Công nghiệp hóa chất Đức chịu nhiều thiệt hại khi giá năng lượng tăng

03:27 CH @ Thứ Năm - 30 Tháng Sáu, 2022

Công nghiệp hóa chất Đức đang phải chuẩn bị cho tình huống rơi vào suy thoái nặng trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh do chiến tranh Nga-Ucraina và các biện pháp trừng phạt tiếp theo của các nước phương Tây đối với Nga. Từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu, giá khí thiên nhiên đã tăng 70%, lên đến 165 $/MWh. Công nghiệp hóa chất và công nghiệp dược phẩm Đức hiện sử dụng 2,8 triệu tấn khí thiên nhiên mỗi năm, chiếm hơn một phần tư tổng lượng tiêu thụ khí thiên nhiên của cả nước.

Trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina, Hiệp hội công nghiệp hóa chất Đức VCI dự báo công nghiệp Đức sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2022, nhưng hiện tại Tổng giám đốc VCI cho rằng mọi dự báo cần được điều chỉnh lại.

Nga và Ucraina chiếm gần 3% (khoảng 7,5 tỉ USD) trong xuất khẩu hóa chất và dược phẩm của Đức, nhưng các mặt hàng xuất khẩu này đang bị ảnh hưởng nặng nề vì chiến tranh.

Theo khảo sát của VCI, 70% các công ty công nghiệp hóa chất Đức đang gặp phải những thách thức lớn, trong số đó có các công ty như BASF, Evonik Industries, Lanxess,... Khoảng 85% các công ty này cho biết họ đang đứng trước tình hình khó khăn khi chi phí sản xuất và mua nguyên liệu tăng cao, 54% các công ty cho biết sản lượng và doanh số của họ đang giảm.

Theo Công ty tư vấn đầu tư Jeffries Group, nhìn chung công nghiệp hóa chất hóa chất châu âu đang đứng trước môi trường đầy thách thức do hậu quả của chiến tranh Nga-Ucraina. Trong năm nay, cuộc xung đột vũ trang này sẽ làm giảm trung bình 5% lợi nhuận của các công ty hóa chất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.   

Hơn một nửa lượng khí thiên nhiên và than cùng với một phần ba dầu mỏ mà Đức tiêu thụ được nhập khẩu từ Nga. Đức đang chịu áp lực chính trị về việc cấm những mặt hàng nhập khẩu này, nhưng lệnh cấm như vậy sẽ có những hậu quả to lớn đối với các ngành công nghiệp khác nhau ở Đức. Nếu lệnh cấm đó được thực hiện, Đức có khả năng sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm, khiến cho nhiều công ăn việc làm bị mất đi.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo các nhà chính trị rằng lệnh cấm vận ngay lập tức đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga sẽ gây ra suy thoái kinh tế sâu sắc ở Đức. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, ông nói rằng “Nhiều ngành công nghiệp Đức đang đứng bên bờ vực nguy hiểm”.

VCI kêu gọi Liên minh Châu âu giảm thuế năng lượng cho ngành hóa chất và hoãn kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy phát điện đốt than. 

Cảnh báo về giảm sản lượng hóa chất

VCI cảnh báo các nhà máy hóa chất trong nước có khả năng sẽ phải đóng cửa, có thể là nhiều tháng, nếu Nga yêu cầu thanh toán tiền mua khí thiên nhiên bằng đồng rúp. Khi đó, những tác động đối với các ngành công nghiệp cuối dòng sẽ rất nghiêm trọng.

Công ty hóa chất BASF của Đức cũng đã cảnh báo về các tác động đối với hoạt động của mình nếu nguồn cung khí thiên nhiên bị cắt giảm. Công ty cho biết, hoạt động sản xuất tại tổ hợp hóa chất Ludwigshafen sẽ phải dừng lại nếu không được đáp ứng một nửa nhu cầu khí thiên nhiên như hiện nay.

Cảnh báo của BASF được đưa ra sau khi Đức kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí thiên nhiên trước thông báo của Nga là có thể sẽ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp cho các đợt cung ứng khí thiên nhiên sắp tới. Nhưng các quốc gia G7, trong đó có Đức, đã từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Ngay từ trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina, giá khí thiên nhiên ở châu âu đã tăng mạnh. Tháng 9/2021, giá nhiên liệu cao đã buộc Công ty BASF phải cắt giảm sản lượng amoniăc của các nhà máy ở Ludwigshafen (Đức) và Antwerp (Bỉ). Các công ty sản xuất phân đạm khác như CF-Industries cũng đang phải tiếp tục vận hành ở châu âu với công suất thấp hơn.

Theo Công ty BASF, công nghiệp hóa chất là ngành cung ứng các sản phẩm cơ bản cho hầu hết tất cả các ngành sản xuất khác, vì vậy tình trạng thiếu nguồn cung khí thiên nhiên và do đó là cắt giảm hoặc ngừng sản xuất hóa chất có thể dẫn đến sự đứt gãy nghiêm trọng của nhiều chuỗi cung ứng cho các khách hàng công nghiệp. Hầu hết tất cả các ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, kể cả nông nghiệp, lương thực thực phẩm, xe ôtô, mỹ phẩm, xây dựng, sản xuất bao bì, dược phẩm và hàng điện tử.     

Ví dụ, nhà máy của BASF tại Ludwigshafen đang sản xuất nhiều hóa chất được sử dụng trong các sản phẩm y tế như thuốc khử trùng và quần áo bảo vệ rất cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nhà máy này cũng sản xuất nhiều sản phẩm được sử dụng trong các mặt hàng khác nhau như bao bì thực phẩm, sản phẩm vệ sinh,...

BASF cho biết, 60% khí thiên nhiên mà Công ty mua vào sẽ được sử dụng để sản xuất năng lượng, 40% được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, vì vậy tình trạng thiếu khí thiên nhiên sẽ có những ảnh hưởng nặng nề đối với Công ty. Chẳng hạn, sản xuất amoniăc sẽ bị gián đoạn trong bối cảnh nguồn cung amoniăc cho châu âu đã phải chịu nhiều tác động của xung đột Nga-Ucraina, vì Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu amoniăc và phân bón hàng đầu thế giới. Việc suy giảm nguồn cung khí thiên nhiên cho Đức sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu phân bón trên toàn thế giới, có thể khiến cho sản xuất lương thực bị ảnh hưởng và làm tăng giá các loại thực phẩm cơ bản. 

Một lĩnh vực quan trọng khác đang cần nhiều khí thiên nhiên là sản xuất axetylen, đây là hóa chất được sử dụng cho nhiều sản phẩm khác trong các ngành như xe ôtô, dược phẩm, xây dựng, hàng tiêu dùng và vải dệt.