Ấn Độ nâng cao năng lực sản xuất urê để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu

03:16 CH @ Thứ Tư - 03 Tháng Hai, 2021

Ấn Độ là một trong những quốc gia đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực phân urê, cả về sản xuất, tiêu thụ và thương mại. Đây là quốc gia sản xuất urê lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 14% tổng công suất Urê toàn cầu.

Nhu cầu nhập khẩu phân bón

Do tiêu thụ trong nước cao hơn nhiều so với sản lượng nội địa nên Ấn Độ hiện đang nhập khẩu ròng nhiều loại phân bón. Trong vài năm qua, lượng urê nhập khẩu vào Ấn Độ luôn giữ ở mức cao, khoảng 7-9 triệu tấn, chiếm 18-28% xuất khẩu urê của thế giới. Với nhu cầu nhập khẩu cao như vậy, hiện nay Ấn Độ là thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất phân bón toàn cầu.

Bên cạnh đó, tuy là quốc gia sản xuất phân lân lớn thứ ba trên thế giới nhưng Ấn Độ phải nhập khẩu một lượng lớn phân lân cũng như nguyên liệu để sản xuất loại phân bón này. Trong năm tài chính 2019-2020, Ấn Độ đã nhập khẩu 5,3 triệu tấn DAP, chiếm 35-40% thương mại DAP trên thế giới. Vì vậy, Ấn Độ cũng có vị thế lớn trên thị trường phốtphat toàn cầu, bất cứ thay đổi nào về nhu cầu DAP của quốc gia này đều ảnh hưởng đến giá DAP quốc tế.

So với sản xuất urê, ngành sản xuất phân lân toàn cầu là ngành có mức độ hợp nhất tương đối cao, 10 nhà sản xuất hàng đầu chiếm khoảng 65% công suất DAP và MAP. Cấu trúc hợp nhất cao của ngành sản xuất phân lân thế giới đã hạn chế khả năng thương lượng về giá nhập khẩu phân lân của Ấn Độ.

Vì không có tài nguyên quặng kali, Ấn Độ phải nhập khẩu phân kali để đáp ứng nhu cầu 2,5-3,5 triệu tấn/năm của mình. Tiêu thụ phân kali của quốc gia này chiếm khoảng 5-7% nhu cầu toàn cầu. Thị trường phân kali thế giới hiện nay chỉ có một số ít nhà cung ứng quy mô lớn do các nguồn quặng kali chỉ sẵn có ở một vài khu vực địa lý. Trên thị trường quốc tế, mức giá trong các hợp đồng phân kali với Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ gần 20% phân kali trên thị trường toàn cầu - thường tạo thành giá sàn đối với phân kali nhập khẩu vào Ấn Độ.

Trong năm tài chính 2020-2021, tiêu thụ phân bón tại Ấn Độ dự kiến tăng 12-14% nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và diện tích gieo trồng vụ mùa thu tăng cao, dẫn đến nhu cầu phân bón cao khác thường. Chính phủ Ấn Độ cũng thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ để cải thiện sức mua cho người nông dân.

Xu hướng mở rộng sản xuất Urê

Theo Công ty phân tích thị trường GlobalData, công suất urê toàn cầu sẽ tăng mạnh cho đến năm 2030, từ 218,21 triệu tấn năm 2019 lên 301,55 triệu tấn năm 2030 với mức tăng tổng cộng 38%. Ấn Độ được dự báo sẽ là quốc gia dẫn đầu xu hướng mở rộng công suất này. Mục tiêu của Ấn Độ là tạo ra công suất urê đủ lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong 2 năm tới, công suất urê của Ấn Độ sẽ tăng thêm khoảng 6,4 triệu tấn/ năm, nhờ đó sự phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Theo ước tính của Công ty ICRA Research, nhập khẩu urê của Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 0,5-1 triệu tấn vào cuối năm 2023, dẫn đến sự gia tăng tình trạng dư thừa nguồn cung urê trên toàn cầu.

Đến năm 2030, Ấn Độ sẽ thực hiện các đợt tăng công suất urê với tổng cộng 16,84 triệu tấn, chiếm 21% mức gia tăng công suất urê toàn cầu. Những đợt bổ sung công suất urê quan trọng tại Ấn Độ sẽ được thực hiện tại nhà máy urê Jamnagar của Công ty Reliance Industries, dự kiến năm 2020 sẽ đạt công suất 2,6 triệu tấn/năm.

Trên thế giới, Iran là quốc gia đứng thứ hai về mặt gia tăng công suất urê, với công suất năm 2030 đạt 15,3 triệu tấn/năm. Tại đây, các đợt mở rộng công suất lớn sẽ được thực hiện tại nhà máy Hamoon Chabahar Urea với công suất dự kiến năm 2030 sẽ đạt 1,33 triệu tấn/năm.

Nga là quốc gia đứng thứ ba về mặt mở rộng công suất urê, dự kiến sẽ đạt công suất 12,04 triệu tấn/năm vào năm 2030. Những đợt tăng công suất lớn sẽ được thực hiện tại nhà máy urê Budyonnovsk của Công ty Lukoil Oil, nhà máy sẽ đạt công suất 2 triệu tấn/năm vào năm 2030.

TN
Theo World Fertilizer, 10/2020