Các thành phố Ấn Độ đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí

10:15 SA @ Thứ Sáu - 18 Tháng Mười, 2019

Theo một báo cáo mới công bố của tổ chức Greenpeace, 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới hiện nay đang nằm ở Ấn Độ.

Greenpeace đã phân tích chỉ số ô nhiễm không khí tại 3000 thành phố trên khắp thế giới và phát hiện thấy 64% trong số này có hàm lượng bụi mịn PM2.5 cao hơn ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). PM2.5 là những hạt bụi mịn lơ lửng trong không khí với chiều dày chỉ bằng 1/40 sợi tóc người và có liên quan với nhiều vấn đề về sức khỏe.

Tất cả các thành phố đã được Greenpeace khảo sát ở Trung Đông và châu Phi đều có hàm lượng PM2.5 vượt quá ngưỡng giới hạn của WHO, tương tự như vậy là 99% thành phố ở Nam á và 89% thành phố ở Đông Á.

Báo cáo của Greenpeace dựa trên dữ liệu về chất lượng không khí năm 2018 từ các nguồn theo dõi công cộng, ví dụ mạng lưới theo dõi chất lượng không khí của các chính phủ, được bổ sung bằng những dữ liệu đã kiểm định của các cá nhân và tổ chức khác.

Theo Greenpeace, do nhiều thành phố, đặc biệt là ở châu Phi, không có thông tin cập nhật về chất lượng không khí, nên số thành phố có hàm lượng PM 2.5 vượt quá ngưỡng giới hạn có khả năng sẽ cao hơn nhiều so với kết quả đã nêu trong báo cáo.

Ấn Độ chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất đã được Greenpeace xác định. Thành phố Gurugram của Ấn Độ - một trung tâm công nghiệp nằm ở tây nam bang Delhi - được đánh giá là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với hàm lượng PM2.5 trung bình 135 mg/m3 trong suốt cả năm. Thủ đô New Delhi đứng ở vị trí 11 trong danh sách của Greenpeace.

Ngoài Ấn Độ với 22 thành phố thì Trung Quốc cũng có 5 thành phố trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Trên thế giới, 3 thủ đô có mức ô nhiễm không khí cao nhất là New Delhi (Ấn Độ), Dhaka (Băng-la-đét) và Kabul (Afghanistan).

Thủ đô Sarajevo của Bosnia là thành phố ô nhiễm nhất châu Âu với hàm lượng PM2.5 trung bình hàng năm 38.4 mg/m3. Thủ đô Luân Đôn của Anh đứng ở vị trí 48 với 12.0 mg/m3 và thủ đô Washington DC của Mỹ đứng ở vị trí 56 với 9.2 mg/m3 trong danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới.

Dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng cho thấy một khía cạnh đáng buồn tương tự: 14 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới hiện nằm ở Ấn Độ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một cuộc khảo sát mới đây của Tuần san y khoa nổi tiếng Lancet cho thấy ô nhiễm không khí đã gây ra 1,24 triệu trường hợp tử vong tại Ấn Độ trong năm 2017 - một nửa trong số đó dưới 70 tuổi.

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Khoa học và môi trường ấn Độ, tuổi thọ của người dân Ấn Độ đang giảm do các căn bệnh nguy hiểm chết người mà ô nhiễm không khí gây ra. Báo cáo này cho biết, ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ ba trong số các rủi ro về sức khỏe tại Ấn Độ.

Ô nhiễm không khí là tác động kết hợp giữa các hạt bụi mịn (PM 2.5), khí ôzôn và ô nhiễm không khí trong nhà. Do những tác động kết hợp đó, tuổi thọ dự kiến của người dân những quốc gia Nam á như Ấn Độ đã giảm hơn 2,6 năm. Mức giảm này cao hơn nhiều mức giảm tuổi thọ trung bình trên thế giới là 20 tháng.

Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Hô hấp quốc tế đã xác nhận, ô nhiễm không khí có thể làm hại sức khỏe theo cách cấp tính hoặc mãn tính, ảnh hưởng đến hầu như tất cả các cơ quan trong cơ thể. Các hạt bụi mịn đi qua phổi được tiếp nhận bởi các tế bào phổi và được đưa vào dòng máu, từ đó chúng tác động đến hầu như tất cả các tế bào trong cơ thể.

WHO ước tính, mỗi năm trên thế giới có 7 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới tính toán chi phí do ô nhiễm không khí gây ra đối với kinh tế thế giới vì làm mất đi sức lao động là 225 tỷ USD. PV