Một thực tế đáng ngạc nhiên hiện nay là ngành sản xuất xút-clo của châu Âu đang ở vị thế để hưởng lợi trước những căng thẳng ở Biển Đỏ, trong bối cảnh nhiều công ty lựa chọn phương án đưa sản xuất trở về nước để tránh những rối loạn hậu cần liên quan đến chuỗi cung ứng tử châu Á xa xôi.
Xút-clo là thị trường đa dạng với rất nhiều sản phẩm dẫn xuất của clo và xút. Trong khi xút có thể được giao dịch trực tiếp thì clo lại được giao dịch chủ yếu ở dạng các hợp chất.
Trước khi xảy ra chiến sự ở Biển Đỏ, các chuyên gia thị trường dự báo tỷ lệ vận hành của ngành công nghiệp xút-clo châu âu trong quý I/2024 sẽ giảm so với quý IV/2023. Đây là hậu quả của tăng trưởng kinh tế yếu và khối lượng nhập khẩu khá lớn các sản phẩm dẫn xuất từ châu Á.
Nhưng do sự đứt đoạn của chuỗi cung ứng từ châu Á, các nhà sản xuất những sản phẩm dẫn xuất của clo (TiO2, isoxyanua, epoxy) ở châu âu được dự báo sẽ hưởng lợi. Tỷ lệ vận hành sản xuất đối với những sản phẩm dẫn xuất đó dự kiến sẽ tăng nhờ sự gia tăng thị phần của sản xuất nội địa trên thị trường. Những động lực thúc đẩy xu hướng này bao gồm việc những bên mua tìm kiếm nguồn thay thế cho hàng cung ứng đến chậm khi thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu âu kéo dài cũng như xu hướng chuyển dịch sang các chuỗi cung ứng bền vững hơn. Nhiều sản phẩm dẫn xuất của clo sẽ chịu tác động của những động lực như vậy, kết quả cuối cùng sẽ là sự gia tăng của tỷ lệ vận hành trong ngành xút-clo châu Âu.
Theo số liệu nhập khẩu xút của Hệ thống giao dịch Nam Âu, khu vực Nam châu Âu là nguồn cung xút hàng đầu cho châu âu, ngay cả khi giá năng lượng tăng rất mạnh trong năm 2022. Nền kinh tế tăng trưởng chậm và giá năng lượng cao đã làm giảm nhu cầu xút trong khu vực, dẫn đến khối lượng nhập khẩu xút thấp hơn. Nhưng mặc dù đã giảm so với những mức cao trong năm 2022, nhập khẩu xút từ châu Á, Trung Đông và Ấn Độ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong toàn bộ khối lượng nhập khẩu xút của châu Âu.
Những rối loạn hậu cần do căng thẳng ở Biển Đỏ đã dẫn đến sự gia tăng chung của chi phí vận chuyển, không chỉ đối với hàng vận chuyển từ châu Á đến Địa Trung Hải, mà cả đối với hàng vận chuyển từ vùng duyên hải Vịnh Mêhicô của Mỹ đến Địa Trung Hải.
Nhu cầu xút ở một số sản phẩm dẫn xuất như alumin, xà phòng và chất tẩy rửa dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể vì các vấn đề vận chuyển ở Biển Đỏ. Nhưng đối với ngành sản xuất giấy và bột giấy thì đó lại là câu chuyện khác. Xuất khẩu bột giấy từ châu âu sẽ kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế do chi phí vận chuyển tăng, vì vậy có thể dẫn đến giảm tỷ lệ vận hành và nhu cầu xút. Trong bối cảnh tỷ lệ vận hành của sản xuất clo tăng và tiêu thụ xút của ngành sản xuất giấy giảm, các nhà sản xuất xút-clo vùng Tây Bắc châu âu có thể sẽ cung ứng nhiều xút hơn đến khu vực Địa Trung Hải, thay thế cho sản phẩm được cung ứng từ Ấn Độ, châu Á hoặc Trung Đông. Sự gia tăng của nguồn cung xút cũng sẽ dẫn đến kết quả là các nhà sản xuất vùng Tây Bắc châu âu cần xuất khẩu nhiều xút hơn ra các thị trường khác trên khắp thế giới, có thể phải cung ứng xút với giá cạnh tranh hơn đến các thị trường như châu Mỹ La tinh.
Nhìn chung, những rối loạn hậu cần ở Biển Đỏ sẽ có lợi cho ngành sản xuất xút-clo châu âu nhờ tăng tiêu thụ xút và tăng tỷ lệ vận hành trong ngành. Những lợi thế như vậy có thể còn kéo dài một thời gian, trước khi sản xuất các sản phẩm dẫn xuất như TiO2 và isoxyanua được đưa trở lại châu âu để cải thiện an ninh nguồn cung và giảm những bất ổn liên quan đến hậu cần khi vận chuyển sản phẩm đến từ châu Á. Sau khi những xung đột ở Biển Đỏ lắng xuống và chi phí hậu cần giảm, các dẫn xuất clorua lại có thể được nhập khẩu từ châu Á. Tuy nhiên, đến lúc đó kinh tế châu âu có thể đã bắt đầu được cải thiện, tiêu thụ xút-clo trong các sản phẩm dẫn xuất có thể gia tăng, bù đắp cho sự giảm sút của nhu cầu đối với ngành xút-clo do nhập khẩu gia tăng.