Chương trình hành động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

05:01 CH @ Thứ Sáu - 07 Tháng Năm, 2010

Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15-01-2010 và Nghị quyết Số 18/NQ-CP ngày 06-4-2010 của Chính phủ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 194/QĐ-HCVN ngày số 26/4/2010 của HĐQT)

Năm 2010, năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2006-2010, là năm bản lề cho kế cho hoạch 5 năm 2011 - 2015 đồng thời cũng là năm đầu tiên bước vào hoạt động với vị trí và vai trò của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có ý nghĩa trọng đại, tạo ra tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Tập đoàn trong giai đoạn sắp tới.

Theo dự báo tình hình kinh tế xã hội nước ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15-01-2010 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06-4-2010 về ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% năm 2010.

Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xây dựng Chương trình hành động gồm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với mục tiêu giữ vững ổn định, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đảm bảo tăng trưởng năm 2010 cao hơn năm 2009 đồng thời chủ động phòng ngừa tác động ảnh hưởng do lạm phát cao trở lại, trên vị thế mới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có những giải pháp ứng phó kịp thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng và đa dạng hoa thị trường tiêu thụ, triệt để thực hành tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận để hoàn thành thắng lợi mục tiêu tăng trưởng năm 2010.

I. Những mục tiêu chủ yếu năm 2010 của Tập đoàn

1. Giá trị sản xuất công nghiệp: Năm 2010 là 13.970 tỷ đồng, tăng trưởng 15 % so với năm 2009;

2. Doanh thu: Doanh thu năm 2010 là 29.305 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2009;

3. Lợi nhuận phát sinh: Lợi nhuận năm 2010 là 2.560 tỷ đồng;

4. Giá trị Xuất nhập khẩu: Năm 2010 là 326 triệu USD, tăng 18% so với năm 2009, trong đó xuất khẩu là 125 triệu USD, tăng 14,6% so với năm 2009; Nhập khẩu là 201 triệu USD.

5. Công tác ĐTXD: Giá trị ĐTXD năm 2010 là 8.593 tỷ đồng, tăng 88% so với năm 2009. Trong đó giá trị xây lắp là 2.506 tỷ đồng; giá trị thiết bị là 4.214 tỷ đồng; giá trị kiến thiết cơ bản khác là 1.873 tỷ đồng.

II. Chương trình hành động

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết sổ 03 ngày 15/1/2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06-4-2010 của Chính phủ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của việc triệt để thực hiện các giải pháp của Chính phủ và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn trong năm 2010. Để tổ chức thực hiện, Tập đoàn đã xây dựng Chương trình hành động với các nhóm giải pháp chủ yêu sau:

1. Về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu

Năm 2010, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phải tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 15% so với năm 2009.

a) Tập trung chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân bón DAP - Hải Phòng để đi vào sản xuất đảm bảo cung ứng sản lượng 230.000 tấn DAP trong quý II năm 2010.

b) Chỉ đạo tập trung sắp xếp lại sản xuất, đổi mới phương thức điều hành theo hướng quyết liệt nhưng linh hoạt, sát tình hình thực tế để khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường, đáp ứng một cách tốt nhất các chủng loại sản phẩm phân bón theo nhu cầu thị trường nông nghiệp.

c) Tổ chức triển khai giám sát thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh theo tháng quý đối với các công ty 100% vốn nhà nước và thông qua người đại diện phần vốn nhà nước của Tập đoàn để chỉ đạo thực hiện kế hoạch hàng quý tại các công ty mà Tập đoàn có vốn góp.

d) Chỉ đạo các đơn vị và Người đại diện phần vốn nhà nước của Tập đoàn triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất, rà soát lại các định mức tiêu hao chi phí sản phẩm, chủ động đề ra những cơ chế bán hàng linh hoạt phù hợp từng giai đoạn để tham gia thúc đấy tiêu thụ sản phẩm.

đ) Theo dõi sát diễn biến của thị trường để kịp thời định hướng chỉ đạo, điều hành trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đồng thời sẵn sàng đón lấy cơ hội khi thị trường phục hồi.

e) Giữ vững các thị trường xuất khẩu hiện có; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu VINACHEM của Tập đoàn nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới; Nghiên cứu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường nhằm đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của các thị trường nước ngoài; Có chính sách cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tiếp thị sản phẩm và xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu.

2. Về tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển

Năm 2010, năm được xác định là cơ hội cho đau tư phát triển, việc đẩy mạnh đầu tư sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm phục vụ an sinh xã hội do đó Tập đoàn đẩy mạnh thực hiện các giải pháp:

a) Tập trung nguồn lực đảm bảo đúng tiến độ thực hiện 8 dự án trọng điểm của Tập đoàn nhất là đối với dự án đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình. Cụ thể:

- Dự án Đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than tại Ninh Bình: Đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch tiến độ mua sắm và lắp đặt thiết bị gói thầu EPC trong năm 2010, tháng 4/2011 chạy thử Xưởng phân ly không khí, tháng 7/2011 chạy thử Xưởng Urê, từ tháng 8 đến tháng 10/2011 tiến hành chạy thử bàn giao nhà máy;

- Dự án Muối mỏ tại Lào : Trong năm 2010, hoàn thành công việc tổng hợp, phân tích tài liệu trong tháng 9/2010 và lập xong Báo cáo kết quả thăm dò, trình duyệt trong tháng 12/2010;

- Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc: Tập trung chỉ đạo triển khai đúng tiến độ kế hoạch đấu thầu, khởi công dự án trong quý III/2010 và hoàn thành dự án vào quý I năm 2014;

- Dự án Nhà máy DAP 2-VINACHEM: Chỉ đạo Người đại diện đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành mặt bằng trong tháng 2/2010, ký hợp đồng với nhà thầu EPC1 trong tháng 7/2010 và chạy thử nghiệm bàn giao vào quý I năm 2013;

- Dự án Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn: Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án vào quý IV năm 2010;

- Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radial công suất 600.000 lốp/năm của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng: Khởi công trong quý I năm 2010; hoàn thành giai đoạn I của dự án vào quý IV năm 2011;

- Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe tải toàn thép công suất 300.000 lốp/năm của Công ty cổ phần công nghiệp Cao su Miền Nam: Khởi công vào quý II năm 2010;

- Dự án Nhà máy ắc quy Nhân Trạch: Chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ để kết thúc dự án trong năm 2010.

b) Tiếp tục xem xét điều chỉnh, tăng cường bổ sung việc phân cấp, phân quyền để nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các Ban quản lý dự án ĐTXD nhằm đáp ứng kịp thời theo yêu cầu tiến độ như đối với Ban Quản lý Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình;

c) Tăng cường nhịp độ kiểm tra, giám sát thi công các công trình, kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết phát sinh nhất là đối với các dự.án lớn như Dự án Đạm Ninh Bình và Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, các dự án này sẽ thực hiện kiểm tra giám sát theo quý/1ần, các dự án còn lại sẽ thực hiện theo 6 tháng/1ần;

d) Trình Bộ Công Thương xem xét, xếp Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 1760 tấn Urê/ngày tại Ninh Bình, Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo - mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc và Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Phân bón Diamon Phốt phát (DAP) số 2 tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, Tỉnh Lào Cai vào Danh sách các Công trình trọng điểm của ngành Công Thương .

3. Về Chuẩn bị nguồn vốn đảm bảo cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh

Để đảm bảo ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, năm 2010 nhu cầu về vốn rất lớn, việc thu xếp nguồn vốn được tổ chức thực hiện thông qua các giải pháp chủ yếu:

a) Hoàn thành việc xây dựng Phương án tài chính đảm bảo cho Kế hoạch đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh năm 2010;

b) Tăng cường, củng cố công tác quản lý vốn mà Tập đoàn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết và công ty liên doanh;

c) Phối hợp với Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam để tư vấn thu xếp vốn cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên;

d) Huy động tối đa các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu các dự án trọng điểm trong năm 2010 như:

- Điều động nguồn vốn thu được từ lợi nhuận được phân chia theo vốn nhà nước tại các Công ty 100% vốn nhà nước, từ nguồn cổ tức được chia từ các Công ty cổ phần, liên doanh và liên kết, từ nguồn thu khi cổ phân hóa doanh nghiệp thành viên và từ nguồn chuyển nhượng phần vốn của Tập đoàn tại các Công ty cổ phần, liên doanh và liên kết;

- Huy động nguồn vốn vay thương mại tại các tổ chức ngân hàng, tín dụng trong và ngoài nước đảm bảo từ 60-70% nhu cầu vốn đầu tư;

- Trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức phát hành trái phiếu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trái phiếu chuyển đổi của các công ty phục vụ các dự án đầu tư của Tập đoàn.

đ) Chuẩn bị nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh: Phát huy tối đa vốn lưu động hiện có của các doanh nghiệp, tăng nhanh vòng quay vốn, tăng hiệu quả sử dụng vốn để phấn đấu giảm giá thành sản phẩm.

e) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động tài chính đối với các Công ty để nắm bắt nhanh tình hình và kịp thời xử lý tình huống.

g) Ban quản lý các Dự án và Ban chức năng thường xuyên cân đối kế hoạch nhu cầu nguồn vốn và kế hoạch giải ngân để bố trí nguồn vốn kịp thời.

4. Tham gia kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội

a) Phân bón là mặt hàng thiết yếu phục vụ bà con nông dân vì vậy thường xuyên kiểm soát tình hình cung - cầu các loại.phân bón để có kế hoạch cung ứng kịp thời, không để xây ra thiếu hàng góp phần ổn định thị trường phân bón;

b) Tăng cường kiểm tra giám sát các đại lý bán hàng để tránh hiện tượng đầu cơ găm hàng nâng giá; gian lận thương mại;

c) Đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên cho đội ngũ cán bộ công nhân viên Tập đoàn, tránh nghỉ việc dài ngày;

d) Có kế hoạch sử dụng kinh phí hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khi gặp khó khăn tránh xảy ra tình trạng thua lỗ hoặc phá sản. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị bố trí kế hoạch sử dụng lao động một cách hợp lý, tránh tình trạng người lao động mất việc làm hàng loạt.

đ) Phối hợp với Tổ chức công đoàn các cấp tổ chức các phong trào thi đua tăng năng suất lao động đi đôi với triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô tham nhũng.

5. Về đổi mới sắp xếp doanh nghiệp

a) Hoàn thành công tác kiện toàn bộ máy lãnh đạo Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam .

b) Chuyển đổi Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

c) Thành lập Tổng Công ty Apatit-vinachem và Tổng Công ty Phân Đạm và Hóa chất - Vinachem.

d) Chuẩn bị điều kiện xây dựng Đề án thành lập trường Đại học Hóa chất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

e) Hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty phân bón Miền Nam và Công ty Phân bón Bình Điền trong tháng 6 năm 2010.

6. Tổ chức thực hiện

a) Chương trình hành động này được phổ biến đến các Công ty thành viên và Người đại diện phần vốn Nhà nước của Tập đoàn, các Bộ phận chuyên môn của Tập đoàn. Căn cứ Chương trình hành động, từng Công ty, bộ phận và Người đại diện xây dựng các biện pháp cụ thể đối với đơn vị mình để triển khai thực hiện.

b) Ban Tổ chức nhân sự Tập đoàn nắm bắt tình hình, hoàn chỉnh dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn; Xây dựng chương trình tiến độ thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác luân chuyển và điều chuyển cán bộ để đào tạo tích lũy kinh nghiệm và phát huy năng lực sở trường của cán bộ; Chuẩn bị và phối hợp với các bên liên quan hoàn thành công tác chuyển đổi Công ty mẹ- Tập đoàn Hóa chất việt Nam sang công ty TNHH và các công ty còn lại của Tập đoàn sang công ty cổ phần.

c) Ban Tài chính kế toán Tập đoàn xây dựng Phương án điều tiết nguồn thu nội bộ, tạo nguồn vốn dự trữ để sẵn sàng hỗ trợ các công ty con khi gặp khó khăn nhất là đối với các công ty sản xuất phân bón; Làm tốt công tác giải ngân các nguồn vốn tín dụng đã ký Hợp đồng với các Ngân hàng thương mại để dành vốn Chủ đầu tư hỗ trợ cho các công ty khó khăn; Tích cực khai thác, tranh thủ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi các nguồn vốn ngoài Tập đoàn có lãi xuất thấp hoặc chi phí hợp lý thông qua các hình thức như phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho việc phát hành trái phiếu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khi cần thiết Triển khai các công tác nghiệm thu, bàn giao, thanh quyết toán công trình Nhà máy sản xuất Phân bón DAP-Hải Phòng.

d) Ban Kế hoạch kinh doanh Tập đoàn lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh theo tháng, quý nhất là đối với các đơn vị 100% vốn nhà nước; Phối hợp với Công ty TNHH một thành viên DAP-VINACHEM tổ chức sản xuất 230.000 tấn DAP phục vụ mục tiêu tăng trưởng năm 2010 của Tập đoàn; Phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của Tập đoàn.

đ) Ban Đầu tư xây dựng Tập đoàn xây dựng Kế hoạch kiểm tra giám sát đầu tư đối với tiến độ các Dự án trọng điểm của Tập đoàn nhất là đối với Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và các dự án lớn ở các đơn vị theo từng quý trong năm; Nhanh chóng phối hợp xử lý những vấn đề liên quan đến công tác nghiệm thu, bàn giao công trình Nhà máy sản xuất Phân bón DAP - Hải Phòng.

e) Ban Kỹ thuật rà soát, kiểm tra các định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, vật tư kỹ thuật để chống thất thoát lãng phí; Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ để đạt được sản phẩm có hàm lượng chất sám cao của Tập đoàn. Phối hợp với các bên liên quan xử lý nhanh các tồn tại của dự án DAP-Hải Phòng.

g) Các Công ty thành viên, Người đại diện phần vốn nhà nước của Tập đoàn tập trung rà soát lại kế hoạch, các quy chế, định mức, triệt để thực hành tiết kiệm, thực hiện quy chế dân chủ phát huy sức mạnh tập thể để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010.

h) Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức phổ biến các Nghị quyết nêu trên của Chính phủ đến toàn thể cán bộ công nhân viên và làm tốt công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong người lao động cùng chia sẻ với Chính phủ và Tập đoàn trong việc thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng năm 2010 của Chính phủ cũng như của Tập đoàn;

i) Chương trình hành động này được tổ chức thực hiện nghiêm túc và đánh giá kết quả thực hiện theo quý để đảm bảo có sự chỉ đạo kịp thời.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực, triệt để thực hiện mọi giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, giải quyết tốt nguồn vốn, bảo đảm và từng bước nâng cao đời sống cho CBCNV, đạt tốc độ tăng trưởng năm 2010 và đi đầu trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ đã đề ra nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao.