Bao bì thực phẩm và đồ uống - quay trở lại với thủy tinh và nhôm?

10:18 SA @ Thứ Sáu - 18 Tháng Mười, 2019

Nhiều năm trước đây, thủy tinh đã là nguyên liệu bao bì truyền thống, chi phối ngành sản xuất bao bì thực phẩm và đồ uống. Thủy tinh có nhiều tính chất khiến cho nó trở thành vật liệu đóng gói lý tưởng: không mùi vị và trơ về mặt hóa học, không cho khí và hơi thẩm thấu qua, cách nhiệt và trong suốt. Thủy tinh có thể được định hình và tạo màu theo ý muốn, có thể tái sử dụng và tái chế nhiều lần.

Trong khi đó, bao bì chất dẻo như PET thường có tính thẩm thấu ánh sáng và hơi, khả năng tái sử dụng và tái chế của PET hiện nay không thể so sánh được với thủy tinh. Ví dụ, thời hạn bảo quản của bia đựng trong chai thủy tinh lâu hơn đáng kể so với trong chai PET. Tuy nhiên, những yếu tố đó không đóng vai quan trọng trên thị trường toàn cầu hiện đại ngày nay, khi chi phí sản xuất và giá bán cạnh tranh mới là những yếu tố quyết định.

Sau khi PET được đưa ra thị trường, sự ưa chuộng của các nhà sản xuất đối với bao bì chất dẻo PET đã liên tục tăng. Chi phí sản xuất PET thấp hơn thủy tinh, chi phí vận chuyển cũng giảm vì PET nhẹ hơn thủy tinh, nhờ đó bao bì PET có lợi thế về giá hơn hẳn so với thủy tinh. Hơn nữa, PET có thể được kết hợp vào các chất dẻo khác, tạo ra vật liệu bao bì với những tính chất phong phú. Do xu hướng ưu tiên sử dụng chất dẻo để làm bao bì, hiện nay bao bì chiếm 26% sản lượng chất dẻo toàn cầu.

Lĩnh vực chính mà bao bì thủy tinh vẫn còn chiếm ưu thế so với PET là đồ uống có cồn. Thủy tinh có độ thẩm thấu O2 và CO2 thấp hơn chất dẻo, nhờ đó rượu bia có thể được giữ trong chai thủy tinh lâu hơn. Trong lĩnh vực đồ uống không cồn, vấn đề này ít quan trọng hơn nên PET đã trở thành vật liệu bao bì chủ yếu nhờ lợi thế rõ rệt về mặt chi phí.

Nhưng bất chấp những ưu điểm rõ ràng của vật liệu bao bì chất dẻo so với vật liệu thủy tinh truyền thống, nhận thức của người dân về những tác hại của chất dẻo đối với môi trường đang ngày càng tăng.

Nhận thức công cộng về tác hại của chất dẻo đối với môi trường

Nghiên cứu mới đây của Đại học Plymouth (Anh) cho thấy, một phần ba cá và tôm cua được con người tiêu thụ có chứa chất dẻo trong bản thân cơ thể chúng. Các nhà khoa học cũng xác định 267 loài chim và 61% số rùa được thử nghiệm có chứa chất dẻo trong bộ máy tiêu hóa.

Với nhận thức ngày càng tăng về những tác động như vậy của việc sử dụng bao bì chất dẻo và việc quản lý không tốt phế thải bao bì chất dẻo, quan điểm công cộng đối với vấn đề bao bì đang bắt đầu thay đổi. Cùng với đó, xu hướng tiêu thụ cũng đang thay đổi. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel, 79% người tiêu dùng tại anh cho rằng việc tái chế chất dẻo cần được khuyến khích, điều đó cho thấy đa số người tiêu dùng đang lo ngại về phế thải chất dẻo.

Những nghiên cứu khác cho thấy người tiêu dùng ưu tiên sử dụng bao bì thủy tinh so với bao bì chất dẻo. Ví dụ, trong một cuộc khảo sát người tiêu dùng châu Âu, 85% người được hỏi cho biết họ ưu tiên sử dụng bao bì thủy tinh so với chất dẻo, 73% cho rằng thủy tinh là bao bì an toàn hơn chất dẻo khi sử dụng cho đồ uống.

Có vẻ như sự dịch chuyển nhận thức công cộng đã bắt đầu tác động đến các nhà sản xuất và các cơ quan lập pháp. EU đang lập kế hoạch cấm sử dụng ống hút, thìa khuấy và dao nhựa, với mục tiêu tái chế 55% toàn bộ chất dẻo vào năm 2030. Tại Anh, hầu hết các siêu thị lớn đã đồng ý đến năm 2025 sẽ loại bỏ tất cả các sản phẩm chất dẻo sử dụng một lần, chính phủ Anh cũng đề xuất kế hoạch loại bỏ toàn bộ phế thải chất dẻo có thể tránh được vào năm 2042.

Vấn đề tái chế và tái sử dụng

Bao bì PET là một trong những nguồn phế thải chất dẻo đang phát tán rộng rãi vào môi trường. Năm 2017, tổng nhu cầu PET toàn cầu đã lên đến 21,5 triệu tấn, 75-80% trong số đó được sử dụng để sản xuất các chai lọ PET. Tuy nhiên, chỉ khoảng 7,3 triệu tấn được tái chế, 6 triệu tấn trong số vật liệu tái chế này được đưa vào các dòng chất dẻo khác, chỉ có khoảng 1,3 triệu tấn được đưa vào sản xuất các chai lọ chất dẻo mới.

Trái lại, thủy tinh có thể được tái chế nhiều lần mà không giảm chất lượng. Theo Hiệp hội Bao bì thủy tinh châu Âu, sử dụng mỗi tấn thủy tinh vụn hoặc thủy tinh tái chế sẽ giúp giảm 580 kg phát thải CO2 trong ngành thủy tinh và giúp tiết kiệm 1,2 tấn nguyên liệu nguyên thủy. Nhờ khả năng tái chế tốt hơn của vật liệu thủy tinh, ở nhiều khu vực cơ sở hạ tầng thu gom chai thủy tinh và thủy tinh vụn đã phát triển mạnh. Ví dụ, tại EU 74% chai lọ thủy tinh được thu gom và tái chế. ở các nước như Thụy Điển và Thụy Sĩ, tỷ lệ tái chế thủy tinh lên đến gần 100%.

ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các khu vực đang phát triển, chai lọ thủy tinh thường được làm sạch và tái sử dụng, nhờ đó giảm mạnh nhu cầu đối với nguyên liệu bao bì mới. Trong khi đó, PET không thể được tái sử dụng nhiều lần.

Tuy PET có nhiều ưu điểm so với thủy tinh khi sử dụng làm vật liệu bao bì, nhưng những tác hại của bao bì chất dẻo đối với môi trường đã ngày càng trở nên rõ rệt. Những tranh luận về loại vật liệu bao bì thích hợp nhất cho thực phẩm và đồ uống đang trở nên sôi nổi hơn. Khi quan điểm và áp lực công cộng trong vấn đề này ngày càng tăng, liệu chúng ta có thể thấy sự đảo ngược của xu hướng đã diễn ra trong những thập niên qua, thủy tinh hoặc các vật liệu khác như nhôm có thể sẽ lại được lựa chọn để làm bao bì thay thế cho chất dẻo?

LH

Theo IHS Markit, 12/2018