Gỗ phát sáng

09:12 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Ba, 2021

Thời gian qua, nhu cầu của người tiêu dùng về các vật liệu tái tạo và thân thiện môi trường trong lĩnh vực chiếu sáng đã thúc đẩy các nhà khoa học khảo sát những loại màng gỗ mỏng cho các ứng dụng quang học. Tuy nhiên, nhiều vật liệu đã được phát triển cho đến nay đã thể hiện những nhược điểm như tính chất cơ học kém, chiếu sáng không đều, chịu nước kém hoặc cần chất nền polyme sản xuất từ dầu mỏ.

Nay các nhà khoa học Qiliang Fu và Ingo Burgert tại Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ đã phát triển một loại màng gỗ phát sáng không có những nhược điểm như trên. Họ dùng dung dịch hóa chất để xử lý gỗ balsa, loại bỏ lignin và khoảng một nửa lượng hemixenluloza trong gỗ, để lại một giàn khung xốp. Sau đó họ ngâm gỗ đã loại bỏ lignin trong dung dịch có chứa các chấm lượng tử - đây là những hạt nano bán dẫn có thể phát ra ánh sáng với màu sắc khác nhau khi được chiếu tia cực tím (UV). Sau khi ép và sấy, các nhà nghiên cứu phủ lên màng gỗ một lớp bọc kỵ nước. Kết quả là họ thu được một loại màng gỗ đặc, bền nước, với những tính chất cơ học xuất sắc. Khi được chiếu tia UV, các chấm lượng tử trong gỗ phát sáng và phân tán ánh sáng màu da cam trải đều trên khắp bề mặt của màng gỗ.

Nhóm nghiên cứu đã biểu thị khả năng phát sáng của một tấm bảng làm từ màng gỗ như trên. Họ cho biết, các kiểu chấm lượng khác nhau có thể được đưa vào màng gỗ để tạo ra sản phẩm chiếu sáng với những màu ánh sáng khác nhau.

LH

Theo ScienceDaily, 11/2020