Phế thải chất dẻo của châu Âu đang bị đổ vào các nguồn nước ở châu Á

09:19 CH @ Thứ Hai - 04 Tháng Giêng, 2021

Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tại NUI Galway và Đại học Limerick (Ailen) đã xác định được khối lượng phế thải chất dẻo do các nước châu Âu (EU, Anh, Thụy Sĩ và Na Uy) thải vào đại dương thông qua việc xuất khẩu.

Tuy các nước châu Âu đã phát triển cơ sở hạ tầng quản lý chất thải hàng đầu thế giới, 46% phế thải chất dẻo đã phân loại ở châu Âu hiện đang được xuất khẩu ra khỏi nước đã tạo ra chúng. Một phần lớn lượng chất dẻo này được vận chuyển hàng nghìn km đến các quốc gia có hệ thống quản lý rác thải kém - chủ yếu là ở Đông Nam Á. Khi đến những quốc gia này, phần lớn lượng phế thải đó sẽ không được tái chế mà đưa vào hệ thống quản lý rác thải địa phương vốn đã quá tải, vì vậy góp phần đáng kể tạo ra phế thải biển.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học ước tính năm 2017 có khoảng từ 32.000 đến 180.000 tấn, tức là 1-7% tổng lượng polyetylen xuất khẩu từ châu Âu, đã được thải vào đại dương. Polyetylen là một trong những loại chất dẻo phổ biến nhất ở châu Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các quốc gia như Anh, Slovenia và Italia đang xuất khẩu một tỷ lệ lớn chất dẻo ra khỏi châu Âu và một lượng lớn chất dẻo có thể tái chế của những nước này đang bị đổ vào đại dương. Việc làm này có những tác động lớn về môi trường và xã hội đối với các hệ sinh thái biển và cộng đồng dân cư ven biển.

Bằng cách sử dụng dữ liệu thương mại quốc tế và dữ liệu về quản lý rác thải ở các nước tiếp nhận rác thải xuất khẩu, nghiên cứu nói trên đã lập mô hình các số phận khác nhau của polyetylen xuất khẩu từ châu Âu, từ chuyển đổi thành công thành chất dẻo tái chế cho đến bị đưa vào các bãi chôn lấp, đốt hoặc thải ra đại dương.

Các nhà khoa học tại Đại học Limerick cho biết thêm, do một lượng lớn rác thải dành cho việc tái chế lại được xuất khẩu với khả năng truy xuất nguồn gốc kém nên tỷ lệ tái chế “thực” có thể sai lệch đáng kể so với tỷ lệ được báo cáo bởi các thành phố và quốc gia tạo ra rác thải. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy có đến 31% lượng chất dẻo xuất khẩu không được tái chế.

Theo các nhà khoa học, để tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn các cơ quan thành phố và công ty quản lý rác thải ở châu Âu cần phải chịu trách nhiệm về số phận cuối cùng của rác thải “tái chế”. Nghiên cứu của các nhà khoa học nêu bật tình trạng thiếu dữ liệu về phế thải chất dẻo và sự cần thiết phải xem xét các hoạt động tái chế như một phần trong các quy định mới về kinh doanh phế thải chất dẻo.

Nhưng các tác giả của nghiên cứu cho rằng những phát hiện trên không nên làm nản lòng những người ủng hộ việc tái chế chất dẻo vì đây vẫn là cách quản lý rác thải tốt nhất cho môi trường. Hiện vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện các khía cạnh của dây chuyền tái chế chất dẻo nhằm giảm tình trạng “thất thoát phế thải” của những hệ thống này.

Phạm Huệ
Theo Science Daily, 6/2020