Nhập khẩu ảnh hưởng đến ngành sản xuất xút tại Ấn Độ

08:59 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Chín, 2020

Nhu cầu xút tại Ấn Độ năm 2018 đạt 3,59 triệu tấn và được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,57%/năm trong thời kỳ 2019-2030, đạt 7,5 triệu tấn vào năm 2030.

Nhờ nhu cầu gia tăng ở một số ngành sử dụng cuối dòng như sản xuất phân bón, sản xuất hóa chất, xà phòng và chất giặt rửa, giấy, nhôm, dược phẩm, thị trường xút tại Ấn Độ đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong vài năm qua.

Hơn nữa, lượng tiêu thụ xút hiện đang tăng ở một số ứng dụng khác như sản xuất zeolit, sợi và thuốc nhuộm cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu xút tại Ấn Độ trong thời kỳ 2019-2030.

Nhìn chung, trong 4 năm qua nhu cầu NaOH tại Ấn Độ đã tăng trung bình 5%/năm và nhu cầu Na2CO3 tăng trên 7%. Tuy nhiên, NaOH và Na2CO3 nhập khẩu giá rẻ từ Tây Á, Đông Nam Á và Trung Quốc đang có ảnh hưởng chi phối trên thị trường, trong khi đó các nhà sản xuất nội địa phải hoạt động với tỷ lệ vận hành công suất thấp.

Vì vậy, Hiệp hội các nhà sản xuất kiềm của Ấn Độ (AMAI) mới đây đã kêu gọi chính phủ Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước đối với những sản phẩm quan trọng này.

đối với NaOH, trong năm tài chính 2018-2019 hàng nhập khẩu chiếm khoảng 15% tiêu thụ trong nước, trong khi đó sản phẩm Na2CO3 nhập khẩu chiếm hơn 20% tiêu thụ trong nước, mặc dù công suất sản xuất nội địa đủ đáp ứng nhu cầu và chất lượng sản phẩm tương đương những sản phẩm tốt nhất trên thị trường quốc tế.

Ngành sản xuất kiềm của Ấn Độ kêu gọi chính phủ tăng thuế nhập khẩu NaOH và Na2CO3 từ mức hiện nay là 7,5% lên 12,5% đối với cả hai loại sản phẩm này, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất nội địa trước những thách thức của hàng nhập khẩu giá rẻ.

Những năm gần đây, các nhà sản xuất nội địa tại Ấn Độ đã đầu tư nhiều để mở rộng công suất và áp dụng các công nghệ mới. Tuy nhiên, trong thời gian qua những lượng lớn sản phẩm giá rẻ đã được nhập khẩu từ nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu gia tăng, khiến cho các nhà sản xuất nội địa phải vận hành nhà máy ở tỷ lệ vận hành công suất thấp và buộc phải sa thải một phần nhân công.

Công suất xút của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,1%/năm, từ 3,75 triệu tấn năm 2017 lên 5,03 triệu tấn năm 2022. Hiện nay, 10 dự án lớn đang được triển khai và dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm 2022, ví dụ dự án nhà máy xút 270.000 tấn/năm tại Dahej, nhà máy xút 216.000 tấn/năm tại Gandhidham và nhà máy xút 198.000 tấn/năm tại Bhavnagar.

Giá xút tại Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trung bình 3,1%/năm, từ 528,3 USD/tấn năm 2017 lên 614,1 USD/tấn vào năm 2022.

HV, theo Research and Markets, 12-2019