Vị trí, vai trò của văn hoá trong thời kỳ hội nhập
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và rộng, việc hiểu rõ cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, giúp con người Việt Nam đứng vững trước những tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập quốc tế, từ đó củng cố thêm tình yêu văn hóa dân tộc trong lòng mỗi người.
Việt Nam chúng ta đã từng trải qua ngàn năm đô hộ, đã từng bị áp đặt chính sách “đồng hoá” bởi những nền văn hoá rất mạnh như Trung Hoa hay phương Tây nhưng dân tộc ta còn trường tồn và hiện hữu đến bây giờ chính là nhờ văn hoá mà các thế hệ tiền nhân đã gây dựng. Văn hoá là để chúng ta biết chúng ta là ai, biết chúng ta giống nhau ở điểm gì và khác với các dân tộc khác ở điểm gì. Văn hoá tạo cho chúng ta tiền đề để phát triển kinh tế xã hội, văn hoá cũng là kết tinh, hội tụ sức mạnh để duy trì nòi giống.
Về vị trí, vai trò của văn hóa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” . Quan trọng hơn nữa, Người đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác. Văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”. Đời sống xã hội được xây dựng, kết cấu đan cài từ bốn lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Từ đó, một trong những vấn đề cơ bản, hệ trọng đặt ra là phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lĩnh vực văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội.
Ghi nhớ lịch sử là “tấm áo giáp” để gìn giữ, bảo tồn văn hoá
Chúng ta, không chỉ cần phát triển mạnh về vật chất, về kinh tế mà còn cần phát triển về sức mạnh tinh thần tương xứng. Và “một dân tộc vứt bỏ hoặc quay lưng với lịch sử văn hóa của mình thì không chỉ không thể phát triển được, mà rất có thể tương lai còn phải hứng chịu bi kịch của lịch sử”. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Giá trị lớn nhất của lịch sử là giúp chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm từ quá khứ, hiểu rõ về cội nguồn văn hoá của quê hương, đất nước; từ đó biết quý trọng những giá trị văn hoá tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại, tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá đó trong hiện tại và tương lai. Nói cách khác, lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, niềm tự hào với những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc.
Để có thể trang bị cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ “tấm áo giáp” vững chắc trước những ngón đòn thâm độc của các thế lực thù địch đang ngày đêm không ngừng ra sức xuyên tạc và chống phá văn hoá truyền thống dân tộc, thì giáo dục lịch sử là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhìn lại quá khứ, trong những thời kỳ khó khăn, gian khổ, nước sôi lửa bỏng, lịch sử hào hùng đã luôn là chỗ dựa, là niềm tự hào để toàn dân tộc vươn lên.
Thế nhưng, ngay trong thời bình, ấm no, hạnh phúc, đáng buồn là đã có sự xao nhãng nhất định trong câu chuyện giáo dục lịch sử. Để dẫn đến kết quả là giới trẻ không nhớ về sử, hiểu sai lịch sử và thậm chí là không quan tâm đến lịch sử. Mà không có kiến thức lịch sử thì làm sao hiểu được dân tộc, đất nước mình, làm sao hình thành nên bản lĩnh, bản sắc. Một đất nước mà không có bản lĩnh, bản sắc thì hòa nhập sẽ trở thành hòa tan. Và cùng với tác động những thủ đoạn xuyên tạc lịch sử thâm độc thì nhiều hệ quả nguy hiểm có thể thấy rõ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lịch sử luôn là một trong những môn học có điểm số thấp nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia. Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3 điểm, tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình là 70%. Năm 2021, môn lịch sử tiếp tục “gây sốc” khi có đến 540 điểm liệt, cao nhất trong tất cả các môn thi. Đến năm 2023, phổ điểm môn Lịch sử đã có chiều hướng đi lên khi tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ còn 24,91%. Tuy nhiên, điểm trung bình môn vẫn chỉ xếp ở vị trí thứ hai từ dưới lên với 6,03 điểm.
Qua khảo sát trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều video phỏng vấn giới trẻ về những kiến thức lịch sử cơ bản. Với những câu trả lời ấp úng, ngập ngừng và sai kiến thức nghiêm trọng càng làm dấy lên nỗi nghi ngại về sự hiểu biết của giới trẻ với lịch sử nước nhà. Cũng trong một buổi phỏng vấn, hoa hậu cuộc thi Miss World Vietnam 2023 - Huỳnh Trần Ý Nhi đã nhận sự chỉ trích dữ dội của dư luận khi cô xếp tên mình ngang hàng với những nhân vật lớn của lịch sử, trong đó có vua Quang Trung. Trên khắp các diễn đàn, số đông khán giả cho rằng, thái độ hời hợt, có phần đùa cợt khi nhắc đến những danh nhân lịch sử và cách trả lời của tân hoa hậu đã thể hiện kiến thức về lịch sử của cô rất nông cạn.
Tuy nhiên, không thể chỉ nhìn vào điểm số hay một bộ phận nhỏ để làm thước đo toàn diện cho tình yêu lịch sử của giới trẻ. Người trẻ vẫn rất yêu lịch sử, và họ vẫn luôn hướng về quá khứ theo cách của riêng mình, mới mẻ, hiện đại và phù hợp hơn với sự phát triển chung của xã hội.
Tận dụng lợi thế của thời đại công nghệ 4.0, những bạn trẻ đam mê lịch sử sáng tạo rất nhiều nội dung hữu ích trên các nền tảng mạng xã hội. Xóa bỏ định kiến lịch sử thường nhàm chán, khô khan, các bạn trẻ xây dựng nội dung theo hướng trẻ trung, hài hước, bắt “trend” nhưng vẫn truyền tải được trọn vẹn ý nghĩa, thông điệp của những sự kiện lịch sử liên quan. Sự xuất hiện của những hội, nhóm chuyên về lịch sử, văn hóa Việt Nam với sự tham gia của đông đảo người trẻ đã làm dấy lên phong trào tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc. Từ chỗ không quan tâm, nhiều bạn trẻ đã say mê tìm hiểu và có nhiều kiến thức nhất định về các sự kiện lịch sử, các anh hùng dân tộc, văn hóa Việt qua các giai đoạn lịch sử, cổ phong, cổ phục Việt... Các dự án hoạt hình, truyện tranh lịch sử được đầu tư chỉn chu đã ra đời, thu hút một lượng khán giả, độc giả trẻ hâm mộ và yêu thích. Thời gian gần đây, hoạt hình “made in Việt Nam” xuất hiện rất nhiều tác phẩm mang đẫm hồn dân tộc trên cách kênh phát hành trực tuyến. Tiêu biểu trong số những dự án này có thể kể đến Nhóm Vạn Tích với giai thoại về Hai Bà Trưng , phim “Đại Vương: Xin hãy tiết chế” (khai thác về cuộc đời Trần Hưng Đạo) của nhóm Đại Hiệp Official, “Yêu Kiều” (lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" của Nguyễn Du) của nhóm DeeDee hay nổi bật nhất là nhóm Đuốc Mồi với dự án "Việt sử kiêu hùng" - dự án phim dã sử theo phong cách diễn họa “animation”.
Cuối năm 2023 vừa qua, trong hạng mục “Nhân vật truyền cảm hứng” của giải thưởng WeChoice Award, đội ngũ truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò đã vinh dự được xướng tên bên cạnh rất nhiều những tên tuổi nổi tiếng của các ngôi sao giải trí . Điều này như một minh chứng cho thấy vẫn còn đó rất nhiều những bạn trẻ yêu sử, đam mê sử. Bằng những phương thức khác nhau, họ đang cố gắng truyền tình yêu và nguồn cảm hứng của mình để đưa lịch sử đến gần hơn với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Đó chính là tiền đề, là nội lực để giữ gìn và phát huy các giá trị và bản sắc của dân tộc ta trong thời kỳ hội nhập.
Gìn giữ, bảo tồn văn hoá trước sức ép của mạnh mẽ của hội nhập quốc tế
Ngày nay, khi xu hướng toàn cầu hoá đan diễn ra mạnh mẽ, văn hoá hồn cốt của dân tộc đang bị bào mòn, và sự tồn tại của một quốc gia, một dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào nội lực văn hoá truyền thống, thì việc xây dựng văn hoá, bảo tồn văn hoá và phục hưng văn hoá là một nhu cầu quan trọng, cấp bách không chỉ là ở tầm quốc gia mà ở ngay bản thân mỗi cá nhân người Việt Nam.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Lúc sinh thời, có thể nói Ông là người rất tâm huyết với mong muốn gìn giữ và phát huy nền văn hoá Việt Nam từ thời thượng cổ vốn dĩ đã bị bào mòn bởi thời gian, bị lai tạp bởi những thứ ngoại lai không còn thuần chủng - hệ quả có lẽ đến từ việc đất nước trong thời kỳ đổi mới gấp rút mở cửa nền kinh tế mà không kịp chuẩn bị để ứng phó với những thứ lai tạp len lỏi trong xã hội hiện nay.
Một trong những việc làm chủ đạo trong công cuộc xây dựng, bảo tồn và phục hưng văn hoá phải là tập trung xây dựng nhân cách con người xã hội, với những giá trị: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, những chuẩn mực căn bản đề ra cho cá nhân, đặc biệt ở khía cạnh đạo đức đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Muốn làm được điều này ở cái căn cơ cốt lõi cần phải tập trung đẩy mạnh kiểm duyệt chặt chẽ mọi nội dung đặc biệt là trong vấn đề giáo dục, phim ảnh, quản lý nghệ sĩ, ca sĩ và những người nổi tiếng. Bởi vì các yếu tố này sẽ tác động rất mạnh đến tâm lý, tư duy của lớp trẻ, giáo dục mà sai lệch, phát ngôn của người nổi tiếng chỉ cần sai lệch sẽ gây tác động xấu, làm băng hoại văn hóa truyền thống và đạo đức của con người. Trong giới nghệ sĩ cần phải đưa ra những chế tài mạnh khắc phục tâm lý vụ lợi, tự giác chống chủ nghĩa sùng bái kim tiền, chủ nghĩa hưởng lạc, và chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Những tác phẩm phim ảnh với những nội dung lệch lạc, nhạy cảm, đi ngược với giá trị văn hoá cũng cần phải được giám sát hết sức chặt chẽ, những nội dung này nếu được phát trên tivi, hay các nền tảng, các kênh mạng xã hội có thể gây ra suy đồi đạo đức, làm tha hóa lối sống thanh niên và văn hóa truyền thống.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và Internet, các mạng xã hội xuất hiện lan tràn kéo theo nhiều tác động tiêu cực. Mạng xã hội là môi trường dễ dàng lan truyền những thông tin xấu độc, gây hại đến sự phát triển tư duy của một bộ phận giới trẻ. Những hiện tượng như bắt nạt, bôi nhọ cá nhân, tập thể; thần tượng, tôn sùng những đối tượng “giang hồ mạng”; tung hô, cổ vũ những hành vi lệch chuẩn văn hóa để câu lượt thích, lượt xem,… tạo ra một diện mạo xấu xí khi nhắc đến mạng xã hội. Đấy chính là bài học xương máu cho chúng ta phải định hình lại, củng cố lại, phát huy lại, chấn hưng lại văn hoá trên không gian mạng nói riêng và văn hoá dân tộc nói chung. Bởi văn hoá mới chính là huyết mạch tinh thần mang yếu tố sống còn để duy trì cho dân tộc ta không bị nhạt nhoà trên bản đồ thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 24/11/2021 , Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết và gợi mở: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Vận dụng linh hoạt chỉ đạo của Ông, chúng ta có thể giải bài toán phát triển văn hóa hài hòa, đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Ðể làm được vậy, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn, quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về hành vi được và không được làm trên không gian mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng sát với bối cảnh xã hội để giới trẻ dễ tiếp thu, tiếp cận. Gia đình cần được phát huy vai trò, người lớn trong gia đình cần trở thành tấm gương ứng xử có văn hóa ở mọi nơi, mọi lúc cho giới trẻ noi theo. Nhà trường giữ vai trò định hướng, có những chương trình giáo dục đi sâu vào tâm lý để các em có một cái nhìn thực tế và am hiểu hơn về văn hóa ứng xử, góp phần xây dựng xã hội văn minh.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam và văn hóa doanh nghiệp là một nội dung mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần, không ngừng học tập và làm theo
Để gìn giữ, duy trì và phát huy các giá trị văn hoá, bản sắc con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, mỗi người dân, trong đó đảng viên với trách nhiệm là những người tiên phong, gương mẫu cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của nước nhà.
Tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ngày 05 tháng 3 năm 2024, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Kế hoạch số 119- KH/ĐUK- Kế hoạch học tập Chuyên đề năm 2024 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam và văn hóa doanh nghiệp”. Toàn Đảng và các cấp ủy trực thuộc luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa là mục tiêu, động lực và hệ điều tiết của sự phát triển; chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều phải được coi là quan trọng như nhau. Mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước; không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện cả về chuyên môn, phẩm chất đạo đức và lối sống văn hóa để làm giàu trí tuệ, phẩm chất của mình hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ.
Xây dựng môi trường và điều kiện cần thiết, thuận lợi để văn hóa và văn hóa doanh nghiệp thật sự thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, vào từng tập thể, vào từng cán bộ, đảng viên, người lao động, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người lao động. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Hiện nay, những biến động của tình hình thế giới và khu vực đang tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của dân tộc. Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam hiện đại, cần tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa vào thực tiễn cách mạng nước ta, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến, khoa học, đại chúng, kiên quyết loại bỏ những hủ tục, tàn dư, những sản phẩm phản văn hóa, sản phẩm độc hại từ bên ngoài để xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh góp phần phát triển bền vững đất nước./.