Chính sách phân bón của Trung Quốc - nhu cầu điều chỉnh trước những thách thức về môi trường

08:57 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Ba, 2021

Trong những thập niên qua, mặc dù chỉ chiếm 9% diện tích đất canh tác toàn cầu nhưng Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ đáng chú ý trong việc cung cấp đủ lương thực để nuôi dưỡng 20% dân số thế giới. Tuy nhiên, đất nước này hiện nay đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước. Tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp và tình trạng ô nhiễm trầm trọng có liên quan chặt chẽ với những chính sách tác động đến sản xuất cũng như sử dụng phân bón.

Sản xuất phân bón tăng trưởng mạnh

Về cơ bản hầu như không tồn tại trong năm 1950, ngày nay sản xuất phân bón của Trung Quốc đã trở thành một ngành sản xuất quy mô lớn, đang cung cấp phân bón không chỉ đủ cho nhu cầu trong nước mà còn đóng góp vào thương mại quốc tế.

Sự tăng trưởng của ngành sản xuất phân bón Trung Quốc từ nhiều thập niên qua đã dựa trên một loạt các chính sách quan trọng. Trước tiên, đó là hệ thống kiểm soát với chế độ sở hữu nhà nước và lập kế hoạch trung tâm (giai đoạn 1949-1984), tiếp theo là hệ thống kép về lập kế hoạch và điều chỉnh thị trường (giai đoạn 1985-1997), sau đó là hệ thống dựa trên động lực thị trường với sự kiểm soát của chính phủ về giá (giai đoạn 1998-2009), cuối cùng là hệ thống định hướng thị trường hoàn toàn (từ năm 2009). Liên kết với những thay đổi chính sách là những chương trình hỗ trợ quy mô lớn. Các chính sách và chương trình hỗ trợ đã giúp phát triển ngành sản xuất phân bón và bảo đảm cung cấp đủ phân bón với giá phải chăng cho người nông dân. Mặt khác, giá phân bón được giữ ở mức thấp một cách nhân tạo cũng góp phần dẫn đến xu hướng lạm dụng phân bón, gây ra tình trạng ô nhiễm nặng trên toàn quốc.

Tình trạng lạm dụng phân bón

Trong 6 thập niên qua, sử dụng phân bón một cách rộng rãi đã đóng góp rất lớn cho việc gia tăng sản lượng lương thực thực phẩm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sử dụng phân bón quá nhiều trên quy mô lớn đã góp phần gây ra tình trạng axit hoá đất, phú dưỡng nước, ô nhiễm các tầng ngậm nước, tăng phát thải NH­3­ và các khí gây hiệu ứng nhà kính (N2O, CO­2, CH4,...) tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc, lượng sử dụng phân bón trên toàn cầu đã tăng 1,4% trong thời gian 2014-2018, Trung Quốc chiếm 18% của mức tăng trưởng này. Thống kê năm 2019 cho thấy, ngày nay nông dân Trung Quốc sử dụng trung bình 305 kg N/ha, gấp hơn 4 lần mức trung bình trên thế giới. Trung Quốc đang góp phần đáng kể vào sự gia tăng lượng sử dụng phân bón toàn cầu. Tiêu thụ phân bón ở châu Á hiện tăng nhanh hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới.

Nông nghiệp Trung Quốc và châu Phi cùng chung một số đặc điểm tương đồng. Cả hai khu vực đều có hàng triệu hộ nông dân nhỏ, phần lớn là thất học hoặc chỉ đạt trình độ giáo dục tối thiểu, mỗi hộ nông dân chỉ canh tác trên một thửa đất nhỏ. Tương tự như tình hình ở nhiều nước châu Phi ngày nay, trong các thập niên 1950, 1960 và thậm chí đầu thập niên 1970 nông dân Trung Quốc ít có khả năng tiếp cận phân bón. Nhưng từ thập niên 1970 Trung Quốc đã phát triển ngành sản xuất phân bón lớn mạnh, người nông dân ở đây đã tăng lượng sử dụng phân bón đến những mức vượt xa mức hợp lý về mặt thổ nhưỡng học, qua đó gây ra những tác động bất lợi đối với môi trường.

Thách thức về bảo vệ môi trường

Ngày nay Trung Quốc đã đạt đến cột mốc quan trọng trong mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, khi mà những nỗ lực sản xuất thêm nhiều lương thực thực phẩm (kéo theo việc tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp) cần phải được cân đối lại với mong muốn giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường cho các thế hệ mai sau.

Khi ô nhiễm môi trường đã trở thành thách thức lớn nhất mà ngành sản xuất phân bón và cả đất nước đang phải đối mặt, bước đầu tiên để giải quyết những thách thức này nằm ở cấp chính sách. Trong nhiều thập niên, các chính sách về phân bón và các chương trình hỗ trợ đã tập trung vào nguyên tắc cơ bản là bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước bằng cách đảm bảo nguồn cung phân bón ở mức giá phải chăng. Nhưng nay đã đến lúc cần xem xét lại và thay đổi những chính sách và chương trình đó nhằm đạt được đồng thời hai mục đích là đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Tuy đây là vấn đề phức tạp nhưng có một số hướng đi có thể trở thành điểm tựa cho các chính sách về phân bón của Trung Quốc trong tương lai.

Điểm thứ nhất là cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin và cung cấp dịch vụ khoa học, công nghệ cũng như các hướng dẫn về thực hành bón phân cho 21 triệu nông dân Trung Quốc. Tình trạng bón phân quá mức vẫn đang rất phổ biến tại đây, cội rễ của vấn đề này nằm ở tình trạng thiếu kiến thức của những người sử dụng trực tiếp phân bón. Do đó, những khuyến cáo về bón phân dựa trên các kiến thức khoa học là yếu tố quan trọng thiết yếu để cải thiện hiệu quả sử dụng và giảm lạm dụng phân bón.

Điểm thứ hai là cần phải xem xét toàn bộ các chất dinh dưỡng hữu cơ trong những nỗ lực quản lý phân bón trên toàn quốc. Điều đặc biệt quan trọng là quản lý lượng phân chuồng để giảm đáng kể lượng phân bón được sử dụng, qua đó giảm thiểu phát thải ra môi trường.

Song song với đó, ngành sản xuất phân bón cũng cần những đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất và tính thân thiện môi trường. Một số nhà sản xuất phân bón tại Trung Quốc hiện vẫn sử dụng những công nghệ lỗi thời với mức tiêu thụ năng lượng cũng như phát thải ô nhiễm cao. Ngoài ra, Trung Quốc cần củng cố các luật và quy định về quản lý, sử dụng các sản phẩm phân bón. Từ nhiều năm nay, các quốc gia giàu có như các nước Liên minh Châu âu đã đề ra các luật và quy định về quản lý phân bón với mục đích bảo vệ môi trường.

Nhìn chung, các chính sách và chương trình hỗ trợ về phân bón của Trung Quốc cần được xem xét và đánh giá lại để tạo ra những thay đổi cần thiết dưới ánh sáng của hai trọng tâm ưu tiên là tăng cường sản xuất lương thực thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững lâu dài.

Những chương trình hỗ trợ quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc đối với các lĩnh vực sản xuất và phân phối phân bón đã hoàn thành sứ mệnh của chúng và nay cần được điều chỉnh lại theo hướng hỗ trợ đổi mới công nghệ, triển khai ở quy mô rộng những chương trình giúp giảm thiểu những thiệt hại về môi trường liên quan đến việc lạm dụng phân bón.

TN

Theo World Fertilizer, 4/2020