Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính sách thuế VAT với phân bón

02:46 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Chín, 2023

Nóng lòng chờ quyết định thuế giá trị gia tăng (VAT) cho mặt hàng phân bón, cử tri Hải Phòng gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính mong đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Cử tri kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ảnh: Bộ Tài chính

Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính, cử tri TP.Hải Phòng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa mặt hàng phân bón sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

Phản hồi về vấn đề này ngày 25.9, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng, thu thập kinh nghiệm quốc tế; chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài chính và tổng hợp, giải trình ý kiến tham gia; xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và tổng hợp, giải trình ý kiến thẩm định để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 150/TTr-BTC ngày 18.7.2023 về lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) để trình Quốc hội, đăng ký dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến đề xuất áp thuế VAT với phân bón, Bộ Tài chính đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT như quy định hiện hành, sang đối tượng chịu thuế VAT, với mức thuế suất là 5%.

Theo đó, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón (thuộc đối tượng không chịu thuế VAT) đang gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.

Điều này gây bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Xuất phát từ tình trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, qua đó sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước.

Như vậy, nếu đề xuất trên nhanh chóng được đưa vào Luật, số thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ khoảng 950 tỉ đồng; số thuế VAT đầu vào còn lại (khoảng 250 tỉ đồng) sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế.

Rõ ràng, phân bón sản xuất trong nước sẽ có thêm điều kiện cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bằng việc có thêm cơ hội để hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.