Sản xuất phân đạm tại châu Phi với triển vọng tăng trưởng mạnh

08:57 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Chín, 2020

Trong thời gian qua, bất chấp nhiều thách thức trong khu vực, ngành sản xuất phân bón châu Phi đã liên tục phát triển.

Hiện nay, nhiều cơ hội đang mở ra đối với ngành sản xuất phân bón trên lục địa đen. Năm 2019, dân số châu Phi đã vượt mốc 1,32 tỉ người. Với tốc độ tăng dân số 2,5% như hiện tại, dự kiến dân số tại đây có thể tăng gần gấp đôi, lên đến 2,5 tỉ người vào năm 2050.

đối với ngành sản xuất phân bón ở châu Phi, một yếu tố thuận lợi lớn là châu lục này đang sở hữu mỏ quặng phốtphat lớn nhất trên Trái Đất và nhiều quốc gia tại đây có nguồn khí thiên nhiên để sản xuất các sản phẩm phân đạm.

Tiêu thụ phân đạm, phân lân và phân kali tại châu Phi hiện đạt gần 8 triệu tấn, xấp xỉ khoảng 17 kg/ha. Nhưng mức tiêu thụ này dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ nỗ lực ở nhiều nước khác nhau nhằm tạo ra những sản phẩm phân bón phù hợp với đất nông nghiệp của châu Phi cũng như tăng cường kiến thức chuyên môn và nguồn cung tín dụng cho người nông dân.

Tuy nhiên, ngành sản xuất phân bón châu Phi cũng đang đứng trước những thách thức lớn, từ cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu chuyên gia kỹ thuật cho đến chi phí vận chuyển cao.

Những nhà máy phân đạm mới

Yếu tố quyết định cho sản xuất phân đạm có hiệu quả kinh tế là nguồn cung khí thiên nhiên lớn và không đắt tiền. Với việc phát hiện các mỏ khí thiên nhiên ngoài khơi (trong đó có mỏ Zohr trữ lượng 50 nghìn tỉ m3), Ai Cập đã trở thành quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân đạm quan trọng bên lưu vực sông Nil màu mỡ. Hiện Ai Cập đã có 17 nhà máy sản xuất phân đạm.

Nhà máy amoniăc KIMA 2 thuộc Công ty Egyptian Chemical Industries đã đi vào sản xuất từ tháng 5-2019. Nhà máy được xây dựng với số vốn đầu tư 685 triệu USD. Sau khi hoàn thành kế hoạch mở rộng sản xuất, nhà máy sẽ đạt công suất thiết kế 400.000 tấn amoniăc/năm và 530.000 tấn urê/năm, hơn gấp đôi sản lượng hiện nay của Công ty.

Tháng 3-2019, Công ty NIC của Ai Cập đã ký với Công ty Thyssenkrupp (Đức) hợp đồng xây dựng nhà máy amoniăc tại Tổ hợp Asin El Sokhana, cách thủ đô Cairô 100 km. Nhà máy mới dự kiến sẽ đi vào vận hành năm 2022 và sẽ đạt công suất 440.000 tấn amoniăc/năm, 380.000 tấn urê/năm, 300.000 tấn canxi amoni nitrat/năm. Công ty NIC hiện đã có các cơ sở sản xuất phân lân và phân bón phức hợp. Công ty dự định sẽ tiêu thụ sản phẩm phân bón của mình cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Một công ty khác của Ai Cập là Công ty Al-Nasr Fertilizer đang xây dựng nhà máy amoniăc mới tại vùng Suez. Nhà máy sẽ trải qua 2 giai đoạn xây dựng, với công suất dự kiến 1.200 tấn/ngày (438.000 tấn/năm).

Bên cạnh Ai Cập, Nigiêria là quốc gia khác sẽ tăng mạnh sản lượng phân đạm. Hiện Nigiêria sản xuất mỗi năm 2,5 nghìn tỉ m3 khí thiên nhiên, trong đó xuất khẩu khoảng 1,5 nghìn tỉ m3 ở dạng khí hóa lỏng. Nhưng khoảng 680 tỉ m3 khí thiên nhiên đang bị đốt bỏ hàng năm, vì vậy chính phủ muốn tận dụng nguồn khí này cho các nhà máy sản xuất phân bón và các sản phẩm hóa dầu.

Công ty Aliko Dangote tại Nigiêria đang xây dựng nhà máy phân urê hạt lớn nhất trên thế giới. Tổ hợp trị giá 2 tỉ USD này nằm gần thủ đô Lagos, có thể sản xuất mỗi năm 1,5 triệu tấn amoniăc và 3 triệu tấn urê.

Năm 2018, Công ty Indorama Eleme Fertilizer and Chemicals với trụ sở ở Singapo đã bắt đầu xây dựng nhà máy số 2 trong Tổ hợp phân đạm của mình ở Nigiêria. Hiện Công ty sản xuất mỗi năm 1,5 triệu tấn phân đạm tại nhà máy số 1. Nhà máy mới sẽ có công suất 1,5 triệu tấn/năm, nhờ vậy công suất phân đạm của Công ty sẽ tăng lên gấp đôi, đạt 3 triệu tấn/năm. Phần lớn sản lượng này sẽ được cung ứng cho vùng đất nông nghiệp ở miền Bắc Nigiêria.

Tháng 11-2019, Tập đoàn sản xuất phốtphat OCP của Marốc cũng đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy amoniăc tại Nigiêria. Nhà máy sẽ đi vào vận hành năm 2023 với công suất 750.000 tấn amoniăc/năm và 1 triệu tấn phân bón phức hợp /năm.

Tháng 6-2019, Công ty Dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã liên kết với Công ty phân bón OCI tạo thành nhà sản xuất phân bón lớn nhất khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Công ty mới sẽ chuyển đổi khí thiên nhiên thành 5 triệu tấn urê/năm và 1,5 triệu tấn amoniăc/năm. Đây là chiến lược để Công ty ADNOC tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu của mình tại các nhà máy nằm ở cảng Ruwais bên Vịnh Ba Tư.

Những nhà máy mới nêu trên sẽ tăng mạnh sản lượng amoniăc của châu Phi, hiện đạt khoảng 9 triệu tấn/năm. Các nhà máy mới cũng sẽ tăng cường đáng kể tiêu thụ amoniăc của châu Phi, hiện đang ở mức 4,2 triệu tấn/năm. Theo các chuyên gia nông nghiệp, mức tiêu thụ phân bón tối ưu chỉ riêng đối với Nigiêria đã phải là 7 triệu tấn, gấp 10 lần mức tiêu thụ hiện nay.

HS, theo World Fertilizer 3-2020