Các doanh nghiệp hóa chất châu âu đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay

09:55 SA @ Thứ Tư - 06 Tháng Bảy, 2022

Sau khi Nga tấn công Ucraina, các doanh nghiệp hóa chất châu âu đã đối phó theo nhiều cách trước việc EU quyết định sẽ giảm dần nhập khẩu dầu và khí từ Nga. 

Trước đây, Công ty BASF của Đức đã lập kế hoạch vận hành các nhà máy của mình ở Đức, ví dụ tổ hợp hóa chất tại Ludwigshafen, với nguồn cung khí thiên nhiên tăng thêm từ Nga. Nhưng quyết định của chính phủ Đức ngừng vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sẽ khiến cho BASF mất đi khoảng 1,2 tỉ Euro liên quan với các khoản đầu tư xây dựng hệ thống đường ống này.

Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí thiên nhiên từ Nga, Công ty Dow Chemical đang vận hành một số nhà máy ở Đức đã đồng ý tham gia góp vốn xây dựng Trung tâm Năng lượng Hanseatic. Trung tâm này dự định sẽ được xây dựng năm 2026 trong khu công nghiệp Dow Chemical tại thành phố Stade (Đức) và sẽ có một cảng trung chuyển để nhập khẩu khí thiên nhiên. Trung tâm sẽ có công suất xử lý 13,3 tỷ m3 khí mỗi năm - khoảng 15% nhu cầu khí thiên nhiên của Đức.

Hiện tại, Đức nhập khẩu khoảng một nửa nhu cầu khí thiên nhiên của mình từ Nga thông qua đường ống dẫn khí. Sắp tới, phần lớn lượng khí thiên nhiên mà Trung tâm Năng lượng Hanseatic dự kiến nhập khẩu sẽ đến từ Mỹ. Trong một cuộc họp báo, đại diện của Dow Chemical cho biết Trung tâm sẽ giúp Mỹ đáp ứng khoảng 25% mục tiêu xuất khẩu 50 tỉ m3  khí thiên nhiên hàng năm cho châu âu vào năm 2030.

Trong khi đó, Công ty Ineos đã kêu gọi chính phủ Anh hủy bỏ lệnh tạm dừng chiết xuất khí thiên nhiên từ dầu đá phiến. Giá khí thiên nhiên tại Anh hiện cao gấp khoảng 10 lần so với ở Mỹ. Ineos dự định sẽ tiến hành khoan thử nghiệm ở một mỏ khí đá phiến.Theo Công ty, nước Anh đang rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng với giá cả ngày càng leo thang, đẩy người dân vào cảnh đói nghèo, đây là tình hình hết sức phi lý khi ngay dưới chân chúng ta đang có rất nhiều trữ lượng khí thiên nhiên. 

Chính phủ Anh hiện vẫn chưa quyết định hủy bỏ lệnh cấm khai thác khí đá phiến. Đầu tháng 4/2022, chính phủ đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng phát điện bằng nhiên liệu hydro có hàm lượng cacbon thấp với mục tiêu đạt 10 GW vào năm 2030, đủ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu năng lượng của nước Anh. Một nửa sản lượng này dự tính sẽ đến từ hydro xanh, được sản xuất bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo để điện phân nước, một nửa khác đến từ hydro tạo ra trong quá trình reforming khí thiên nhiên, trong khi đó sản phẩm phụ CO­2 sẽ được thu giữ.

Trong nỗ lực của chính phủ Anh đi theo xu hướng sản xuất hydro có hàm lượng cacbon thấp, Công ty hóa chất Johnson Mathew đã nhận được khoản vay 520 triệu USD từ chính phủ để phát triển các công nghệ sản xuất hydro. Công ty cũng thúc giục chính phủ nhìn nhận vai trò lớn hơn của hydro đối với việc giảm phát thải cacbon trong hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.

Nguồn: