Triển vọng cung cầu phân bón toàn cầu năm 2023

02:36 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Ba, 2023

Tháng 12/2022, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đã công bố báo cáo đánh giá tình hình cung cầu trên thị trường phân bón toàn cầu năm 2022 và triển vọng năm 2023.

Tình hình nguồn cung năm 2022

Theo tổng kết sơ bộ của IFA, các phân khúc của ngành sản xuất phân đạm trên toàn cầu đã đạt được những kết quả rất khác biệt trong năm 2022. 

Các chuyên gia IFA ước tính sản lượng amoniăc trên thế giới - đại diện cho tất cả các sản phẩm phân đạm - năm 2022 giảm 3% so với năm trước, chủ yếu do sản lượng thấp hơn của Trung Quốc, Nga cũng như khu vực Tây và Trung Đông. 

Trái lại, sản lượng urê (loại phân đạm được tiêu thụ phổ biến nhất) trên toàn cầu đã tăng 2% so với năm trước. Động lực chủ yếu dẫn đến kết quả này là sản lượng urê cao hơn ở những quốc gia có chi phí sản xuất thấp với những nhà máy mới định hướng xuất khẩu như Nigiêria và Brunei, cũng như sản lượng cao hơn ở Ấn Độ và Braxin với nhu cầu nhập khẩu.

Trên thị trường phân lân, sản lượng axit phốtphoric toàn cầu ước tính đã tăng khoảng 7% trong năm 2022, sau khi giảm trong năm 2021. Nguyên nhân là sự hồi phục của sản xuất phân lân tại Mỹ và Braxin sau khi 2 nước này gặp phải những vấn đề về cung ứng trong năm 2021, đồng thời sản lượng phân lân năm 2022 của Nga cũng cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thương mại các loại phân bón MAP và DAP trong năm 2022 ước tính đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước do sức mua suy yếu khi giá tăng cao.   

Trong số các loại phân bón, nguồn cung phân kali tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sản lượng phân kali toàn cầu năm 2022 ước tính giảm 14% so với năm trước do sản lượng của Belarut và Nga thấp hơn đáng kể khi đang bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tuy sản lượng phân kali cao hơn ở Canađa và Lào đã giúp cải thiện một phần tình hình, nhưng không đủ để bù đắp toàn bộ nguồn cung thiếu hụt từ 2 quốc gia nói trên. Giá cao và lượng hàng tồn kho từ năm 2021 cũng đã ảnh hưởng đến khối lượng giao dịch thương mại phân kali trên toàn cầu.

Triển vọng nguồn cung năm 2023

đối với năm 2023, IFA đưa ra một số kịch bản dự báo nguồn cung phân bón trên thế giới. 

Trong lĩnh vực phân đạm, kịch bản lạc quan dự báo nguồn cung sẽ tăng 1,1 triệu tấn N, kịch bản trung bình dự báo nguồn cung giảm 1,8 triệu tấn N, trong khi đó kịch bản bi quan dự báo nguồn cung sẽ giảm 5,8 triệu tấn N. Kịch bản trung bình và kịch bản bi quan phản ánh tình hình ngắn hạn, trong bối cảnh nguồn cung khí thiên nhiên cho châu âu và khả năng xuất khẩu phân bón của Nga đến thị trường thế giới sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ so với quý 4/2022. 

Trong lĩnh vực phân lân, kịch bản lạc quan của IFA dự báo nguồn cung phân lân trong năm 2023 sẽ tăng khoảng 1,5 triệu tấn P­2­O­5, kịch bản trung bình dự báo nguồn cung sẽ tăng 0,9 triệu tấn P­25. Hai kịch bản này phản ánh xu hướng đi lên của thị trường nhờ các kế hoạch mở rộng công suất phân lân. Trong kịch bản bi quan, nguồn cung phân lân được dự báo sẽ giảm 1,0 triệu tấn P­2­O­5 do chi phí nguyên liệu cao và tình hình xuất khẩu xấu đi.

Trong lĩnh vực phân kali, kịch bản lạc quan của IFA dự báo nguồn cung phân kali sẽ tăng 3,2 triệu tấn K2O, kịch bản trung bình dự báo nguồn cung phân kali tăng 1,7 triệu tấn K2O và kịch bản bi quan dự báo nguồn cung phân kali tăng 0,6 triệu tấn K2O. Kịch bản lạc quan có tính đến tác động của hai mỏ mới ở Nga và Lào, dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm 2023.

Tình hình tiêu thụ năm 2022

Đầu năm 2021, lượng tiêu thụ phân bón đã bắt đầu giảm đáng kể ở một số khu vực, sau đó tiếp tục giảm mạnh trong năm 2022. Ước tính, các khu vực Đông Á và Đông Nam Á, châu Mỹ La tinh, Đông Âu và Trung Á (EECA) dẫn đầu xu hướng giảm này với mức giảm tổng cộng 8,3 triệu tấn N, P­2­O­5 và K2O. 

Nhìn chung, tiêu thụ phân bón (tính theo triệu tấn chất dinh dưỡng N, P­2­O­5 và K2O) đã giảm 2% trong năm 2021 và giảm 5% trong năm 2022.

Tại Đông Nam Á, tiêu thụ phân bón năm 2022 ở các quốc gia sản xuất lúa gạo và dầu cọ đã giảm mạnh nhất. Ôxtrâylia là trường hợp ngoại lệ, khi lượng sử dụng phân bón trong năm 2022 không giảm mặc dù giá tăng cao, nguyên nhân là các đợt mưa lớn kéo dài. 

Tính theo tỷ lệ giảm, tiêu thụ phân bón tại các khu vực EECA, châu Phi, Tây Á và châu Mỹ La tinh đã giảm mạnh nhất trong năm 2022, với mức giảm từ 10% đến 15%.

Triển vọng phục hồi nhu cầu trong năm 2023

Một cuộc khảo sát của các chuyên gia IFA tại 50 quốc gia chiếm 90% lượng tiêu thụ phân bón trên toàn cầu cho thấy, giá phân bón và giá nông sản là những động lực quan trọng nhất đối với tiêu thụ phân bón ở tất cả các khu vực trên thế giới trong thời kỳ 2021 - 2023. 

Trước khi đạt đến đỉnh cao nhất, từ giữa năm 2021 giá phân bón nhìn chung đã tăng nhanh hơn giá nông sản. Vì vậy, theo tỷ lệ tăng so với giá nông sản thì giá phân bón đã trở nên đắt hơn trong các năm 2021 và 2022. Xu hướng này không chỉ diễn ra đối với các loại ngũ cốc chính (ngô, gạo, lúa mì) mà cả đối với đậu nành, mía đường và dầu cọ.

Sự dao động lên xuống của giá phân bón cũng ảnh hưởng đến hành vi mua của người nông dân. Ví dụ, nhiều nông dân đã mua phân bón sớm từ cuối năm 2021 để tránh khả năng tăng giá. Mặt khác, nhiều người đã trì hoãn mua phân bón trong năm 2022, một phần do thiếu vốn, một phần do hy vọng giá sẽ giảm.

Theo dự báo của IFA, tiêu thụ phân bón toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2023, đạt tổng cộng 194 triệu tấn chất dinh dưỡng (tăng 5,9 triệu tấn) và trở về trên mức của năm 2019. Tiêu thụ phân đạm dự kiến sẽ tăng trưởng 2%, trong khi đó tiêu thụ phân lân và phân kali sẽ cùng tăng trưởng 4%.

Châu Mỹ La tinh là khu vực được dự báo sẽ dẫn đầu xu hướng phục hồi trong tiêu thụ các loại phân bón trên toàn cầu năm 2023, đặc biệt là phân lân và phân kali. Khu vực Nam Á sẽ đóng vai trò lớn thứ hai trong xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu thụ phân đạm và phân lân, trong đó tiêu thụ tại Ấn Độ và Pakistan sẽ tăng mạnh. Đông Á sẽ trở thành động lực lớn thứ hai của tăng trưởng tiêu thụ phân kali, dẫn đầu là các quốc gia sản xuất dầu cọ. Đáng chú ý là tiêu thụ phân bón tại châu Phi dự kiến sẽ tăng 9% sau khi giảm mạnh trong các năm trước, vì vậy châu lục này cũng sẽ trở thành động lực lớn cho tăng trưởng tiêu thụ phân đạm toàn cầu.

Nguồn: