Vẫn khó xử lý các dự án thua lỗ, trình Thủ tướng nhiều giải pháp tháo gỡ

11:19 SA @ Thứ Sáu - 25 Tháng Ba, 2022

Nhiều doanh nghiệp nhà nước kiến nghị cơ chế chính sách để "cứu" các dự án thua lỗ ngành công thương ì ạch nhiều năm qua.

Vẫn khó xử lý các dự án thua lỗ

Trong báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ nhân cuộc họp “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước” diễn ra ngày 24/3, các doanh nghiệp nhà nước có các “dự án yếu kém ngành công thương” cho biết, vẫn gặp nhiều khó khăn khi xử lý những tồn tại.

Tại Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), 2 dự án yếu kém đó là “Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco2)” do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư và “Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa” do Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) làm chủ đầu tư.

vẫn khó xử lý các dự án thua lỗ, trình thủ tướng nhiều giải pháp tháo gỡ

Đối với Tisco2, việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại dự án này đang gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến hợp đồng EPC và tái cơ cấu nợ. Dự án cũng đang chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý do thời gian thực hiện kéo dài.

Còn Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa, thâm hụt tài chính lớn, lỗ luỹ kế, khiến nhà máy không còn đủ vốn để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện Đề án tái cơ cấu được thông qua nhưng vẫn chưa hoạt động do chưa được cấp lại Giấy phép hoạt động khoáng sản mỏ.

Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cũng chia sẻ, 3 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của tập đoàn gồm Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình; Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, đều khó khăn do chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn trên doanh thu.

Theo đó, Đạm Hà Bắc là 33,8%, Đạm Ninh Bình là 24,2% và DAP số 2 là 21,9%.

Riêng với DAP số 2, nhà máy sản xuất phân bón Điamôn phốt phát đang có nguy cơ phải ngừng sản xuất do bãi chứa chất thải thạch cao (gyps) có diện tích 10,5 ha đã hết chỗ để thải.

“Nếu không được bổ sung thêm bãi chứa thải mới, nhà máy có nguy cơ phải ngừng sản xuất. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng sản phẩm DAP, giảm nguồn phân bón phục vụ nhu cầu nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh các nước đang hạn chế xuất khẩu loại phân này làm giá nhập khẩu tăng cao, gây bất lợi cho nông dân”, Vinachem báo cáo.

Còn Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) cho biết, đang loay hoay đấu giá tài sản cố định, hàng hoá tồn kho của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Năm 2017, nhà máy đã được rao thanh lý tài sản 3 lần nhưng thất bại vì không có người mua. Đây là nhà máy được đánh giá là có tương lai mờ mịt nhất, trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.

Cuối năm 2020, Vinapaco đã xây dựng phương án chuyển dự án nhà máy thành khu đô thị sinh thái gắn với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo đề xuất của tỉnh Long An, nhưng đến nay, phương án vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền thống nhất, phê duyệt.

Do đó, việc xử lý dự án chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này.

Nhiều giải pháp được doanh nghiệp trình Thủ tướng

Đối với dự án Tisco 2, Vnsteel đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm ban hành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của nhà nước và Quy chế xử lý rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và dự án;

Doanh nghiệp này cũng đề xuất Thanh tra Chính phủ hướng dẫn để sớm xử lý dứt điểm vấn đề của hợp đồng EPC.

Ngoài ra, Vnsteel cũng đề nghị sớm xem xét xây dựng cơ chế miễn giảm trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức tham gia đề xuất, thẩm định và tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến việc xử lý các dự án thua lỗ, kéo dài của ngành Công thương.

Còn đối với VTM, đơn vị này mong được tạo điều kiện xem xét sớm cấp lại Giấy phép hoạt động khoáng sản mỏ Quý Xa.

Để tháo gỡ khó khăn, Vinachem đề xuất 2 giải pháp tái cơ cấu tài chính, tháo gỡ khó khăn giúp đơn vị hồi phục với mục tiêu là giảm thiểu chi phí tài chính, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện thoái vốn vào thời điểm thích hợp, giảm thiệt hại vốn nhà nước.

Giải pháp 1 là Bổ sung vốn điều lệ cho Công ty thông qua việc chuyển vốn vay của VDB thành vốn góp vào Công ty. Giải pháp 2 là tái cơ cấu nợ vay đầu tư của VDB và các ngân hàng thương mại.

Trong đó, Vinachem đánh giá giải pháp 2 là tối ưu trong thời điểm hiện nay, bảo đảm quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên, góp phần bảo đảm bình ổn, điều tiết thị trường phân bón và an ninh lương thực quốc gia.

Cụ thể, Vinachem đề xuất khoanh nợ 3 năm (từ 2022-2024) cho toàn bộ số tiền dư nợ gốc đến thời điểm 31/12/2021; Điều chỉnh lãi suất cho vay tất cả các khoản vay của dự án (trên 8,55%) về mức lãi suất 8,55% một năm từ năm 2022; Kéo dài thời hạn vay của dự án lên thành 30 năm; Xóa toàn bộ lãi phạt chậm trả chưa trả tính trên nợ gốc quá hạn và lãi chậm trả trên nợ lãi đến thời điểm 31/12/2021; Dừng tính lãi phạt trên nợ lãi chậm trả.

Riêng đối với Đạm Ninh Bình, đề nghị không tính lãi trên dư nợ gốc tiền vay từ năm 2022-2024 và kéo dài thời hạn vay đến năm 2037, trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế.

Với Vinapaco, đơn vị này đề nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành báo cáo Chính phủ sớm xem xét, quyết định phương án xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để Tổng công ty đảm bảo đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định.\

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước).