Công nghiệp hóa chất Mỹ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 bất chấp những thách thức của chuỗi cung ứng

09:35 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Chín, 2022

Bất chấp những trở ngại đang tiếp diễn trong chuỗi cung ứng, công nghiệp hóa chất Mỹ được dự báo sẽ đạt tăng trưởng vững chắc trong năm nay nhờ được lợi từ quá trình bổ sung kho hàng của các doanh nghiệp, xu hướng phát triển ổn định của nhiều ngành sản xuất cuối dòng sử dụng hóa chất và lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên. Đó là kết luận của Hội đồng hóa chất Mỹ (ACC) trong Báo cáo tình hình và triển vọng ngành hóa chất giữa năm 2022.

Những thách thức của chuỗi cung ứng

Theo báo cáo của ACC, kinh tế toàn cầu đang phải tiếp tục vất vả chống chọi với các vấn đề của chuỗi cung ứng và lạm phát, đây là những vấn đề đã càng trở nên căng thẳng hơn do cuộc chiến tranh của Nga ở Ucraina và các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Tình trạng thiếu các chất bán dẫn đang tiếp tục hạn chế hoạt động của các các nhà sản xuất xe ôtô tại Mỹ - những khách hàng quan trọng của ngành sản xuất hóa chất.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng của ngành vận tải tại Mỹ đã ảnh hưởng nặng đến các ngành kinh tế Mỹ, đặc biệt là các nhà sản xuất hóa chất. Tình trạng tắc nghẽn đã diễn ra nhiều tháng tại các cảng, tàu chở hàng ùn ứ, không đủ năng lực vận chuyển, hệ thống đường bộ và đường sắt lạc hậu khiến cho vô số côngtenơ chất đống tại các cảng. Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các lĩnh vực, từ thức ăn gia súc và phân bón đến những hóa chất thiết yếu để xử lý nước và sản xuất điêzen cũng như các nhiên liệu khác.

Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế

Tuy những thách thức của chuỗi cung ứng và lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài, ACC dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong các năm 2022 và 2023, trong khi đó sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2022 và 3,6% năm 2023.

Tại Mỹ, một số động lực tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục duy trì, ví dụ tỷ lệ việc làm cao, bảng cân đối tài chính của các gia đình và các công ty tương đối lành mạnh, tăng trưởng sản xuất ổn định.
Mặc dù đã giảm trong quý I/2022, GDP của Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong cả năm 2022 và 2,1% trong năm 2023, sau khi đã tăng trưởng 5,7% trong năm 2021. ACC dự báo đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2022 và 3,5% trong năm 2023, sau khi đã tăng trưởng 7,4% trong năm 2021. Cơ quan này cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ đạt mức trung bình 3,6% trong năm nay và 3,7% trong năm 2023 sau khi giữ ở mức 5,3% trong năm qua.

Động lực tăng trưởng

Hiện nay, động lực cho nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp nói chung và các sản phẩm hóa chất nói riêng là những đổi mới công nghệ đang diễn ra ở các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, lĩnh vực sản xuất các loại xe ôtô hạng nhẹ đã trở thành thị trường cuối dòng quan trọng của ngành sản xuất hóa chất. Đây là loại xe ôtô có tác dụng giảm ảnh hưởng ô nhiễm đối với môi trường đồng thời giúp cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu và tăng độ an toàn. Mỗi một chiếc xe như vậy thường sử dụng số sản phẩm hóa chất trị giá hơn 3.200 $. 

ACC chỉ ra rằng, nhiều thành phần chất dẻo có trọng lượng thấp hơn 50% so với các thành phần tương tự được sản xuất từ các loại vật liệu khác. Những đổi mới hiện đại khiến cho các sản phẩm chất dẻo ngày nay chiếm đến 50% thể tích của một chiếc xe ôtô, nhưng chỉ chiếm 10% trọng lượng xe.

Nhìn chung, sản xuất xe ôtô ở Mỹ đang hồi phục, nhưng các trở ngại về vận chuyển và các đứt gãy của chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở châu âu và Trung Quốc, đang hạn chế nguồn cung sản phẩm. Mặc dù vậy, nhu cầu dồn nén trong thời gian qua dự kiến sẽ là động lực lớn làm tăng mạnh doanh số xe bán ra, nếu các khó khăn của chuỗi cung ứng giảm đi. ACC dự báo doanh số xe ôtô tại Mỹ sẽ đạt 15,1 triệu chiếc trong năm 2022 và 16,3 triệu chiếc năm 2023, so với mức 17 triệu chiếc năm 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Nếu các vấn đề của chuỗi cung ứng giảm nhẹ vào cuối năm nhờ những hành động hỗ trợ của các ngành công nghiệp và chính phủ, công nghiệp hóa chất Mỹ sẽ được hưởng lợi khi thị trường bất động sản hồi phục. Số lượng nhà được giao dịch trên thị trường trong năm 2021 đã tăng đến 1,60 triệu và dự báo sẽ tăng đến 1,65 triệu trong năm 2022. 

Sản xuất xe ôtô và hoạt động xây dựng, tân trang nhà cửa là hai phân khúc khách hàng quan trọng hàng đầu của ngành hóa chất.

Triển vọng tăng trưởng của sản xuất hóa chất

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ACC, sau một số năm tăng trưởng yếu do các căng thẳng thương mại, dịch COVID-19 và các sự kiện thời tiết bất lợi, năm 2002 ngành sản xuất hóa chất Mỹ có khả năng sẽ đạt kết quả cao nhất từ nhiều năm nay, trong khi đó tất cả các lĩnh vực sản xuất hóa chất đều phát triển tốt. Hơn nữa, đầu tư vào các giải pháp bền vững – từ các công nghệ phát thải thấp cho đến công nghệ tái chế và thu hồi tiên tiến – sẽ ngày càng trở thành xu hướng đầu tư hàng đầu của ngành hóa chất.  

Theo ACC, sản lượng hóa chất Mỹ năm 2022 có triển vọng sẽ đạt mức cao nhất từ hơn 1 thập niên nay. Sau khi đã tăng trưởng 1,6% trong năm 2021, ACC dự báo sản lượng hóa chất sẽ tăng trưởng 4,1% năm 2022 và 2,4% năm 2023. Lượng hóa chất giao hàng dự kiến sẽ tăng trưởng 9,6% trong năm 2022 và 3,4% năm 2023 sau khi đã tăng trưởng 11,3% năm 2021.

ACC cũng dự báo sản lượng hóa chất cơ bản của Mỹ sẽ tăng 4,3% trong năm 2022, trong đó những lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất là các sản phẩm hóa dầu và hữu cơ (tăng 4,6%), nhựa dẻo (tăng 4,4%), hóa chất vô cơ (tăng 4,4%). Sản lượng hóa chất chuyên dụng sẽ tăng 6,2% trong năm 2022 nhờ nhu cầu mạnh của thị trường và hoạt động bổ sung kho dự trữ của các doanh nghiệp.

Nguồn: