Quản lý thị trường phân bón: Rạch ròi trách nhiệm

12:45 CH @ Thứ Năm - 06 Tháng Sáu, 2013

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thành dự thảo nghị định mới về quản lý thị trường phân bón.

Theo đó, phân định một cách rạch ròi trách nhiệm của các Bộ, ngành trong công tác quản lý sẽ là điểm thay đổi quan trọng đảm bảo sự lành mạnh cho thị trường phân bón.

Nhiều bất cập

Theo Nghị định 113/2003/NĐ-CP, hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón được quản lý theo Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (Danh mục phân bón). Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là hai đơn vị chủ chốt thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mặt hàng này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm chính thức đi vào cuộc sống Nghị định đã lạc hậu so với sự phát triển của thị trường, thậm chí bộc lộ nhiều bất cập.

Tại hội nghị tổng kết về cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón hôm 27/5/2013, ông Trương Hợp Tác, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập này. Theo ông, nhược điểm lớn nhất của phương thức quản lý phân bón theo danh mục như hiện nay là không truy xuất được nguồn gốc. Thông qua danh mục có thể biết được DN nào, sản xuất loại phân bón gì nhưng địa điểm DN ở đâu, số lượng sản xuất bao nhiêu, chất lượng như thế nào… thì cơ quan quản lý khó có thể xác định được.

Với những loại phân bón không có tên trong danh mục, để được công nhận là loại phân bón mới và được phép sản xuất phải mất khoảng 1 năm rưỡi cho công tác khảo nghiệm, thẩm định và phải trải qua 13 thủ tục hành chính. Rồi việc tra cứu, phân loại, xử lý các loại phân bón trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng là vấn đề lớn với các cơ quan quản lý khi có tới 5.000 loại trong danh mục phân bón.

Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cũng cho biết, dù được cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cùng tham gia quản lý nhưng không phân định rõ ràng đơn vị nào phải chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ. Vì vậy, chưa cơ quan nào có đầy đủ thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thậm chí việc quản lý còn phân tán, có phần chồng chéo. Cùng với đó, mức xử phạt các đối tượng vi phạm còn chưa đủ sức răn đe… khiến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Phân định rạch ròi

Trước những bất cập về chính sách và sự kém hiệu quả trong công tác quản lý mặt hàng phân bón, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo dự thảo mới về quản lý thị trường phân bón thay thế cho Nghị định 113/2003/NĐ-CP. Theo đó, sẽ có sự phân định rạch ròi về phân công trách nhiệm quản lý phân bón. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phân bón và trực tiếp quản lý phân bón vô cơ. Bộ NN&PTNT thực hiện quản lý nhà nước về phân bón hữu cơ và phân bón khác. Việc quản lý các hoạt động lấy mẫu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm và sử dụng phân bón sẽ do Bộ NN&PTNT thực hiện.

Dự thảo cũng quy định, phân bón là mặt hàng sản xuất có điều kiện. Với quy định này, các đơn vị sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đồng thời sẽ loại bỏ những cơ sở sản xuất không đủ điều kiện (có thể loại bỏ tới 60% cơ sở sản xuất hiện tại).

Các tổ chức, cá nhân tự khảo nghiệm phân bón hoặc hợp đồng với các đơn vị có đủ điều kiện để tổ chức khảo nghiệm theo quy định của Bộ NN&PTNT và tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm, không thành lập hội đồng công nhận và bỏ quy định về danh mục phân bón…

Theo khẳng định của bà Nguyễn Kim Liên, đây là những điểm thay đổi cơ bản và rất quan trọng trong dự thảo Nghị định mới. Những quy định này sẽ khiến công tác quản lý phân bón sát thực với thị trường hơn. Và quan trọng là đảm bảo cho thị trường phân bón phát triển một cách minh bạch, phù hợp với xu thế hội nhập./.

Góp ý cho dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa đề nghị xem xét nâng mức xử phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng gây nên nhằm hạn chế tình trạng tái vi phạm do chế tài chưa đủ mạnh.

Nguồn: