, búi tóc, làm bánh chưng, bánh giày…

Trong thời đại mới, với xu hướng toàn cầu hóa, các thế lực thù địch không tấn công nước ta bằng súng đạn nữa mà bằng con đường “diễn biến hòa bình”. Chúng khiêu khích, chia rẻ, xuyên tạc chế độ, mua chuộc một số người có tư tưởng không vững vàng để phá hoại nền tảng tư tưởng Đảng. Trong bối cảnh đó, văn hóa địa phương với lợi thế là sự gần gũi và tự nhiên của mình sẽ là mặt trận quan trọng để giáo dục, định hướng tư tưởng cho người dân, đồng thời giúp những người lỡ lầm đường lạc lối tìm thấy hướng để sửa đổi và trở lại với con đường đúng đắn. Thủ đoạn chống phá trên mặt trận văn hóa của chúng chính là thông qua “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, xuyên tạc, bôi nhọ, đả kích bản sắc văn hóa dân tộc; đặc biệt  là truyền thống văn hóa, văn nghệ cách mạng, lối sống XHCN, những giá trị tinh thần của chế độ XHCN; truyền bá văn hóa, lối sống tư tưởng phương Tây vào nước ta – lối sống thực dụng, vụ lợi cá nhân, sùng bái đồng tiền, dâm ô, trụy lạc phi nhân tính…; kích thích sự phục hồi, phát triển lối sống mê tín dị đoan, tôn thờ chủ nghĩa hữu thần; tìm hiểu, móc nối, mua chuộc, lôi kéo, kích động trí thức, văn nghệ sĩ có tư tưởng bất mãn, thù địch, cơ hội, hữu khuynh cực đoan, sa đọa về đạo đức,… vào con đường phản bội, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân; tìm cách thao túng, lũng đoạn, chi phối các cơ quan, tổ chức văn hóa, văn nghệ làm cho văn hóa, văn nghệ đi chệch định hướng XHCN.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa ở địa phương một khi được tổ chức hiệu quả sẽ là “tấm khiêng” vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không một thế lực thù địch nào dám đối đầu. Bởi kết quả của những hoạt động văn hóa ý nghĩa đó là vun đắp tình yêu quê hương, lòng yêu nước; lòng tự hào với các truyền thống văn hóa dân tộc; cùng ý thức chủ quyền đất nước, sự hiểu biết và sẵn sàng đứng ra bảo vệ quê hương, bảo vệ chế độ khi có ai đó cố tình phá hoại sự bình yên và thịnh vượng.

Nền tảng tư tưởng của Đảng góp phần xây dựng nền văn hóa địa phương tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc

Ngay từ sau khi thành lập năm 1930, Đảng ta đã xác định rõ văn hóa là một trong 3 mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) mà ở đó người cộng sản phải hoạt động. Nghĩa là hoạt động của văn hóa phải có sự lãnh đạo của Đảng. Bởi văn hóa là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng, tác động to lớn đến các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển đất nước. Để gắn kết các lĩnh vực, hướng tới xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì vấn đề có tính nguyên tắc là Đảng lãnh đạo văn hóa, đặc biệt là văn hóa địa phương.

Nguyên tắc này được Đảng ta vận dụng sáng tạo, để vừa định hướng vừa không cản trở khả năng sáng tạo của văn hóa. Cụ thể, về nội dung, Đảng lãnh đạo toàn diện từ chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức đến cán bộ. Về phương thức, Đảng lãnh đạo thông qua các văn kiện, chủ trương, chính sách; cùng với đó là việc thực hiện các thể chế, thiết chế về văn hóa. Trong đó, vấn đề có tính then chốt là Đảng lãnh đạo văn hóa thông qua công tác cán bộ trong ngành văn hóa, rèn luyện cán bộ chấp hành đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, Đảng lãnh đạo văn hóa còn thông qua các tổ chức Đảng và sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Ngoài ra, Đảng lãnh đạo văn hóa còn thông qua công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, Đảng kịp thời nắm bắt tình hình, đánh giá mức độ đi vào đời sống của các quan điểm, chủ trương, chính sách để có thể chỉ đạo kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng văn hóa, cũng như thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng.

Hoạt động văn hóa nói chung và văn hóa địa phương nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ và bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa đã mang lại nhiều thành tựu to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng rút ra được những bài học kinh nghiệp quý báu. Chính những điều đó đã và đang tạo tiền đề cho sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Điểm chunggiữa việc xây dựng nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng là hướng đến con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển toàn diện trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tự nhiên và xã hội. Mối quan hệ giữa xây dựng văn hóa địa phương và công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng là mối quan hệ giữa bảo vệ và xây dựng. Văn hóa địa phương là một trong những mặt trận giúp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nền tảng tư tưởng của Đảng góp phần xây dựng nền văn hóa địa phương tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Những vấn đề đặt ra trong xây dựng nền văn hóa địa phương gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta

Trong suốt hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng việc kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã góp phần mang lại những thành quả cách mạng to lớn trong đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng phát triển đất nước. Nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, phong trào đã thật sự trở thành phong trào quần chúng rộng rãi vì hợp lòng dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng nhờ thế mà từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể; diện mạo nông thôn được khởi sắc, nhựa và bê tông hóa ấp liền ấp, thôn liền thôn; mối quan hệ “tình làng nghĩa xóm” thêm thắt chặt. Bên cạnh đó, kết quả của phong trào còn mang đến nhận thức tốt hơn về chấp hành pháp luật của người dân, hệ thống chính trị ở cơ sở vì thế được củng cố thêm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Mặt khác, nhờ sự quan tâm sâu sát của Đảng và chính quyền các cấp mà việc đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa dần dần được chú trọng hơn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân được thực hiện thường xuyên và sáng tạo. Những điều trên đã góp phần quan trọng vào việc hình thành niềm tin của nhân dân dành cho Đảng và chế độ. Đồng thời, thông qua các hoạt động văn hóa lành mạnh, người dân được vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. 

Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận sự lãnh đạo của đảng đối với văn hóa. Và văn hóa với đặc thù là một “cửa mở” luôn là nơi các thế lực thù địch lựa chọn để tấn công. Chúng dựa vào đặc điểm văn hóa xã hội đặc thù ở một địa phương nhất định để kích động tâm lý chia rẻ, cổ xúy cho lối sống chạy theo hưởng thụ, giải trí; khắc họa, khắc sâu tâm trạng trống rỗng, hoài nghi, mất niềm tin vào ý nghĩa cuộc sống, mục đích là để tạo ra sự đứt gãy, tan dã từ bên trong đời sống tinh thần xã hội ở Việt Nam. Từ đó tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực tiễn xây dựng nền văn hóa địa phương tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trong giai đoạn hiện nay đã đặt ra một số vấn đề như sau: (2)

Thứ nhất, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo đó, Ðảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, nâng cao tầm vóc con người; phát huy sự sáng tạo của người dân; nâng cao giá trị thụ hưởng vật chất, văn hoá tinh thần. Xây dựng những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn và phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá của quốc gia, dân tộc với giá trị thời đại.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cộng đồng... đều phấn đấu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, chuẩn mực, tiến bộ. Gắn xây dựng môi trường văn hoá với bảo vệ môi trường sinh thái. Ðưa nội dung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trở thành phong trào thi đua rộng khắp ở địa bàn dân cư. Các giá trị văn hoá truyền thống gia đình được phát huy, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; vợ chồng hoà thuận, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền.

Thứ ba, xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế. Xây dựng văn hoá trong Ðảng, trong các cơ quan Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội... là một trong những giải pháp góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất, đạo đức, lý tưởng cao đẹp, tận tuỵ, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Ðồng thời, quan tâm xây dựng văn hoá trong lĩnh vực kinh tế. Theo đó, một mặt vừa tạo khung pháp lý phát triển kinh tế thị trường, một mặt khuyến khích xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá thị trường, văn hoá cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với quốc tế; phát huy ý thức và tinh thần tự tôn dân tộc để xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam, sản phẩm, dịch vụ... uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá. Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục huy động sức mạnh của toàn xã hội để xây dựng thiết chế văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống song song với cổ vũ sáng tạo những giá trị văn hoá mới, tiến bộ, hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu, làm phong phú văn hoá dân tộc.

Thứ năm, phát triển công nghiệp văn hoá gắn với xây dựng thị trường văn hoá. Ðảng và Chính phủ chủ trương tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá, tiến tới nâng cao giá trị thụ hưởng văn hoá của người dân. Nhất là, từng bước xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số mà Ðảng và Chính phủ đang chủ trương thực hiện.

Thứ sáu, chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Ðây là chủ trương xuyên suốt của Ðảng ta trên cơ sở khoa học, biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Song, hội nhập quốc tế về văn hoá phải chọn lọc, kế thừa, phát triển những nền văn hoá tiên tiến, giàu bản sắc của nhân loại. Ðồng thời, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hoá về văn hoá.

Do đó đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường công tác xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động và khơi dậy tiềm năng văn hóa văn nghệ trong nhân dân; thông qua đó để văn hóa từng bước là hạt nhân nòng cốt trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Công tác quản lý văn hóa theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương tại Công ty CP Bột giặt LIX (LIXCO)

Mục tiêu chung trong định hướng xây dựng văn hóa đó chính là hướng con người đến sự phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện –mỹ, thấm nhuần tư tưởng tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu chung dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 
Để hướng đến sự phát triển toàn diện ấy, LIXCO đã xây dựng Văn hóa doanh nghiệp và phát triển nó theo từng ngày để định hướng cho tất cả nhân viên tạo ra một giá trị riêng cho mình, một giá trị đầy tính nhân văn trong suy nghĩ và hành động mà chúng tôi gọi đó là “Gen” của người LIX.

Chúng ta phải biết yêu quý, tôn trọng bản thân, biết chăm lo cho gia đình, cống hiến hết mình vì nơi chúng ta làm việc mang lại giá trị giúp ích được cho xã hội để đất nước mới phát triển. Đó cũng là yêu nước. Với quan điểm người có tài mà không có “Thiện” thì cái tài đó chỉ nằm ngang với lợi ích cá nhân, không thể nào có ích cho công ty hoặc cho xã hội. Cán bộ công nhân viên LIXCO làm việc chuyên nghiệp, luôn thể hiện cam kết, luôn sáng tạo để cải tiến công việc hàng ngày… làm cho công ty ngày càng phát triển là bắt nguồn từ tính “Thiện”. Khi có tính “Thiện” chúng ta làm việc gì cũng dễ thành, quyết định việc gì cũng sáng suốt, từ đó công việc luôn thuận lợi, kết quả kinh doanh đạt cao hơn. Văn hóa doanh nghiệp LIX luôn hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động LIX đến chữ “Thiện”, nó định hướng đúng tư duy và điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên, người lao động LIX, là nét đặc trưng và độc đáo nhất của văn hóa LIX được duy trì và nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ lãnh đạo của Công ty. Trong đời chữ “Thiện” được hiểu nôm na là tấm lòng, truyền thống văn hóa của LIX là gắn bó, là trung thành. Trong quá khứ cán bộ, đảng viên, người lao động LIX đã thành công vì nét văn hóa cao đẹp này thì trong tương lai, cán bộ, đảng viên, người lao động LIX vẫn lấy chữ “Thiện” làm trọng, phát huy những giá trị trong quá khứ để phát triển văn hóa LIX mạnh mẽ và trường tồn trong tương lai. 

Xoay quanh chữ “Thiện” mà chúng tôi hướng tới đó chính là giá trị 5T. Giá trị 5T của LIX là niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động LIX, là những định hướng về thái độ và hành vi giúp cán bộ, đảng viên, người lao động LIX đạt đến những điều cao đẹp. Khi hiểu và thực hiện theo những giá trị cốt lõi này mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động có thể tự hào nói rằng: “Tôi là người LIX”. 

Lời nói, lời hứa chỉ có giá trị khi chúng đi cùng với việc làm cụ thể, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, cái tích cực, nói không với tiêu cực, thẳng thắn nhận khuyết điểm của cá nhân, chia sẻ khéo léo và chân thành với đồng nghiệp về khuyết điểm của họ để chúng ta cùng nhau phát triển mỗi ngày, đó là chính là sự “Trung thực”.

Cán bộ, đảng viên, người lao động LIX hướng đến sự “Trung thành”, hướng cho mỗi người đến tinh thần luôn làm việc chăm chỉ, gắn bó lâu dài vì sự phát triển của Công ty, luôn nổ lực hết mình và đặt lợi ích của Công ty lên trên lợi ích cá nhân, Công ty phát triển thì tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động mới phát triển, đời sống mới được nâng cao. 

Một tập thể đoàn kết , một tổ chức vững mạnh đó là một tập thể, một tổ chức phải “Tôn trọng” và “Tin tưởng” lẫn nhau, LIX cam kết tạo một môi trường làm việc bằng tất cả sự tôn trọng: cấp dưới tôn trọng cấp trên, cấp trên tôn trọng cấp dưới. Tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau trong công việc từ đó để xây dựng một LIXCO đoàn kết, vững mạnh.

Và điều quan trọng cuối cùng chính là sự “Tận tâm”, chỉ có làm việc tận tâm thì LIX mới cho khách hàng thấy được những trải nghiệm tốt khi sử dụng sản phẩm của  mình. Thương hiệu của LIX có thể ngày một phát triển và đi đến gần hơn với nhiều khách hàng, sự khác biệt của LIX đến từ sự cống hiến thực sự bằng cả tấm lòng của người LIX, sự khác biệt ấy được tạo ra chính là nhờ Văn hóa doanh nghiệp, nét đặc trưng và riêng biệt của LIXCO chúng tôi./.

Trích dẫn
(1). Trích câu nói của Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn thì dân tộc còn, Văn nghệ sỹ phải mang khát vọng lớn” của Đỗ Ngọc Dũng.
(2). Trích dẫn phần “Phát huy sức mạnh văn hóa trên các lĩnh vực” trong bài viết “Văn hóa góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Đỗ Chí Công.